Qua đó, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Tiết kiệm hàng chục tỷ đồngCách đây nhiều năm, đám tang ở thị trấn Kim Bài thường là dịp tụ tập ăn uống linh đình, gây phiền hà và tạo áp lực kinh tế cho gia chủ. Để thay đổi điều này, Ban công tác mặt trận các thôn, tổ dân phố đã vận động người dân đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang vào hương ước. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền đẩy lùi hủ tục và khuyến khích hỏa táng. Nhờ đó, tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày giảm rõ rệt. Thị trấn Kim Bài cũng là đơn vị đầu tiên của huyện Thanh Oai thực hiện chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng/ca hỏa táng (từ tháng 8/2013). Nếu như năm 2016, tỷ lệ hỏa táng của thị trấn chỉ đạt 43% thì đến năm 2018 đã tăng lên 65%.
|
Lễ hội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014. Ảnh: Ánh Ngọc |
Cao Dương là xã tiêu biểu trong việc quy hoạch nghĩa trang gọn gàng, quy củ. Phó Chủ tịch UBND xã Cao Dương Trần Thế Anh cho hay, trước đây tại một số diện tích canh tác tồn nhiều ngôi mộ gây khó khăn cho sản xuất. Để tạo thuận lợi phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường, xã đã tổ chức vận động và hỗ trợ 1 triệu đồng cho các hộ có phần mộ cần di chuyển. Đến nay, xã đã di chuyển thành công 88 ngôi mộ không tập trung vào nghĩa trang Nhân dân.
"Huyện sẽ tiếp tục lấy tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội để bình xét danh hiệu văn hóa. Đồng thời, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung quy ước làng văn hóa cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay." - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Oai Nguyễn Văn Bổng |
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều đổi mới được áp dụng ở Thanh Oai trong thực hiện tang văn minh. Thông tin từ UBND huyện Thanh Oai, đến nay, toàn huyện đã có 274/647 ca hỏa táng, đạt 42,3%; di chuyển được 868 ngôi mộ riêng lẻ nằm trên đất canh tác vào nghĩa trang Nhân dân. Nhờ đó, Thanh Oai đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí từ các đám tang, giảm 6.000m2 đất quay vòng mỗi năm.
Đảng viên đi trướcSau 3 năm triển khai, thực hiện Đề án 193/ĐA-UBND ngày 18/6/2015 của UBND huyện về thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ giai đoạn 2015 - 2020, điểm đáng ghi nhận là nếp sống văn minh đã đi vào cuộc sống của người dân. Việc tổ chức mời cỗ trong đám tang giảm hẳn, thực hành tiết kiệm trong phúng viếng, không để quan tài quá 48 giờ. Bên cạnh đó, hàng loạt các hủ tục cũng được đẩy lùi như không rải vàng mã trên đường đưa tang, khóc mướn… Các thôn, tổ dân phố đều thành lập ban tang lễ hỗ trợ những gia đình có người quá cố tổ chức lễ tang chu đáo, trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với phong tục tập quán và hoàn cảnh gia đình.
Thực hiện chính sách hỗ trợ, đến nay, 100% các gia đình có người thân qua đời thực hiện hỏa táng đều nhận được số tiền hồ trợ 5 triệu đồng (TP hỗ trợ 4 triệu đồng, huyện hỗ trợ 1 triệu đồng). Việc chi trả tiền hỗ trợ được các cơ quan giải quyết nhanh chóng, đúng quy định. Ngoài ra, một số xã bằng nguồn vốn xã hội hóa còn có chính sách hỗ trợ thêm cho các trường hợp hỏa táng từ 1 - 2 triệu đồng. Đáng chú ý, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều quy hoạch nghĩa trang Nhân dân và thành lập Ban quản lý nghĩa trang, xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nghĩa trang theo đúng hướng dẫn của TP.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Huy Diệp cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa gắn với vận động thực hiện tang văn minh. Trong đó, chú trọng biểu dương, nhân rộng những gương điển hình, đấu tranh phê phán hủ tục lạc hậu. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.