Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai cho hiệu quả kinh tế cao. |
Tại xã Kim An, cùng với phát triển cây ăn quả đặc sản như cam Canh, ổi Đài Loan, xã còn xây dựng vùng sản xuất rau an toàn với diện tích gần 70ha. Hiện, Kim An đã hình thành hơn 210ha nhóm cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong đó, vùng trồng cam Canh, bưởi Diễn, ổi Đài Loan cho hiệu quả kinh tế từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm; vùng rau an toàn 300 - 350 triệu đồng/ha/năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 1.500ha, trong đó, nhóm cây rau màu đã chuyển đổi hơn 141,99ha; cây ăn quả gần 430ha. Ngoài diện tích chuyển đổi, tại những ruộng trồng lúa, Thanh Oai đã chuyển từ giống lúa truyền thống sang các giống lúa chất lượng cao với diện tích trên 10.000ha/năm. “Mặc dù diện tích chuyển đổi sang các nhóm cây trồng giá trị không lớn, song các mô hình này cho giá trị kinh tế khá bởi được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như: Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tam Hưng; trồng hoa lan nhân cấy mô tại xã Thanh Cao; trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại các xã Dân Hòa, Hồng Dương. Các mô hình đều đạt giá trị từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm” – ông Khiển nhấn mạnh.
Để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, trong năm 2020, Thanh Oai sẽ mở rộng thêm khoảng 40ha rau an toàn tại các xã Thanh Cao, Xuân Dương, Bình Minh và thị trấn Kim Bài; tiếp tục mở rộng 50ha trồng cây ăn quả tập trung tại các xã: Thanh Cao, Cao Viên, Thanh Mai. Theo đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn căn cứ quy hoạch sản xuất và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất nông nghiệp với các mô hình phù hợp thực tế địa phương. Bên cạnh đó, Thanh Oai tiếp tục thực hiện đề án cơ giới hóa hỗ trợ các hợp tác xã mua máy móc phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản cho các xã thuộc vùng chuyên canh.