Theo đó, quận cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ cầu dẫn, sàn nổi xây dựng trái phép, vi phạm trật tự xây dựng trên Hồ Tây tại khu vực từ số 2 - 10 đường Nguyễn Đình Thi.
Quá trình cưỡng chế đã được tổ chức chặt chẽ với sự tham gia của tất cả các lực lượng Công an, Thanh tra Sở GTVT cùng các đơn vị của địa phương. Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết: Công tác cưỡng chế được thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng, đúng chỉ đạo của UBND TP và các quy định pháp luật hiện hành. Theo đó, ngay sau khi có chỉ đạo của UBND TP, quận Tây Hồ đã họp bàn các đơn vị liên quan để tổ chức triển khai thực hiện và thống nhất tháo dỡ cầu dẫn, sàn nổi tại khu vực từ số 2 đến số 10 phố Nguyễn Đình Thi (phường Thụy Khuê) trước khi di dời các phương tiện thủy về khu vực Đầm Bẩy (phường Nhật Tân) để chuẩn bị cho việc di chuyển hoàn toàn ra khỏi khu vực Hồ Tây theo đúng tiến độ UBND TP chỉ đạo..
Có hai DN, trong đó có Công ty TNHH Nhuận Mai tự tháo dỡ cầu dẫn, sàn nổi sau yêu cầu của quận. Đồng thời với việc cưỡng chế, phá dỡ, UBND quận Tây Hồ cùng các đoàn thể địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động các DN, cá nhân tự xử lý vi phạm, chấm dứt toàn bộ hoạt động sai phép trên Hồ Tây; di dời các du thuyền, nhà nổi về khu tập kết tại Đầm Bẩy.
Để cải tạo toàn diện khu vực Hồ Tây, trước đó, ngày 7/2/2017, UBND TP Hà Nội có Thông báo số 38 về kết luận của Chủ tịch UBND TP, trong đó, giao UBND quận Tây Hồ thông báo chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các DN kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây; xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu thuyền, phương tiện nổi về một vị trí tập kết; xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện này khỏi Hồ Tây; tháo dỡ các cầu dẫn, sàn nổi... trên Hồ Tây và hoàn thành các công việc này trong quý I/2017.
Ngày 17/2/2017, UBND quận Tây Hồ đã có Kế hoạch số 35 về về việc tháo dỡ, di dời các phương tiện thủy nội địa, cầu dẫn, sàn nổi vi phạm tại khu vực bến thủy trên Hồ Tây. UBND phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) cũng đã làm việc với các DN du thuyền hồ Tây thông báo quyết định xử phạt hành chính, đồng thời yêu cầu các nhà thuyền phải di dời trước ngày 20/2.
Theo lãnh đạo Sở GTVT, TP cũng đã có thông báo về việc xem xét các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, yêu cầu các DN gửi báo cáo về nguồn gốc, xuất xứ của tàu, thuyền, phương tiện nổi, thời gian đưa vào sử dụng, vận hành phương tiện, giá trị ban đầu, giá trị sau khấu hao đến thời điểm hiện tại. Đồng thời yêu cầu DN thống kê hợp đồng lao động, số lượng lao động, tiền lương phải trả, khó khăn, vướng mắc của người lao động khi doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh để TP xem xét.
Thống kê của UBND quận Tây Hồ cho thấy, hiện trên Hồ Tây có 6 đơn vị lắp đặt sàn cứng, cầu dẫn khung thép, đóng cọc cố định xuống lòng hồ mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận theo quy định. 4 đơn vị đã ngừng hoạt động kinh doanh nhưng vẫn sử dụng mặt nước Hồ Tây neo đậu phương tiện thuỷ và lắp đặt các công trình khác. 10 đơn vị còn lại có hoạt động phương tiện thuỷ, phục vụ kinh doanh giải trí, ăn uống, nuôi trồng, khai thác thuỷ sản trong phạm vi Hồ Tây mà không được cấp phép.
Theo báo cáo nhanh của quận Tây Hồ, tính đến 16 giờ ngày 23/2, đã tổ chức phá dỡ được 1 cầu dẫn, đang tiếp tục phá dỡ cầu dẫn thứ hai tại Công ty CP dịch vụ Hồ Tây; phá dỡ được 190/210m2 sàn bê tông tại Công ty CP thương mại và du lịch Hồ Tây; hoàn thành việc phá dỡ cổng và hệ thống lan can tại Công ty CP nhà nổi Hồ Tây (Nhà hàng Taboo Lounge). Công ty TNHH Nhuận Mai đang tự phá dỡ. Ngày 24/2, các lực lượng tham gia cưỡng chế tiếp tục thực hiện theo đúng kế hoạch và phấn đấu hoàn thành toàn bộ việc phá dỡ cầu dẫn, sàn nổi. |