Vậy muốn giải quyết những vấn đề về quản lý đô thị của Hà Nội, phải tìm cho ra các khoảng đất trống, quan trọng nhất là đất trống ở khu trung tâm. Nhưng tìm đâu ra đất trống ở khu trung tâm? Sau nhiều năm chen chúc, Hà Nội không còn mảnh đất nào trống, tất cả đất đai, dù một thẻo nhỏ đã thành vàng, thành kim cương cả rồi. Vậy phải tìm những diện tích bấy nay chưa của ai, những diện tích đó là đất ngầm và khoảng không, lâu nay vẫn mặc định là của Nhà nước, nhưng Nhà nước bỏ bẵng, kể cả bằng văn bản luật lẫn quyền quản lý trên thực tế. Còn “toàn dân”, toàn dân ai cũng biết là của mình nhưng chẳng người nào được lợi ích, do vậy cũng chẳng quan tâm mà quan tâm cũng chẳng được. Cuối cùng, chỉ những người đầu tư xây dựng công trình là chú ý, nhưng chú ý là để lợi dụng như đặt cáp, xây móng, đường dẫn và thoát nước, nhà để xe…, như với một của cải vô thừa nhận và rẻ mạt.
Thật ra những diện tích ấy không vô thừa nhận và rẻ mạt một chút nào nếu biết sử dụng và quản lý nó. Diện tích ngầm ở Hà Nội, như mọi nơi trên thế giới, đúng bằng diện tích Hà Nội trên mặt đất, nghĩa là nếu được đưa vào quy hoạch và quản lý, hiệu quả thì đây sẽ là nguồn lực lớn đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô.
Một TP ngầm, với xe điện ngầm, khách sạn, nhà để xe, đường sá, khu phố, nhà ở chan hòa ánh sáng là ước mơ đầy lãng mạn nhưng cũng không xa với hiện thực, nhất là với khoa học và công nghệ hiện nay. Bằng chứng là trước nhu cầu của cuộc sống, ngay ở Việt Nam, nhiều nhà ở cao tầng, nhiều khách sạn đã thêm các tầng ngầm cho xe cộ, cửa hàng, nhiều công trình vượt sông đã tranh thủ đất ngầm, nhiều đường tránh, đường trên cao, nhà cao tầng đã tranh thủ khoảng không để vươn lên. Còn ở nước ngoài, người ta đã tranh thủ trồng cây xanh trên nóc nhà, làm nhà ở dưới đất sâu từ lâu. Trong khi đó, chỉ nhà quản lý là không biết gì, các nhà khoa học kiến trúc và xây dựng là không biết gì, thậm chí trong óc họ cũng chưa từng hình dung được. Với họ, phía dưới TP là một vùng đất tối om, bí ẩn, đầy cống thoát nước, ống cấp nước và các đường dây cáp điện, cáp thông tin, còn trên trời là một khoảng hư vô không có giới hạn, không có khả năng chen lấn. Có cảm giác nếu một người nào đó có một diện tích trên mặt đất, họ có quyền sử dụng thoải mái, không có giới hạn, cả phần đất ngầm lẫn khoảng không trên đầu. Chính vì vậy, không riêng gì Hà Nội mà ở khắp nước Việt Nam chưa từng có quy định cụ thể đất dưới mặt đất và bầu trời là thuộc quyền quản lý của ai, những ai được quyền sử dụng, sử dụng như thế nào và vào việc gì.
Nói như vậy có sớm quá chăng? Nhưng đành nói để tránh tình trạng đến một lúc nào đó, một công trình dưới lòng đất hay trên không vướng vào nhà ở, công trình của ai đó đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ lâu, trước khi có luật. Và đến lúc đó, có những công trình phải đền bù, phải chuyển hướng khác thậm chí phải dừng lại… tốn kém tiền dân một cách vô lý thì ai chịu.