Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình đoàn viên Lê Thị Hạnh ở thôn Quỳnh Lâm, xã Cam Thượng cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm. |
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo
Cam Thượng là một trong những xã có phong trào thanh niên khởi nghiệp mạnh mẽ nhất của huyện Ba Vì với nhiều mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao. Nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại thu nhập từ khá trở lên.
Điển hình là mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị Lê Thị Hạnh ở thôn Quỳnh Lâm. Đến thăm gia đình chị Hạnh, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước quy mô trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được xây dựng một cách khoa học.
Năm 2006, ngoài đầu tư san lấp diện tích đất đồi và đất nông nghiệp của gia đình, chị Hạnh nhận thầu thêm 1,8ha diện tích lúa ngập nước và quy hoạch đầu tư sản xuất theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Trang trại của gia đình chị hiện có diện tích hơn 15ha, trong đó 12ha thả cá, kết hợp nuôi vịt và cấy lúa một vụ, 3ha dành để xây dựng chuồng trại nuôi gà, trồng bưởi Diễn và nuôi trâu bò.
Hiện trang trại của chị có hơn 1.000 vịt đẻ, 6 con trâu bò, 1.000 con gà thịt và 130 cây bưởi Diễn đã cho thu hoạch. Từ hai bàn tay trắng, đến nay, vợ chồng chị Hạnh đã xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại kết hợp trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, trừ chi phí thu nhập trên dưới 400 triệu đồng/năm.
Từ năm 2014 đến nay, Ba Vì đã có 4 đoàn viên vinh dự được nhận giải thưởng Lương Đình Của do T.Ư Đoàn trao tặng. Để thanh niên có nguốn vốn lập thân, lập nghiệp, Huyện đoàn Ba Vì đã và đang phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho thanh niên tham gia vay vốn, đến nay tổng số vốn dư nợ khoảng 12,8 tỷ đồng với 12 tổ tiết kiệm vay vốn cho 497 đoàn viên, thanh niên vay phát triển kinh tế.Phó Bí thư Huyện đoàn - Chủ tịch Hội LHTN huyện Ba Vì Nguyễn Hiền Sử |
Hiện nay, trang trại của chị Hạnh tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Hạnh còn thường xuyên giúp đỡ các đoàn viên trong và ngoài xã về kinh nghiệm chăn nuôi cũng như con giống…
Một loại hình phát triển kinh tế khác là mô hình thủ lĩnh Đoàn tiên phong khởi nghiệp cũng đã và đang phát triển mạnh tại Ba Vì.
Trên địa bàn huyện hiện có hàng chục cán bộ Đoàn làm kinh tế giỏi. Điển hình là Bí thư Đoàn xã Khánh Thượng Đào Văn Tuyên với mô hình chế biến lâm sản. Để phát huy lợi thế của địa phương, anh Tuyên vay vốn đầu tư hai xưởng chế biến gỗ với các sản phẩm đa dạng như ván gỗ bóc, cốt pha, xà gồ phục vụ công trình xây dựng.
Cùng với đó, xưởng còn sản xuất các loại gỗ nan, sơ chế gỗ phục vụ làm đồ gỗ nội thất, cung cấp nguyên liệu cho DN chế biến gỗ tại các huyện Đan Phượng, Thạch Thất và vùng lân cận. Sau 10 năm tích cực lao động sản xuất, ngoài việc trả hết các khoản nợ đầu tư ban đầu, gia đình anh Tuyên còn mua thêm được một xe tải chuyên vận chuyển gỗ và một máy xẻ. Hàng năm, lợi nhuận thu về từ chăn nuôi và sản xuất đạt trên dưới 300 triệu đồng. “Từ ngày có xưởng chế biến lâm sản, kinh tế gia đình tôi ổn định hơn. Ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho 5 - 10 đoàn viên thanh niên trong xã” - anh Đào Văn Tuyên chia sẻ.
Không chỉ phát triển kinh tế trang trại, gia trại, sản xuất gỗ, nhiều đoàn viên đã khởi nghiệp bằng các ngành nghề khác. Đó là đoàn viên Nguyễn An Công, thôn Gò - Đá Chẹ, xã Khánh Thượng với mô hình kinh doanh xe đạp, xe máy điện kết hợp kinh doanh hàng tiêu dùng tổng hợp. Khởi nghiệp với số vốn tự có ban đầu khoảng 200 triệu đồng, hiện nay các sản phẩm của anh đã cung cấp rộng khắp trong và ngoài huyện, thu nhập bình quân đạt khoảng 150 triệu đồng/năm.
Ba Vì hiện có trên 71.000 thanh niên, chiếm gần 26% dân số toàn huyện. Trên địa bàn huyện có 70 cơ sở Đoàn trực thuộc và trên 12.026 đoàn viên. Những năm qua, tuổi trẻ Ba Vì đã phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội và lập thân, lập nghiệp. Tiêu biểu là các hoạt động hỗ trợ thanh niên vay vốn làm giàu chính đáng; tư vấn hướng nghiệp cho đoàn viên thanh niên; thành lập các mô hình câu lạc bộ giúp thanh niên phát triển kinh tế...
Từ thực tế đó cho thấy, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn trong tư vấn, hỗ trợ thanh niên làm kinh tế và lập nghiệp là vô cùng cần thiết. Hoạt động đó một mặt giúp thanh niên nắm vững kiến thức chuyên môn về kinh tế, tăng cường trao đổi kinh nghiệm lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Mặt khác, giúp thanh niên phát huy tốt sở trường, đóng góp sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô, đất nước.
Phó Bí thư Huyện đoàn - Chủ tịch Hội LHTN huyện Ba Vì Nguyễn Hiền Sử cho biết, để đạt được kết quả trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, Huyện đoàn Ba Vì đã tích cực phối hợp với các phòng, ban, ngành của huyện, Thành đoàn tìm cơ chế, chính sách cho thanh niên phát triển kinh tế.
Cụ thể, phối hợp với Ban đoàn kết thanh niên và địa bàn dân cư tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn thanh niên phát triển kinh tế. Huyện đoàn đã thành lập 24 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế cấp xã với gần 200 thành viên tham gia. Phối hợp với Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm tổ chức các lớp tư vấn, hướng nghiệp cho 1.800 đoàn viên, thanh niên mỗi năm…
Bên cạnh đó, Huyện đoàn Ba Vì thường xuyên có những hình thức tuyên dương các gương thanh niên phát triển kinh tế trên trang Facebook của Huyện đoàn. Hàng quý, tổ chức giao ban định kỳ các cơ sở Đoàn, qua đó nắm bắt tình hình tại cơ sở và tăng cường chỉ đạo các cơ sở Đoàn quan tâm đến thanh niên, hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế.
Từ những cố gắng đó, hiện nay trên địa bàn huyện Ba Vì có 156 mô hình thanh niên đầu tư phát triển kinh tế với nhiều hình thức đa dạng như trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi gà thả vườn, trồng cây ăn quả, VAC, trồng rau sạch, chế biến lâm sản, trồng chè, làm miến dong, các loại hình kinh doanh dịch vụ, bán hàng tạp hóa...
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào thanh niên khởi nghiệp, trong thời gian tới, Huyện đoàn Ba Vì chỉ đạo các chi đoàn tích cực nắm tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên trong phát triển kinh tế để có những định hướng, tư vấn cũng như phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, kinh nghiệm...
Duy trì hoạt động của 24 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, tổ chức các chương trình tham quan, học tập mô hình kinh tế trong và ngoài huyện. Tiếp tục định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên phát triển các mô hình kinh tế, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ thanh niên hoạt động hiệu quả, góp phần cùng thanh niên miền núi thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.