Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thanh tra đồ chơi cho trẻ em dưới 3 tuổi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trước lo ngại về chất lượng đồ chơi trẻ em được bày bán tràn lan, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định tiến hành đợt thanh tra chuyên đề trên toàn quốc về chất lượng đồ chơi trẻ em.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Minh Dũng, chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề này.

Nhắm thời điểm Trung thu

- Thưa ông, chất lượng đồ chơi trẻ em luôn là vấn đề được dư luận quan tâm. Tại sao đến năm nay thì Bộ Khoa học và Công nghệ mới quyết định tiến hành thanh tra diện rộng loại hàng hóa này?

Ông Trần Minh Dũng: Để quản lý đồ chơi theo Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, năm 2009 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật về đồ chơi trẻ em. Sau đó, Bộ, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng có ra các công văn hướng dẫn thi hành.

Đây là lĩnh vực phức tạp, trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ là quản lý về chất lượng, còn trách nhiệm quản lý nhà nước về đồ chơi trẻ em lại là Bộ Giáo dục Đào tạo (cho phép trẻ em được chơi loại gì, ra sao, lứa tuổi nào thì nên chơi loại đồ chơi nào…).

Tuy nhiên, để Luật đi vào cuộc sống thì cần có thời gian nhất định. Thời gian ấy để các nhà sản xuất cập nhật được tiêu chuẩn kỹ thuật, các cơ quan quản lý địa phương cập nhật các văn bản mới của Bộ, Tổng cục…

Bên cạnh đó, để quản lý chất lượng thì ngoài các vấn đề như công bố hợp quy, dán tem… thì việc kiểm định các chỉ tiêu như cơ lý, hóa học, chống cháy… theo tiêu chuẩn kỹ thuật là rất quan trọng. Những chỉ tiêu ấy phải có các phòng thí nghiệm, thử nghiệm mới làm được. Hiện, chúng ta có bảy phòng thí nghiệm để thực hiện được việc này.

Trên thực tế, việc thanh kiểm tra vẫn được các địa phương duy trì hàng năm. Tuy nhiên, với các lý do trên, đến nay chúng tôi nghĩ rằng cần có một cuộc tổng kiếm tra trên toàn quốc để đánh giá được vai trò quản lý của các địa phương, các ngành đối với lĩnh vực này cũng như ý thức chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh…

- Đến bao giờ đợt thanh tra sẽ được bắt đầu?

Ông Trần Minh Dũng: Chúng tôi chọn thời điểm tháng 8-9 tới để tiến hành kiểm tra. Ở thời điểm này có ngày rằm Trung thu, cũng là thời gian cao điểm xuất hiện nhiều mặt hàng đồ chơi trên thị trường.

Ngoài lý do đó, thì muốn tổ chức thanh tra chuyên đề diện rộng cần có sự chuẩn bị chu đáo. Chúng tôi phải tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra toàn ngành để khi vào cuộc có sự thống nhất trong góc độ nghiệp vụ: Khi đi thanh tra thì tập trung vào vấn đề gì, cách thức triển khai như thế nào…

Theo lộ trình, tháng 5-6 chúng tôi tập trung tập huấn. Tới tháng 7, các tỉnh lập kế hoạch, lên phương án chuẩn bị, xác định các đối tượng, dự trù kinh phí liên quan. Tháng 8 bắt đầu tiến hành đợt thanh tra chuyên đề và dự kiến kết thúc vào 30/9. Sau khi có tổng kết ở các tỉnh, chúng tôi sẽ báo cáo kết quả vào tháng 11.

- Việc kiểm tra chất lượng là không hề đơn giản bởi cần có sự trợ giúp của các phòng thí nghiệm. Vậy, việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ được chọn lựa như nào, thưa ông?

 

Ông Trần Minh Dũng: Thực tế, việc sản xuất đồ chơi ở Việt Nam khá nhỏ, chủ yếu đồ chơi trẻ em qua con đường nhập khẩu.

Thanh tra đồ chơi cho trẻ em dưới 3 tuổi - Ảnh 1
Lựa chọn mua đồ chơi cho con trẻ. (Ảnh minh họa: Nguyễn Thủy/TTXVN)

Nếu nhập khẩu chính ngạch, các cơ quan chức năng đều có sự kiểm soát, đánh giá về chất lượng qua việc lấy mẫu. Sau đó, đồ chơi sẽ được dán tem hợp quy, hợp chuẩn trước khi tung ra thị trường.

Tuy nhiên, trên thị trường đồ chơi có một lượng rất lớn nhập qua tiểu ngạch. Nếu hàng nhập lậu đã tung ra thị trường thì rất khó để kiểm soát.

Đợt thanh tra này, chúng tôi sẽ tập trung vào việc tem không đúng quy định, không có hồ sơ chứng nhận hợp quy hoặc công bố hợp quy của nhà nhập khẩu, nhà sản xuất, chỉ tiêu cơ lý… để xử lý. Đây là những công việc bằng mắt thường cũng xác định được.

Ngoài ra, đoàn thanh tra sẽ có những biện pháp test nhanh một số chỉ tiêu. Khi thấy chỉ tiêu của đồ chơi đó có dấu hiệu không đúng, chúng tôi sẽ lấy mẫu đi kiểm tra sâu để có đánh giá chính xác.

Tập trung vào đồ chơi cho trẻ nhỏ

- Xin ông cho biết đợt thanh tra sẽ có những đơn vị nào phối hợp, đối tượng nào sẽ được “lưu ý?”

Ông Trần Minh Dũng: Đợt thanh tra chuyên đề này sẽ có sự phối hợp liên ngành gồm Quản lý thị trường, Giáo dục Đào tạo, Công an… với sự chủ trì là các Sở Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh. Việc phối hợp liên ngành cũng tránh sự chồng lấn trong công tác kiểm tra.

Về đối tượng thanh tra, chúng tôi tập trung vào các đối tượng nguồn là nhà sản xuất, nhập khẩu, các đại lý lớn… và không ngoại trừ kiểm tra ở các cửa hàng kinh doanh nhỏ.

Thực tế, đồ chơi trẻ em rất đa dạng nên việc lấy mẫu sẽ phải phân nhóm. Chúng tôi sẽ đặc biệt tập trung vào đồ chơi cho lứa tuổi dưới 36 tháng tuổi bởi ở độ tuổi này trẻ em có sức đề kháng thấp. Ví dụ, những chỉ tiêu cơ lý không đảm bảo sẽ dẫn đến đồ chơi làm kẹp tay, chân trẻ em, bao kín sẽ gây ngạc, kim loại nặng…

- Có ý kiến cho rằng, việc xử phạt đối với các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực đồ chơi trẻ em là thiếu tính răn đe, thưa ông?

Ông Trần Minh Dũng: Chúng tôi đang trình sửa Nghị định 54 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng để khắc phục những hạn chế, tồn tại về công bố hợp quy.

Trước đây, về hợp quy chỉ có điều 16 quy định tổ chức sản xuất, nhập khẩu hay bán hàng nhỏ lẻ vi phạm hợp quy sẽ bị xử phạt 10-15 triệu. Điều này bất cập bởi với người sản xuất, nhập khẩu thì quá nhỏ còn người buôn bán nhỏ lẻ thì là cả một vấn đề.

Ở Nghị định thay thế sẽ có chế tài xử lý một cách triệt để. Riêng trong lĩnh vực đo lường với cá nhân sai phạm sẽ phạt tới 100 triệu đồng, tổ chức là 200 triệu đồng. Về chất lượng, nếu sai phạm phạt cá nhân 150 triệu đồng, tổ chức là 300 triệu đồng. Ngoài ra, có thể phạt theo giá trị hàng hóa vi phạm, thậm chí truy tố trách nhiệm hình sự nếu sự việc nghiêm trọng.

- Trân trọng cảm ơn ông!