Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thanh Oai giải “cơn khát” nước sạch

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Tính đến tháng 10/2016, toàn huyện Thanh Oai chỉ có 4/21 xã, thị trấn được cấp nước sạch. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hiện mới đạt khoảng 32%.

 Nhiều nơi “khát” nước sạch

Nằm ven sông Thạch Nham, gia đình chị Nguyễn Thị Bình cùng nhiều hộ dân thuộc xã Mỹ Hưng những năm qua vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan. Chị Bình cho hay: Nước bơm lên để hồi lâu có màu ngả vàng. Lần gần nhất xét nghiệm cho kết quả nồng độ một số kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Lo cho sức khỏe nên dù gia đình không lấy gì làm khá giả, chị Bình vẫn đành ngậm ngùi bỏ hơn 3 triệu đồng mua bình lọc nước để sử dụng.

 Trạm cấp nước sạch liên xã Thanh Thùy - Tam Hưng dự kiến được đưa vào sử dụng phục vụ cấp nước cho người dân trước Tết Nguyên đán năm 2017.

Không chỉ ở xã Mỹ Hưng nơi chị Bình sinh sống mà 17/21 xã khác trên địa bàn huyện Thanh Oai, hàng trăm ngàn người dân hiện vẫn phải sử dụng nước giếng khoan. Điều đáng nói là không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để “mạnh dạn” đầu tư mua máy lọc nước về dùng. Nỗi lo càng lớn hơn khi nguồn nước tại các khu vực ven sông hồ, kênh mương đang có dấu hiệu ngày một ô nhiễm từ quá trình phát triển, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.

Theo bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, đến nay, toàn huyện mới chỉ có khoảng 32% người dân tại thị trấn Kim Bài và 3 xã: Bích Hòa, Cự Khê, Xuân Dương được sử dụng nước sạch theo Chương trình cấp nước sạch sông Đà và từ 3 trạm cấp nước sạch tập trung. Dù đã có gần 100% người dân trên địa bàn huyện được dùng nước hợp vệ sinh, tuy nhiên tỷ lệ cư dân chưa được tiếp cận nguồn nước sạch hiện vẫn còn tới 68%.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước

Những năm qua, được sự quan tâm của TP, thông qua Sở NN&PTNT Hà Nội, huyện Thanh Oai được hỗ trợ 2.500 bể lọc quy mô hộ gia đình. Trên địa bàn huyện hiện có 3 trạm cấp nước sạch tại các xã Cự Khê, Xuân Dương và thị trấn Kim Bài cũng được tạo điều kiện vận hành tốt phục vụ nhu cầu cấp nước cho người dân. Bên cạnh đó, Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về nước sạch để bà con có biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nước sử dụng. Đặc biệt, Dự án Trạm cấp nước sạch liên xã Thanh Thùy - Tam Hưng thuộc Chương trình Nước sạch và VSMT nông thôn dựa trên kết quả 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng vay vốn Ngân hàng Thế giới (PforR) đã và đang dần hoàn thành, được người dân nơi đây hết sức kỳ vọng trong việc giải "cơn khát” nước sạch.

Liên quan tới dự án trên, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Lý Thanh Sơn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Chương trình PforR (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, Trạm cấp nước liên xã Thanh Thùy - Tam Hưng hiện đã hoàn thành khoảng 90% các hạng mục. Đơn vị đang phấn đấu để đưa công trình vào vận hành, phục vụ cấp nước cho người dân trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017. Trước nhu cầu lớn về nước sạch, ông Bùi Văn Sáng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai kiến nghị TP xem xét, cho phép mở rộng Trạm cấp nước sạch xã Cự Khê. Bên cạnh đó, sớm triển khai dự án xây dựng Trạm cấp nước sạch liên xã Đỗ Động - Kim An - Phương Trung - Kim Thư với tổng mức đầu tư gần 281 tỷ đồng đã được UBND TP phê duyệt từ năm 2012. Đồng thời, tiếp tục bố trí kinh phí để triển khai Chương trình cấp nước sạch sông Đà cho các xã nằm dọc QL21B.