Kinhtedothi - Ngày 21/4, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến của đại diện văn nghệ sỹ, các nhà khoa học (KH), trí thức Thủ đô, bí thư Đảng ủy, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội (ĐH) XVI Đảng bộ TP.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy - Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi.
Tại Hội nghị, đã có 17 ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ TP. Trong đó, đa số cho rằng dự thảo Báo cáo Chính trị đã được xây dựng có tính KH, công phu, có tính kế thừa và phát triển được các nội dung đã tổng kết, đánh giá trong nhiệm kỳ XV tiếp cận được thực tiễn và những yêu cầu mới của đất nước. Bố cục của văn kiện chính trị hợp lý và có tính logic cao.
Về chủ đề của ĐH, nhiều ý kiến cho rằng sau 30 năm đổi mới tiến tới ĐH XII của Đảng, khâu yếu của cả nước và Hà Nội là tiến trình CNH-HĐH và đô thị hóa gắn với phát triển bền vững. Do đó, Hà Nội cần đi nhanh để sớm CNH-HĐH và hình thành kinh tế tri thức. Đặc biệt, đặc thù của Thủ đô là đang có một bộ phận lớn nông nghiệp, nông thôn, nông dân nên CNH-HĐH và đô thị hóa nông thôn là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài. Do đó ĐH XVI của Đảng bộ TP lấy chủ đề “Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sự nghiệp CNH-HĐH” là hợp lý. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Đình Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp KHKT Hà Nội cho rằng, vấn đề CNH-HĐH và đô thị hóa gắn với phát triển bền vững ở Hà Nội đề cập chưa sâu trong các phần của dự thảo; vấn đề liên kết vùng và tổ chức kinh tế vùng nhất là vùng Thủ đô với các tỉnh đồng bằng sông Hồng cũng chưa được đề cập rõ.
Cùng về chủ đề của ĐH, nhiều ý kiến cho rằng được xây dựng với những thành tố như vậy đã đủ bao quát, song nội dung “xây dựng Thủ đô xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại” thì chữ “xanh” ở đây cần được xem xét có nên để hay không. “Chữ “xanh” nhấn mạnh thêm về phương hướng phát triển Hà Nội trong thời gian tới là Thủ đô xanh, sạch, đẹp... Tuy nhiên về ý nghĩa thì một thủ đô văn minh, hiện đại có là thủ đô có nhiều cây xanh không?”, ông Trần Đắc Sử - Bí thư Đảng ủy Trường Đại học GTVT đặt câu hỏi. Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành cũng thẳng thắn bày tỏ: “Chủ đề “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại” chưa sát thực. Chủ đề của ĐH cần cụ thể, nhấn mạnh vào đời sống người dân”.
Xung quanh kết quả đạt được 5 năm qua của Thủ đô, đa số ý kiến thống nhất với dự thảo, tuy nhiên, để đạt được những kết quả này, ngoài nguyên nhân đã được đề cập là sự quan tâm của Nhà nước, các bộ, ngành, sự ủng hộ của các tỉnh, thành và bạn bè quốc tế, đề nghị cần khẳng định còn có sự tham gia với tinh thần trách nhiệm của nhân dân Thủ đô và cả nước, của các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đồng quan điểm này, đại diện Trường Đại học Sư phạm bày tỏ: Hà Nội là địa phương có nhiều trường đại học, trường nghiên cứu vào loại nhất cả nước nên đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao cao rất đông đảo, song trong dự thảo về nguyên nhân thành tựu đạt được lại chưa thấy nhấn mạnh việc huy động nguồn lực này vào công cuộc xây dựng Thủ đô.
Thống nhất với phương hướng, mục tiêu, 5 nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu đột phá nêu trong dự thảo, một số đại biểu đề nghị nhấn mạnh hơn vai trò động lực của Hà Nội không chỉ với vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh là cửa ngõ phía Biển Đông với thế giới, là cầu nối giữa hai khu vực phát triển năng động (Đông Nam Á và Đông Bắc Á), mà còn cần nhấn mạnh đến vai trò cả Hà Nội với vùng Thủ đô mới bao gồm Hà Nội và 9 tỉnh. Đại diện cho giới văn nghệ sỹ, nhà thơ Vũ Quần Phương thẳng thắn: Bản dự thảo chưa thật sự có tác động kêu gọi mọi người dấn thân vào xây dựng Thủ đô vì cách báo cáo nhiều chỗ chung chung, chưa cụ thể, chưa gợi được nhiều việc cần làm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đánh giá chất lượng hội nghị rất tốt, bầu không khí cởi mở trên tinh thần cầu thị. Nhiều bác đã tuổi cao, có người đã nghỉ hưu lâu nhưng vẫn tham gia góp ý đầy đủ không chỉ về số lượng mà rất thẳng thắn, có tính xây dựng cao. Các ý kiến không chỉ mang tính cá nhân mà đại diện cho cả tập thể, cơ quan của đội ngũ văn nghệ sỹ tâm huyết, rất có chiều sâu, trách nhiệm.
“Ý kiến của các đại biểu có nhiều đóng góp quý báu. Tôi luôn mong bất kể ai quan tâm văn kiện này, quan tâm sự phát triển của Thủ đô đều có góp ý, chúng tôi rất trân trọng. Đáng chú ý, các ý kiến đều nhấn mạnh nhiều đến những hạn chế yếu kém của cán bộ, Thủ đô nói chung. Lãnh đạo TP luôn biết rằng dù đạt nhiều kết quả khả quan, Hà Nội vẫn thua kém nhiều Thủ đô trên thế giới, nhất là về ý thức ứng xử, văn hóa giao thông, đơn cử việc trèo rào vào công viên nước vừa rồi... Các ý kiến đóng góp rất xác đáng về những tồn tại yếu kém của TP, đề cập toàn diện từ xây dựng đảng, chính quyền đến nâng cao năng lực người đứng đầu... Tất cả đều mong muốn Thủ đô phải triển xứng đáng hơn về mọi mặt, từ quyết tâm, từ ý chí đến tinh thần năng động sáng tạo”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, đồng chí Phạm Quang Nghị khẳng định xin tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp cán bộ nhân dân, kể cả trực tiếp hay bằng văn bản. Trong đó, đối với việc nên hay không nên dùng khái niệm “văn hiến” và “xanh” trong chủ đề ĐH, TP đang cân nhắc, có thể sửa đổi. Bên cạnh đó, “xung quanh vấn đề cây xanh vừa qua, lãnh đạo TP đã coi là bài học lớn, sâu sắc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, mỗi người trong lĩnh vực của mình đều có trách nhiệm liên quan. Chúng tôi xác định luôn phải lắng nghe ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong đó đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ và các nhà KH có vai trò rất quan trọng”, Bí thư Thành ủy khẳng định.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: ST
|