Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận về vấn đề đào tạo nghề cho ngành công nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ - yếu tố quan trọng cho sự đổi mới và phát triển và phát triển công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm ở Việt Nam.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong số các nước EU thì Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, năm 2011 kim ngạch thương giữa Việt Nam và Đức đạt gần 5,7 tỉ USD chiếm hơn 20% tổng kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và EU. Trong đó, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Đức 3,3 tỉ USD, tăng 41,9% so với năm 2010.
Hiện nay có 240 doanh nghiệp Đức đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam trong đó có 184 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) với tổng vốn đầu tư 904 triệu USD.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức, ông Philipp Rosler cho biết các doanh nghiệp Đức đến Việt Nam lần này để tìm hiểu về các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm, y tế, giáo dục.
Khẳng định việc ủng hộ Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam, ông Philipp Rosler cho rằng điều này có lợi cho cả hai bên trong hợp tác về kinh tế và là cơ sở để hai bên hiểu nhau, củng cố sự tin cậy lẫn nhau trong lĩnh vực kinh tế cũng như trong các lĩnh vực khác.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, có nhiều lĩnh vực mà mà hai nước có thể hợp tác, trong đó có những lĩnh vực Việt Nam cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đức như nâng cao năng lực xây dựng thể chế, cải cách hành chính, phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, lĩnh vực năng lượng, công nghiệp chế biến…