Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành quả lớn nhất Chính phủ đã đạt được là niềm tin của người dân

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/11, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội bước vào ngày thứ 2 với nội dung thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021…

Trong ngày hôm nay (4/11), đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; các chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020, dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025…
 Các đại biểu tham gia buổi thảo luận.

Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, được kỳ vọng tiếp nối đà tăng trưởng và thành tựu của những năm trước, đồng thời cũng là năm chuẩn bị và xây dựng kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, bão lũ, nhất là tại các tỉnh miền Trung trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2016-2020.
Do đó, ngoài việc thảo luận các vấn đề đã được nêu trong các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, Quốc hội sẽ tập trung phân tích, đánh giá, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch và thiệt hại do bão lũ gây ra.
Đề nghị Chính phủ cân nhắc, nâng các chỉ tiêu về năng suất lao động, tỷ lệ che phủ rừng
Thảo luận về các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, đại biểu Trần Văn Tiến (tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị Chính phủ cân nhắc, nâng các chỉ tiêu về năng suất lao động, tỷ lệ che phủ rừng… và bổ sung chỉ tiêu mức tiêu hao năng lượng/GDP do chỉ tiêu này phản ánh kết quả đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển những ngành tiêu hao ít năng lượng.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, với địa hình các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, thời gian qua, bão lũ đã gây thiệt hại nặng nề, trong đó tỉnh Quảng Ngãi chịu tổn thất nặng nề về người và tài sản tới hơn 4,4 nghìn tỷ đồng. Tỉnh rất cảm ơn Trung ương và các địa phương, đồng bào cả nước đã quan tâm, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.
 Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) phát biểu tại hội trường
Đại biểu cho rằng trong quá trình phát triển, các giải pháp giảm thiểu thiệt hại của thiên tai là hết sức quan trọng. Đại biểu kiến nghị tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân mất tích, khắc phục hậu quả thiên tai; điều tra, đánh giá và công bố các nguyên nhân gây ra thiên tai như vừa qua, đồng thời sử dụng các phân tích này trong quá trình hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai trong các kế hoạch phát triển; lập bản đồ cảnh báo thiên tai, bố trí lại dân cư… để bảo đảm an toàn tính mạng và sản xuất cho người dân.
Đại biểu cũng đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm, hỗ trợ đầu tư phát triển hơn nữa cho huyện đảo Lý Sơn hiện còn rất nhiều khó khăn trong phát triển, để tỉnh này giữ vững vai trò đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (tỉnh Long An) cho rằng hiện còn nhiều kiến nghị của cử tri liên quan tới các vấn đề môi trường, kiến nghị rà soát từng khu công nghiệp, khu chế xuất, nêu rõ các nơi chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, yêu cầu tất cả các khu này phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung trước năm 2025; đề nghị Quốc hội bổ sung một số chỉ tiêu về môi trường trong kế hoạch phát triển sắp tới như về xử lý nước thải, chất thải rắn được thu gom xử lý đạt tiêu chuẩn, từ đó giải quyết một cách tổng thể các vấn đề về môi trường.
Nhiều địa phương vẫn thừa, thiếu giáo viên
Đại biểu Quách Thế Tản (tỉnh Hòa Bình) cho rằng từ khi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả. Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên. Lộ trình đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được hoàn thành. Tự chủ đại học đã được thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam, đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 song ngành giáo dục đã thực hiện tốt việc dạy và học, trong đó đẩy mạnh học trực tuyến, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Các địa phương tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT thay vì Bộ GD&ĐT phải tổ chức toàn bộ như những năm trước.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc phát triển đội ngũ nhà giáo đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục còn khó khăn. Nhiều địa phương vẫn thừa, thiếu giáo viên. Cơ sở vật chất, trường lớp còn thiếu, xuống cấp, đặc biệt tại miền núi. Công tác quản lý sách giáo khoa, sách tham khảo còn bất cập, một số nội dung chưa phù hợp, việc dạy đạo đức, lối sống cho học sinh chưa có chuyển biến căn bản.
Đại biểu Quách Thế Tản đề nghị thời gian tới ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa để đến chất lượng thẩm định, phê duyệt các bộ SGK, có giải pháp khắc phục những nội dung chưa phù hợp trong các cuốn SGK đã được phát hành, sửa đổi, bổ sung các khâu giám sát, thẩm định, phê duyệt đối với các cuốn SGK tiếp theo.
Việc quy hoạch, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, tinh giản 10% biên chế giáo viên cần xem xét, tính đến đặc thù của ngành giáo dục, điều kiện thực tế của địa phương.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) bày tỏ tán thành các giải pháp của Chính phủ phục hồi nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của gói hỗ trợ 62.000 tỷ, tiếp tục có những gói hỗ trợ để khắc phục hậu quả của đợt bão lũ tại miền Trung vừa qua.
Về giáo dục phổ thông, đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho rằng năm học 2019-2020 gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng ngành giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng, hoàn thành năm học, tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông được đẩy mạnh. Tuy nhiên, do thời lượng số tiết học giáo dục hướng nghiệp còn ít, thiếu giáo viên nê đại biểu đề nghị ngành giáo dục cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tư vấn hướng nghiệp, cần có sự tham gia của DN.
Trong lĩnh vực giáo dục đại học, đại biểu cho rằng cần ban hành đầy đủ các văn bản liên quan đến quản lý hoạt động tự chủ đại học, chấn chỉnh những trường đại học chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật. Nhiều trường đại học còn thiếu giảng viên cơ hữu nên chất lượng đào tạo còn yếu. Có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, liêm chính trong nghiên cứu khoa học, cần có hệ thống đo lường chất lượng giáo dục đại học khách quan, trung thực, hiệu quả.
Trước những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Bá Sơn đề nghị phân tích kỹ hơn những khó khăn của thị trường lao động, người lao động, có chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt là chuyển đổi ngành nghề theo diễn biến dịch bệnh, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.
Chính phủ đã ghi được rất nhiều điểm tốt trong lòng người dân cả nước
Năm 2020, Chính phủ đã ghi được rất nhiều điểm tốt trong lòng người dân cả nước. Khẳng định điều này, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (tỉnh Phú Yên) nêu rõ, đó là điểm tốt của sự nỗ lực, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành hoạt động; điểm tốt trong sự đồng hành, chia sẻ cứu trợ người dân trong hoạt động thiên tai. Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã lan tỏa tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy sức dân, sức mạnh nội tại, khả năng chống chịu, đồng sức đồng lòng trước những tác động tiêu cực. “Thành quả lớn nhất mà Chính phủ đã đạt được là niềm tin của người dân”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nhận định.
Bên cạnh điểm sáng ấy, đại biểu  Phạm Thị Minh Hiền “rất mong Chính phủ cần thay đổi thói quen trong các báo cáo hàng năm mà nếu không nhận ra thì rất có thể sẽ tạo thành căn bệnh đùn đẩy, né tránh trong việc làm rõ, xử lý trách nhiệm”. Đó là việc đánh giá chung chung những tồn tại, hạn chế mà không đặt tên, gắn địa chỉ cụ thể vào từng nội dung còn yếu kém. Chính phủ nói “một số địa phương, cơ quan, đơn vị”. Chính phủ nêu “có lúc, có nơi”. Chính phủ nhìn nhận “vẫn còn tình trạng thiếu tinh thần trách nhiệm”… “Chắc chắn không phải một số mà phần lớn các bộ ngành, địa phương sẽ nhẹ nhàng nghĩ, Chính phủ nói ai thôi, không phải nói mình đâu”, bà Phạm Thị Minh Hiền nói.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằng: “Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc làm rõ chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong từng nội dung lĩnh vực, việc thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót gây tốn kém nguồn lực thì càng cần phải được quan tâm và xử lý với tinh thần thẳng thắn và quyết liệt gấp đôi, gấp ba”.

Quy trình thẩm định phát hành sách đùn đẩy trách nhiệm như một trận đá bóng

Đề cập đến vấn đề dư luận đang bức xúc về bộ sách giáo khoa lớp 1, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nêu vấn đề: Là năm đầu tiên áp dụng một chương trình làm bộ sách theo hình thức xã hội hóa trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ giáo viên cấp tiểu học chưa thể đạt yêu cầu cao hơn chắc chắn sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã nhận định, chúng ta đã học tập, tham khảo rất nhiều nước và cắt mỗi bên một ít để cho vào chương trình giáo dục đổi mới. Vì vậy, sách giáo khoa khi biên soạn cũng bị gọt đẽo theo một hệ thống chưa hoàn thiện.

“Muốn biên soạn bộ sách hoàn chỉnh thì trước hết phải có sẵn hoặc xây dựng hệ thống khoa học chuẩn chỉnh nhưng chúng ta lại cuốn chiếu từng giai đoạn, chỗ nọ có thể phá vỡ chỗ kia. Không riêng gì một bộ sách mà cả 5 bộ sách đều dính vào các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về bản quyền, về ngữ điệu. Mà lỗi trong sách giáo khoa chỉ có sai hoặc đúng chứ không có lỗi nội dung chưa phù hợp”. Với quan điểm như vậy, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền chỉ rõ, đây là “lỗi quy trình thẩm định phát hành sách còn lỏng lẻo, dễ dãi đến khó tin và đùn đẩy trách nhiệm như một trận đá bóng không có trọng tài khi xảy ra sự cố thật đáng khó hiểu và không thể hài lòng cư xử”.

Giá trị sách giáo khoa khác hoàn toàn sản phẩm hàng hóa thông thường. Nếu tiếp nhận một bộ sách như một lớp chắp vá để tiếp tục vận hành, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, “đó là thỏa hiệp nguy hại, xem nhẹ giá trị nhân văn trong sáng của tiếng Việt mà rất cần truyền dạy một cách thấu hiểu tận tâm với đứa trẻ vừa bước qua mầm non”.

Vì vậy, bà Phạm Thị Minh Hiền mong các cơ quan, bộ phận có trách nhiệm cần nhìn thẳng sự thật, có thể cân nhắc cho việc sử dụng những bộ sách giáo khoa có chất lượng thấp, còn thiếu thì nên lùi thời gian lại để hoàn thiện chặt chẽ hơn về mọi mặt. Như Bác Hồ đã dạy: “Giáo dục trẻ em như một cây non và đối với việc trồng người thì dục tốt sẽ bất đạt”.

Các “điểm nghẽn” với phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã mang đến nhiều thành tựu cho kinh tế nước ta, song trong thực tế cho thấy, nông nghiệp công nghệ cao của nước ta còn gặp nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Chỉ ra thực tế này, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) nêu vấn đề: Việc thu hút vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; đào tạo công nhân; tiêu thụ sản phẩm chính là khó khăn đầu tiên. Ước tính ngoài chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo người lao động, nếu muốn thành lập trang trại chăn nuôi ở quy mô vừa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao thì chi phí gấp 4 đến 5 lần chi phí so với mô hình trang trại truyền thống. Cụ thể, 1 ha nhà kính có đầy đủ hệ thống tưới nước phun sương, bón phân được tự động hóa theo công của Israel thì cần ít nhất khoảng từ 5 đến 10 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số doanh nghiệp cả nước, chiếm khoảng 0,01%. Tỷ trọng vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam luôn thấp.

 Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh) phát biểu tại hội trường

Đại biểu Thạch Phước Bình cho biết, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao. Đây là khó khăn thứ hai, đòi hỏi đội ngũ này phải có hiểu biết về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Nhưng trên thực tế, nguồn nhân lực có chuyên môn ở nước ta còn hạn chế so với yêu cầu hội nhập và phát triển. Trình độ thấp của người lao động đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận khoa học, công nghệ, đặc biệt là ở vùng có kinh tế kém kém phát triển, nhất là việc xây dựng quy mô của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình, khó khăn thứ ba với phát triển nông nghiệp công nghệ cao đó là thị trường tiêu thụ. Sản phẩm nông nghiệp theo mô hình ứng dụng công nghệ cao tiêu thụ trên thị trường còn hạn hẹp, khả năng cạnh tranh kém trong và ngoài nước chưa tương xứng với chi phí đầu tư. Trên thị trường quốc tế, phần lớn nông sản Việt Nam chưa tạo dựng được thương hiệu, giá trị gia tăng thấp. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ ở các tỉnh, thành chưa liên kết chặt chẽ, tại nhiều địa phương việc xây dựng kế hoạch hợp tác giữa cá nhân nghiên cứu khoa học và tổ chức thực hiện dự án còn rời rạc, còn nhiều bất cập.

Khó khăn thứ tư là về quy tụ đất đai. Việc quy tụ đất đai, tập trung ruộng đất còn chậm. Ở nhiều địa phương, các vị trí thuận lợi thường xây dựng các hệ thống dịch vụ, đặc biệt là các khu công nghiệp. Hơn nữa đất đai cho sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa có chính sách quy tụ để mở rộng sản xuất, xây dựng nông trang cho nông nghiệp công nghệ cao.

Từ 4 “điểm nghẽn” với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo tháo gỡ trong thời gian tới.

Tất cả các ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm

Phát biểu về vấn đề SGK tại phiên thảo luận kinh tế-xã hội của Quốc hội, sáng 4/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cám ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, và các nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, giáo viên và rất nhiều người dân bình thường với tư cách là ông bà, cha mẹ của các cháu học sinh lớp 1. Tất cả các ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn góp ý cho Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục để có một bộ SGK thật tốt, thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục.

Phó Thủ tướng cho biết trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục, gần như kỳ họp Quốc hội nào cũng có một chủ đề về giáo dục được cử tri và các đại biểu quan tâm.

Việc triển khai chương trình, SGK mới được thực hiện theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, được quy định rất kỹ trong Luật Giáo dục mới sửa đổi. Điều 32, khoản 3 của Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định rất rõ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về SGK từ việc hướng dẫn quy trình biên soạn, thành lập hội đồng và quy trình thẩm định, phê duyệt. Mặc dù không thuộc thẩm quyền trực tiếp, tuy nhiên cũng giống như những vấn đề giáo dục khác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề SGK.

Trong các phiên họp gần đây của Chính phủ đều có thảo luận về vấn đề SGK. Thủ tướng đã nhắc nhiều lần. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp họp 2 lần với Bộ GD&ĐT, Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các chuyên gia, kể cả những người tham gia thẩm định SGK. Cá nhân Phó Thủ tướng đã có nhiều cuộc gặp riêng các chuyên gia và thầy cô giáo.

Và sơ bộ đúng như các đại biểu Quốc hội nói, sai đến đâu, đến mức nào thì phải có cơ quan chuyên môn, vì các đại biểu, kể cả Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng không hề có kiến thức, kinh nghiệm dạy tiếng Việt lớp 1. Nhưng qua những lần làm việc có thể thấy sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, đã được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt, có sai sót. Những sai sót này phải được tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Những việc liên quan đến chuyên môn về dạy ngôn ngữ cho trẻ mới đi học người bình thường không hiểu thì phải trao đi đổi lại một cách cởi mở và cầu thị.

Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD&ĐT theo đúng tinh thần như vậy. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nhìn nhận rõ có sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ, trong đó theo luật là thuộc về Bộ trưởng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo khá cương quyết như đã thay Chủ tịch Hội đồng Thẩm định.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT phải hết sức lưu ý vì những sai sót có thể tránh được thì phải rút kinh nghiệm nghiêm túc và nghiêm khắc, để quy trình biên soạn, thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 năm nay và những năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vậy.

Nói về chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK, Phó Thủ tướng dùng hình ảnh: Trước kia chúng ta dùng 1 chương trình, 1 bộ SGK,  không có sự phân biệt và coi như bắt buộc giống như quy định các cô giáo chỉ dùng một bộ áo dài đồng phục, một màu, một kiểu thì bây giờ một chương trình, nhiều bộ SGK để phát huy sáng tạo, không độc quyền, giống như quy định vẫn là áo dài nhưng màu sắc, chất liệu, kiểu dáng khác nhau. “Nhiều bộ hơn nhưng phải đúng là áo dài. Chất liệu, đường kim mũi chỉ phải đẹp hơn, tốt hơn áo dài đồng phục trước đây”.

Vì vậy, dù có một bộ SGK hay nhiều bộ SGK thì chất lượng ít nhất bằng hoặc tốt hơn ngày xưa. Đây là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và Bộ không thể hoàn thành được nếu không có sự đóng góp ý kiến của đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục và toàn thể nhân dân.

Bộ GD&ĐT cần tận dụng công nghệ  thông tin công khai các bản thảo SGK trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định, để mọi người dân, trong đó có rất nhiều giáo viên, người có kinh nghiệm dạy trẻ, góp ý và qua đó chắt lọc, tiếp thu những ý kiến đúng, giải thích lại những ý kiến chưa đúng để toàn xã hội đồng thuận. Tất cả chúng ta đều vì tương lai của đất nước, đều vì con cháu.

Trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm cho ngành giáo dục, Phó Thủ tướng tin tưởng cùng với việc kế thừa những thành tựu đã đạt được nhất định chúng ta sẽ đổi mới giáo dục thành công.

Kết quả giảm nghèo một số nơi chưa thật bền vững, chưa đồng đều
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn tỉnh Tuyên Quang) cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã góp phần ổn định, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và phát triển bền vững, giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2019.
Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm đều qua các năm từ 9,88% cuối năm 2015 giảm còn 3,75% ở cuối năm 2019, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm. Tại các huyện nghèo cũng giảm đều qua các năm từ 50,43% cuối năm 2015 giảm còn 27,85% cuối năm 2019, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm. Đại biểu ghi nhận, những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chấm dứt mọi hình thức người nghèo ở mọi nơi.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo một số nơi chưa thật bền vững, chưa đồng đều, chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tỷ lệ nghèo tại các huyện nghèo vẫn còn trên 50%. Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế - xã hội của các khu vực miền núi có xuất phát điểm thấp, mặt bằng dân trí nói chung còn hạn chế, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo, chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, các rào cản về ngôn ngữ, trình độ giao tiếp, văn hóa và tâm lý của người bản địa ở từng khu vực.
 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn tỉnh Thái Bình)
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Đinh Công Sỹ (Đoàn tỉnh Sơn La) cũng chỉ ra hạn chế trong công tác giảm nghèo là sự chênh lệch tỷ lệ nghèo giữa các vùng, miền Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên vẫn là vùng không đạt được và còn khá xa so với mục tiêu giảm nghèo đề ra. Trước những tác động cực đoan của khí hậu, tự nhiên và những nguyên nhân từ con người gây ra, trong thời gian dịch bệnh và thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất có thể diễn biến phức tạp hơn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn, những thành quả của công cuộc giảm nghèo vốn chưa được bền vững, cộng với những điều kiện bất lợi đó sẽ là những thách thức vô cùng lớn để có thể đạt được các mục tiêu giảm nghèo đề ra.
Để tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo trong giai đoạn tới, đại biểu Đinh Công Sỹ kiến nghị Chính phủ cần xem xét khả năng, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đặc thù, cũng như xem xét về tính đặc thù của các vùng, miền để có phương pháp tiếp cận cách giải quyết giảm nghèo cho phù hợp. Chính phủ cần nên xem xét việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. Việc lồng ghép sẽ giảm đầu mối quản lý, tăng tối đa chi cho đầu tư phát triển, hướng tới đối tượng thụ hưởng trực tiếp là người dân.
Cho rằng đánh giá nguyên nhân của những hạn chế thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 do điều kiện tự nhiên khó khăn, trình độ sản xuất của đồng bào thấp, rào cản về ngôn ngữ, trình độ giao tiếp, v.v.. là chưa thực sự là thỏa đáng, đại biểu Đinh Công Sỹ cho biết còn những bất cập do tổ chức thực hiện của các cơ quan có trách nhiệm như công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới chính sách giảm nghèo không hoàn thành kế hoạch đề ra theo tiến độ. Theo đại biểu Đinh Công Sỹ, sự chậm trễ trong cụ thể hóa luật do Quốc hội ban hành và cụ thể hóa nghị định của Chính phủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong việc thực hiện các chương trình chính sách, dự án giảm nghèo ở địa phương. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu kịp thời trong thời gian tới.
Quan tâm đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thực hiện giảm nghèo bền vững
Để chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 triển khai thực hiện có hiệu quả, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tích hợp ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hỗ trợ các điều kiện, hỗ trợ trực tiếp đối với các chính sách có ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, như giáo dục, y tế, còn lại các chính sách khác hỗ trợ bằng hình thức cho vay có hoàn trả. Tiếp tục tăng mức cho vay tín dụng ưu đãi và kéo dài thời gian vay vốn với lãi suất ưu đãi cho một số loại hình sản xuất có chu kỳ sản xuất chăn nuôi dài như trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò và các cơ sở hộ sản xuất kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn. Đồng thời, thực hiện phân cấp mạnh việc tổ chức thực hiện cho địa phương, cơ sở theo phương thức hỗ trợ trọn gói, giao quyền cho địa phương, xin ý kiến nhân dân và tình hình thực tế để chủ động bố trí ngân sách giải quyết những nhu cầu bức xúc trên địa bàn theo mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn tỉnh Thái Bình) nhấn mạnh vào cần thiết của việc thiết kế đào tạo nghề trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho biết, ILO từ năm 1999 đã nhấn mạnh vai trò của đào tạo nghề cho người nghèo với tổng kết rằng: “Đặc điểm nổi bật của hầu hết các chương trình, các chiến lược giảm nghèo của các chính phủ và các nhà tài trợ ở các nước đang phát triển là hầu như không có vai trò của giáo dục nghề nghiệp”. Chứng minh từ các nghiên cứu lớn cho thấy, rõ ràng nghèo đói có tương quan trực tiếp với trình độ, năng lực của con người, do đó, kỹ năng và khả năng làm việc là những đóng góp quan trọng vào việc giảm nghèo, gắn kết xã hội tốt hơn và tăng cường ổn định chính trị.
Ở Việt Nam, các chính sách giáo dục nghề nghiệp nhắm vào người nghèo dường như chỉ tập trung vào giáo dục cơ bản hoặc đào tạo ngắn hạn, giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa được công nhận rộng rãi là một công cụ thiết yếu để giảm nghèo. Đại biểu cho rằng, quan điểm này phải được thay đổi. Thông thường các chương trình giải quyết tình trạng nghèo đói bao gồm tập huấn ngắn hạn thay vì các chương trình đào tạo nghề, đây là một cách tiếp cận chưa phù hợp để giảm nghèo bền vững. Đào tạo không chính thức có thể giúp giảm nghèo trong ngắn hạn. Đối với một nền kinh tế đang hướng tới việc giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững và chính thức hóa việc làm phi chính thức thì việc đào tạo ngắn hạn sẽ không đủ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nhấn mạnh, giáo dục nghề nghiệp có thể rất hiệu quả trong việc giúp các cá nhân và hộ gia đình thoát nghèo một cách bền vững, để giảm nghèo bền vững, chống nguy cơ trở thành hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo, cận nghèo thì đào tạo việc làm là giải pháp căn cơ và có hiệu quả nhất. Do đó, việc đề xuất chủ trương đầu tư dự án phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 là hết sức phù hợp và cần thiết. Đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm chỉ đạo để giáo dục nghề nghiệp phát huy tốt nhất vai trò góp phần quan trọng vào thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững trong giai đoạn tới./.