Hiệu quả từ mô hình sản xuất mới
Là một trong 3 mô hình sản xuất mới được huyện triển khai ứng dụng trong năm 2012, mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu đã phát huy hiệu quả lớn. Tính đến nay, toàn huyện có 14 hộ vệ tinh đăng ký trồng nấm với quy mô từ 200m2 trở lên và 3 hộ trung tâm quy mô từ 3.000m2 trở lên. Trong đó, có 2 hộ của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến với diện tích 3.000m2 và bà Bùi Thị Kính với diện tích sản xuất 3ha, ở xã Tả Thanh Oai đã sản xuất được bịch nấm cung cấp cho thị trường với công suất khoảng 8.000 bịch/ngày, chu kỳ quay vòng sản xuất bịch khoảng 20 - 25 ngày. Hiện, 12 hộ vệ tinh đã đi vào sản xuất và có sản phẩm bán ra thị trường với thu nhập bình quân 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình nuôi gà sinh sản an toàn tại Thanh Trì cho thu nhập cao, đang được nhân rộng. Ảnh: Thắng Văn
Ông Nguyễn Công Khải, hộ trồng nấm xã Vĩnh Quỳnh cho biết, sản xuất nấm mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao, không mất nhiều sức lao động nên tận dụng được nguồn lao động dư thừa lúc nông nhàn, mặt khác vốn đầu tư ban đầu thấp, tận dụng được các nguyên liệu sẵn có tại địa phương như mùn cưa, rơm rạ... Trừ các khoản chi phí sản xuất ban đầu, mỗi bịch nấm cho thu lãi khoảng 3.000 đồng/bịch. Đây chính là những lợi thế đưa cây nấm trở thành cây trồng tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần thiết thực trong giải quyết việc làm tại chỗ cho người nông dân.
Trong năm 2012, UBND huyện Thanh Trì đã triển khai đưa 2 mô hình sản xuất mới là nuôi gà sinh sản an toàn sinh học và nuôi ốc nhồi thương phẩm vào thí điểm, bước đầu đã tạo được được kết quả tốt.
Tích cực hỗ trợ nông dân
Bà Chu Nguyên Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, từ năm 2010 đến nay, UBND huyện đã dành 11,5 tỷ đồng hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đồng thời mở trên 60 lớp tập huấn về trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Riêng năm 2012, UBND huyện đã dành 5 tỷ đồng cho phát triển kinh tế, trong đó ưu tiên hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất mới. Huyện cũng chỉ đạo sát sao trong công tác tập huấn kiến thức, kỹ thuật sản xuất cho các hộ nông dân, đồng thời cử cán bộ theo dõi, hướng dẫn giúp các hộ sản xuất nắm vững những bước cơ bản, để mô hình sản xuất đạt kết quả cao nhất.
Bà Thành khẳng định, việc nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất sẽ đưa ngành nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng hàng hóa nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển nông nghiệp bám sát với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa giống mới năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất đã góp phần thiết thực nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân trong huyện. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Thanh Trì đạt 18,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,41%. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.