Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành quả từ chuyến thăm Nga của ông Erdogan

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có thêm những bước tiến xích lại gần nhau sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Tayyip Erdogan hôm 9/8, trong bối cảnh cả hai đang có rạn nứt với phương Tây và gặp vấn đề về kinh tế.

Tổng thống Putin đón tiếp người đồng cấp Erdogan tại một dinh thự ở ngoại ô St Petersburg - nơi được cho là để nhà lãnh đạo Nga bàn thảo với lãnh đạo của các nước đối tác chiến lược. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Erdogan kể từ cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7 vừa qua, khiến quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thành quả “hữu hình”

Trong buổi hội kiến, Tổng thống Erdogan chủ động nhắc lại về mục tiêu kim ngạch song phương trị giá 100 tỷ USD, theo ông Erdogan. Đổi lại, ông Putin cũng gợi mở về việc nối lại các tuyến bay trọn gói tớ Thổ Nhĩ Kỳ, vốn bị hạn chế do các lệnh trừng phạt trước đó.
Thành quả từ chuyến thăm Nga của ông Erdogan - Ảnh 1
Hai nguyên thủ cũng đồng ý tái khởi động dự án khí đốt mang tên TurkStream, theo đó sẽ cung cấp thêm khí đốt từ Nga tới Ankara. Trước đó, Nga từng xúc tiến một số dự án cung cấp khí đốt cho châu Âu nhưng EU phản đối nguồn cung  này.

Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết đường ống đầu tiên cung cấp khí đốt cho Ankara sẽ hoàn thành cho tới năm 2019. Quá trình xây dựng nhà máy hạt nhân Akkuyu ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ nối lại. Năm 2013, Tập đoàn Rosatom của Nga giành được hợp đồng trị giá 20 tỷ USD xây 4 lò phản ứng hạt nhân trong khuôn khổ nhà máy hạt nhân lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng việc xây dựng này đã ngưng trệ sau vụ máy bay Moscow bị bắn rơi cuối năm ngoái.

Thành quả “vô hình”

Chuyến thăm diễn ra dưới sự dò xét gắt gao từ phương Tây. Họ lo ngại lãnh đạo Nga - Thổ sẽ tận dụng cơ hội này để tăng cường hợp tác, gây áp lực lên Washington và Liên minh châu Âu (EU), cũng như gây căng thẳng trong nội bộ Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo ông Putin, Moscow sẽ dần giảm các lệnh trừng phạt lên Ankara, áp đặt sau sau vụ chiến cơ Thổ bắn rơi máy bay Nga gần biên giới Syria 9 tháng trước.

“Chúng tôi có muốn bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ này không? Có và chúng tôi sẽ đạt được điều đó… Thế giới này thay đổi rất nhanh”, ông Putin phát biểu trong một cuộc họp báo chung sau những đàm phán bước đầu.

Các lãnh đạo cũng bàn thảo về khủng hoảng Syria, vốn là vấn đề hai bên chia rẽ sâu sắc, tuy nhiên nội dung không được tiết lộ. Quá trình này dự kiến còn khúc mắc, trong khi Moscow ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Ankara luôn mong muốn vị lãnh đạo này “xuống ghế”.

Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi giận trước những chỉ trích của phương Tây về chiến dịch thanh trừng diện rộng và khắc nghiệt của nước này hậu cuộc đảo chính bất thành.

Theo đó, ông Erdogan cũng ngụ ý, những thành phần liên quan giáo sĩ Gulen (Gulenist) đang lưu vong tại Mỹ là chủ mưu vụ bắn rơi máy may Nga. Ông cho rằng “chúng” (ám chỉ các Gulenist) “rõ ràng nhằm vào mối quan hệ Nga - Thổ”, dù rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không nói rõ hẳn.

Làn sóng thanh trừng thành phần Gulenist tại Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra ở mọi lĩnh vực từ các viện, đại học, trường học đến các tổ chức truyền thông.

Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag cho rằng, tinh thần chống đối với Washington đang nổi lên ở Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ có thể lắng xuống sau khi giáo sỹ Gulen được dẫn độ về nước. Dù ông này đã phủ nhận mọi liên quan tới vụ đảo chính.

Dù vậy, phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định, cuộc gặp với chuyến thăm Nga không đánh dấu chuyển biến trong chính sách ngoại giao. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng cho biết, ông không lo lắng về việc mối quan hệ Nga - Thổ ấm dần lên. “Tôi không tin mối quan hệ này sẽ trở nên khăng khít đến mức Nga có thể trở thành đối tác thay thế cho NATO của Thổ Nhĩ Kỳ”, theo ông Steinmeier.

Những nội dung bàn thảo cho thấy cả Moscow và Ankara đang xích lại gần nhau hơn để giải trừ những vấn đề cả hai đều phải đối diện: về kinh tế lẫn đối phó áp lực từ phương Tây, Washington. Rắc rối từ cả thương trường và chính trường đã kéo hai bên lại, trở thành đồng minh bất đắc dĩ vì lợi ích chung.