Tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư công

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, Bộ KH&ĐT đang tổ chức một số buổi họp trực tuyến với địa phương để ghi nhận những khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc thực hiện các dự án đầu tư.

Cấp nào quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư?

Tại hội nghị trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư tại Quảng Ninh vừa diễn ra, liên quan tới các dự án đầu tư công, một vài địa phương còn gặp vướng mắc trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư; điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều vướng mắc đã được nêu ra.

 Quang cảnh hội nghị.

Đơn cử, tại Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc thực hiện quy định tại Khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công trên thực tế là rất khó khăn do khó có thể lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các dự án trong kế hoạch trung hạn 5 năm tại thời điểm đầu của 5 năm kế hoạch; đồng thời mức vốn của dự án tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ không còn phù hợp khi triển khai thực hiện ở các năm sau, đặc biệt là những năm cuối của kế hoạch.

Từ thực tiễn triển khai tại tỉnh Quảng Ninh, đã có các tình huống dự án phải điều chỉnh ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, việc xác định những trường hợp điều chỉnh dự án nào đòi hỏi phải thực hiện đồng thời quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Do đó, tỉnh Quảng Ninh đề nghị bổ sung khoản mới trong Điều 34 Luật Đầu tư công, trong đó quy định rõ các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư như: thời gian thực hiện, mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư dự án... Việc bổ sung nội dung này sẽ giúp làm rõ các trường hợp cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư, giúp các đơn vị có nhu cầu điều chỉnh dự án trong quá trình triển khai hạn chế vi phạm quy định của Luật.

Tại hội nghị trực tuyến, TP Hà Nội đã tổng hợp 25 khó khăn, vướng mắc trong 3 nhóm dự án đầu tư công; sản xuất, kinh doanh; và dự án đối tác công - tư để kiến nghị với đại diện tổ công tác. Cụ thể, TP. Hà Nội đã báo cáo 12 vướng mắc liên quan tới các dự án đầu tư công, 11 vướng mắc đối với các dự án đầu tư kinh doanh và 2 vướng mắc đối với các dự án PPP.

Lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét ban hành đồng bộ luật, nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn cùng thời điểm để giảm thời gian khi áp dụng thực tiễn, tránh việc khi luật mới ban hành phải chờ đợi nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn mới thực hiện được. TP Hà Nội đề nghị các bộ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về đất đai để đồng bộ trong việc thực hiện các quy định mới của Luật đầu tư, Luật đấu thầu.

Cũng vướng mắc trong công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư, TP. Hà Nội cho biết, Luật Đầu tư công chưa nêu rõ điều khoản chuyển tiếp đối với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nhóm A (trước đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư), sau khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực thì được giao thẩm quyền xuống HĐND, nhưng chưa có hướng dẫn điều khoản chuyển tiếp như thế nào. Do đó, Hà Nội đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư là của HĐND TP Hà Nội.

Ngoài ra, Hà Nội đề xuất, cần thiết có quy định để phân cấp ủy quyền trong đầu tư công nhằm đẩy mạnh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện một số dự án đầu tư công thuộc nhiệm vụ chi của TP đã và đang được thực hiện bằng ngân sách cấp huyện.

Với các dự án PPP, Hà Nội đã nhấn mạnh những vướng mắc liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, cũng như liên quan việc triển khai các dự án đầu tư, các quy định để thực hiện chuyển tiếp đối với các dự án BT…

TP đề nghị Tổ công tác sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, nhất là khi trên địa bàn Thành phố có nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng vốn ODA.

Kiến nghị tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư

Liên quan đến giải phóng mặt bằng (GPMB), theo Giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, quá trình triển khai dự án tại Hà Nội trong nhiều năm qua bị kéo dài do vướng mắc về công tác GPMB, tái định cư ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Tại một số dự án (Xây dựng đường Vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục; Tuyến đường số 3, số 5 vào trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây; Tuyến đường số 8 Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm), người dân còn có kiến nghị về giá đất, cơ chế đối với đất có nguồn gốc đất nông nghiệp các hộ dân đã sinh hoạt ổn định lâu năm, vấn đề quy hoạch, quỹ nhà tái định cư chưa hoàn thành, không nhận tiền bồi thường, không đồng thuận phương án bồi thường gây ảnh hưởng đến mặt bằng thi công…

 Khâu đền bù, GPMB bằng từ lâu vẫn là một 'bài toán' nan giải.

Do vậy, Hà Nội đề nghị nghiên cứu, báo cáo đề xuất cho phép tách riêng dự án GPMB để triển khai theo quy hoạch và cho phép áp dụng cơ chế thanh toán qua Quỹ đầu tư phát triển, không theo quy định dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Cũng kiến nghị tách riêng dự án GPMB trong dự án đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, cách làm này được tỉnh thực hiện rất hiệu quả. Ông Huy dẫn chứng, Quảng Ninh vừa quyết định thực hiện một dự án đầu tư công nhóm A (Dự án Đường ven sông từ Quảng Yên tới Đông Triều có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, trong đó công tác GPMB là 1.500 tỷ đồng) và quyết định tách ra thành 2 tiểu dự án. Trong đó, dự án GPMB là một tiểu dự án riêng và việc thực hiện GPMB của tiêu dự án này rất hiệu quả và nhanh chóng. Do đó, tỉnh Quảng Ninh kiến nghị, việc tách dự án GPMB chỉ cần căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt là có thể phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, trong bối cảnh rất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nếu tháo gỡ được vướng mắc của dự án đầu tư công sẽ giúp giải phóng nguồn lực, rất tốt cho nền kinh tế.

Trên cơ sở kết quả làm việc với một số địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương gặp nhiều vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư, tổ công tác sẽ đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương. Tham mưu cho Thủ tướng các cơ chế, chính sách, giải pháp khắc phục các vướng mắc trong tình hình mới.