Thanh toán di động chờ bùng nổ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việt Nam có điều kiện lý tưởng để phát triển thanh toán di động. Loại hình thanh toán này sẽ bùng nổ như internet cách đây 10 năm” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017 (VEPF 2017) diễn ra sáng 6/11.

Áp dụng công nghệ số trong thanh toán
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, từ con số 0 vào 10 năm trước, đến tháng 12/2016, thế giới có 556 triệu người đăng ký dịch vụ thanh toán di động. Ở Việt Nam, hàng loạt DN, ngân hàng cũng cung cấp dịch vụ. Việt Nam đang có 140 triệu thuê bao di động, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G, là điều kiện lý tưởng để phát triển loại hình thanh toán này. “Hãy làm cho thanh toán di động và thanh toán điện tử phổ cập đến người dân sớm nhất có thể. Thanh toán di động sẽ bùng nổ như internet cách đây 10 năm” - Phó Thủ tướng chia sẻ.

Tuy nhiên, việc phát triển sẽ đặt ra những thách thức liên quan đến pháp lý, an toàn pháp lý, tội phạm công nghệ cao, giao dịch xuyên biên giới..., nên cần sự chung tay của cộng đồng DN, người dân, chính quyền. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ cam kết để hệ sinh thái thanh toán di động phát triển ở Việt Nam hoàn thiện khung khổ pháp lý, đẩy mạnh phát triển đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, cũng như đẩy mạnh quảng bá, truyền thông để giúp cho mọi chủ thể, người dân hiểu được tiện ích mang lại cho hệ sinh thái thanh toán di động.

Ông Trương Gia Bình và Jack Ma trao đổi tại Chương trình “Đối thoại cùng Jack Ma” chiều 6/11. Ảnh: Giang Huy

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Anh Kim cho biết, nắm bắt xu thế phát triển công nghệ thanh toán trên thế giới, một số ngân hàng và công ty công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam đã và đang nghiên cứu, hợp tác và đưa vào ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị điện thoại di động, với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... để triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, mang lại tiện lợi cho khách hàng đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn trong hệ thống theo các nguyên tắc giám sát quốc tế.

“Không ai dùng ví, kẻ móc túi thất nghiệp”

Tỷ phú người Trung Quốc Jack Ma - ông chủ Tập đoàn Alibaba chia sẻ như vậy khi nói về lợi ích trong thanh toán điện tử. Theo ông Jack Ma, để tiền mặt trong túi rất dễ gặp lừa đảo, gian lận. Nếu không ai dùng ví thì móc túi thất nghiệp hết. Thay vì dùng tiền mặt, chỉ cần dùng điện thoại di động với công nghệ nhân trắc học sẽ an toàn, dễ dàng lần ra hành vi lừa đảo (nếu có) vì tất cả dữ liệu giao dịch đều được "ghi chép" lại. Bổ sung thêm, tỷ phú Jack Ma nói, tính bảo mật là yếu tố quan trọng nhất trong phát triển hệ thống, dịch vụ. Kể cả khi dịch vụ đã phát triển ở mức cao hơn thì bảo mật, an toàn vẫn là nhân tố hàng đầu hướng tới.

Ông Eric Jing - CEO Công ty Tài chính Ant cho biết, khi phát triển Taobao, AliPay, nhận khá nhiều câu hỏi từ phía khách hàng đặt ra như mức độ an toàn, bảo mật... nhưng vẫn làm và đã vượt qua những rào cản ban đầu. "Dần dần chúng tôi xây dựng được niềm tin từ người tiêu dùng, thay đổi thói quen, hành vi của họ trong thanh toán trực tuyến. Nhưng quan trọng rất cần môi trường chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý” - ông Eric chia sẻ.

Cả ông Eric và tỷ phú Jack Ma đều tin rằng, ở Việt Nam, mọi việc đều đang rất khả quan, hứa hẹn. Với sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho các DN, sự phát triển của công nghệ và internet, thanh toán điện tử sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam.

Trong 9 tháng năm 2017, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đã đạt trên 90 triệu, với giá trị đạt trên 423.000 tỷ đồng (tương ứng đạt 93% và 139% so với năm 2016; đạt 153% và 316% so với năm 2015). Tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán tiếp tục có xu hướng giảm, từ 14,02% năm 2010 xuống còn 11,45% vào tháng 8/2017.


Trước khi tham luận tại VEPF 2017, Chủ tịch Alibaba Jack Ma đã hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng đề nghị mong muốn Tập đoàn Alibaba hỗ trợ xây dựng gian hàng Việt Nam trên ứng dụng thương mại điện tử của Alibaba. Thủ tướng hy vọng ông Jack Ma sẽ truyền cảm hứng cho giới trẻ Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với sinh viên Việt Nam. Chủ tịch Tập đoàn Alibaba bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, phát triển các hình thức thanh toán online. Đồng thời cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, đoàn cán bộ của Tập đoàn sẽ ký thỏa thuận hợp tác về thương mại điện tử và khoa học công nghệ với phía Việt Nam.

Chiều 6/11, học sinh, sinh viên Việt Nam đã có buổi đối thoại về khởi nghiệp với vị tỷ phú này tại Chương trình “Đối thoại cùng Jack Ma”.