"Có thể nói, thanh, kiểm tra là nghệ thuật. Các đơn vị cần phải vận dụng quan hệ kết hợp động viên, liên hệ, tuyên truyền để các đối tượng nhận thức và tuân thủ pháp luật. Với lực lượng còn mỏng, con người có hạn, công việc còn nhiều, với TP cũng như các cấp quận, huyện, Chi cục VSATTP TP cũng phải tăng cường thêm biện pháp để triển khai thanh tra hiệu quả. Đơn cử như gia tăng thời lượng giao ban, giao lưu, tăng lượng đoàn công tác, mở thêm các lớp nâng cao nghiệp vụ cho các lãnh đạo thanh tra trao đổi kinh nghiệm. Những biện pháp xử lý, hình thức thanh tra trong thực tế cần thường xuyên được trao đổi giữa các cấp và lãnh đạo các bên." - Phó Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Hà Nội Nguyễn Ánh Nguyệt "Là đơn vị lần đầu triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP, với hơn 1.600 cơ sở kinh doanh thực phẩm, năm 2019, quận Tây thanh tra 35 cơ sở tuyến quận tại 8 phường, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay, đoàn thanh tra không có thành phần lực lượng công an nên ngoài việc tuyên truyền vận động, việc cưỡng chế xử phạt cũng có phần hạn chế do thiếu trang phục." - Trưởng phòng Y tế quận Tây Hồ Nguyễn Minh Hải "Từ 10/7/2019, quận Nam Từ Liêm đồng loạt triển khai công tác thanh tra chuyên ngành ATTP. Quận đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chuyên đề cụ thể cho từng tháng, mỗi tháng một chuyên đề cho 10 phường. Tiêu biểu như, trong tháng 8, quận ra chuyên đề cho các phường là bếp ăn tập thể, mỗi phường 10 bếp ăn. Như vậy, trong một tháng, quận đã có 100 bếp ăn được thanh tra. Hay tháng 10 chuyên đề đồ nướng, quận đã tổ chức thanh tra 50 cơ sở, lấy mẫu, kiểm nghiệm về chất gây ung thư, tỷ lệ dương tính lên đến 11,8%." - Phó Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Xuân Thu |
Thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm: Nhiều khó khăn, lắm bất cập
Kinhtedothi - Qua 3 năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP), Hà Nội bước đầu đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác ATTP của chính quyền địa phương.
Dù đã có nhiều nỗ lực trong kiểm soát ATTP, song vẫn còn đó những khó khăn, bất cập, còn đó những nỗi lo của người tiêu dùng.
Thành công bước đầu
Từ năm 2016, Hà Nội đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, huyện và 10 phường, xã. Đến tháng 7/2019, Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình này trên toàn TP. Việc thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành ATTP góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực này của chính quyền địa phương, bước đầu tạo niềm tin cho người tiêu dùng trên địa bàn.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến về “Triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại Hà Nội: Thuận lợi và thách thức” do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Chi cục ATVSTP Hà Nội tổ chức cuối tuần qua.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Hà Nội Nguyễn Ánh Nguyệt, sau giai đoạn thí điểm, Hà Nội đã thu được nhiều kết quả nhất định. Trong đó, nhận thức từ các cấp quản lý đến cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng đều được cải thiện.
“Đặc biệt, nhờ sự xuất hiện của những đoàn thanh, kiểm tra thường xuyên, liên tục, theo đúng quy trình, kết quả thanh, kiểm tra tăng lên so với thời điểm trước khi triển khai. Công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng tăng lên rõ rệt. Điều này khẳng định mô hình thanh tra chuyên ngành về ATTP đã giúp tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh” - bà Nguyễn Ánh Nguyệt cho hay.
Là địa bàn triển khai thí điểm từ năm 2016, kinh nghiệm của quận Nam Từ Liêm cho thấy, khi bắt đầu triển khai, quận đã lựa chọn 2 phường làm thí điểm, cả 2 phường đều đa dạng các mặt hàng, cán bộ có trình độ, năng lực và sự nhiệt tình tham gia hoạt động.
Đặc biệt, khi quận tổ chức thanh tra, có sự tham gia của phường và thanh tra tuyến phường, có sự tham gia của quận, với hình thức “cầm tay chỉ việc”. Nhờ đó, trong thời gian thí điểm, quận thanh, kiểm tra 140 cơ sở tại phường Mỹ Đình 1 và Mỹ Đình 2.
Các cơ sở vi phạm được xử lý 100%. Số cơ sở bị phạt tiền tăng gấp 5 - 7 lần so với lực lượng kiểm tra liên ngành trước kia. Nếu như trước đó, trong cả năm, xử phạt 10 phường là 67 triệu đồng thì trong thời gian thanh tra thí điểm, riêng 2 phường đã xử phạt hơn 90 triệu đồng.
Vướng vì “tình làng, nghĩa xóm”
Mặc dù vậy, theo đánh giá của các đơn vị, trong quá trình thanh tra ở tuyến cơ sở, đặc biệt là ở môi trường nông thôn có nhiều khó khăn, hạn chế, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh. “Các cơ sở tại tuyến quận Nam Từ Liêm khi ra quyết định xử phạt đều nộp phạt 100%. Nhưng ở tuyến phường chấp hành chỉ 80%, do vẫn mang nặng “tình làng nghĩa xóm”.
Khi được thông báo thanh tra, chủ cửa hàng đóng cửa không gặp, còn thanh tra đột xuất, chủ cơ sở không có mặt ở nhà, phải chờ đợi mất thời gian.”- Phó Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Xuân Thu cho hay.
Đồng quan điểm, Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thu Hà chỉ rõ, bên cạnh những khó khăn về việc cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhỏ lẻ, thường xuyên biến động dẫn tới khó phát hiện, điều tra và rà soát thì ở cấp xã, vẫn có nơi chưa quyết liệt khi xử lý vi phạm. Nguyên nhân là do đa phần các hộ kinh doanh là người quen biết, nên khi kiểm tra, cán bộ cấp xã chủ yếu là nhắc nhở thay vì xử phạt.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm Nguyễn Khắc Vững, phường bắt đầu triển khai mô hình này từ tháng 7/2019, trong 3 tháng thanh tra, địa phương đã xử phạt 7 cơ sở với số tiền 19 triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Vững cho biết, tuyến phường gặp nhiều khó khăn trong công tác xử phạt. “Khi lập biên bản, các đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh nhưng khi đi nộp phạt, các hộ kinh doanh lại không nghiêm chỉnh chấp hành và có ý định chuyển địa điểm kinh doanh hoặc đổi tên cơ sở kinh doanh” - ông Vững cho hay.
Thiếu nhân lực chuyên môn
Bên cạnh đó, việc thanh tra của các đơn vị còn gặp nhiều vướng mắc ở khâu nhân lực. Đơn cử như thời gian đào tạo lực lượng thanh tra ngắn, thiếu nhân lực, thanh tra viên tại các địa phương vẫn chủ yếu là kiêm nhiệm, nhất là trong thời điểm Hà Nội thực hiện tinh giản cấp xã, cấp phường.
Hơn nữa, trong quá trình thanh tra phải theo quy trình, trong khi, số lượng cơ sở thanh tra rất ít nên chỉ tiêu TP giao, các quận, huyện khó thể thực hiện được. Qua đó, các đơn vị kiến nghị, TP xem xét lại số chỉ tiêu để giao phù hợp với tình hình địa phương.
Đối với quận Tây Hồ, ông Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Y tế quận cho biết, quận không thiếu hụt về nhân lực, nhưng quận mong muốn có thêm nhiều đợt đào tạo, bổ sung kiến thức, tập huấn cho các cán bộ trong những khoảng thời gian hợp lý, bổ sung thiết bị chuyên dùng để công tác thanh tra đạt hiệu quả cao.
Theo đánh giá của Phó Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Hà Nội Nguyễn Ánh Nguyệt, qua triển khai, công tác thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, huyện hiệu quả cao hơn cấp xã, phường - nơi số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ còn lớn do liên quan đến vấn đề nhân sự, kinh nghiệm và tâm lý e dè nên đã ảnh hưởng tới công tác triển khai.
"Để triển khai tốt chương trình thanh tra, thời gian tới, từ TP tới các cấp quận, huyện, thị xã sẽ có nhiều biện pháp tăng cường. Cụ thể, trong kế hoạch năm 2020, TP tăng cường đào tạo, tập huấn sâu hơn với 30 quận, huyện. Lực lượng 3 Sở Y tế, Sở NN&PTNT và Sở Công Thương sau khi được cấp chứng chỉ sẽ “cầm tay chỉ việc” các đơn vị tuyến dưới để triển khai hiệu quả" - bà Nguyễn Ánh Nguyệt cho hay.