Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

 Đối thoại giữa người đứng đầu với Nhân dân huyện Thanh Trì

Tháo gỡ nhiều vấn đề dân sinh bức xúc

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/9, Huyện ủy Thanh Trì tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn.

Qua hội nghị, lãnh đạo huyện Thanh Trì đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những ý kiến đóng góp, phản ánh của Nhân dân, nhằm đưa ra phương án giải quyết phù hợp, kịp thời.

Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt

Năm 2023, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP và sự đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực, sáng tạo của chính quyền và Nhân dân trên địa bàn, tình hình kinh tế - xã hội, công tác xây dựng huyện thành quận, xã thành phường của huyện Thanh Trì đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tổng giá trị sản xuất bình quân trên địa bàn huyện tăng 12,4%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 74 triệu đồng/người/năm, tăng 12 triệu đồng so với năm 2020 (đạt 92,5% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ). Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng (GPMB), quản lý và phát triển đô thị, đất đai... được tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến tích cực.

Đại diện Nhân dân nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Quyết
Đại diện Nhân dân nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Quyết

Toàn huyện đã có 15/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, về đích trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025. Về công tác xây dựng huyện thành quận, xã thành phường, đến nay qua đánh giá theo các tiêu chuẩn mới (Căn cứ Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 quy định về tiêu chuẩn của quận (34 tiêu chuẩn), huyện Thanh Trì đã đạt 30/34 tiêu chuẩn theo quy định; các xã, thị trấn đạt từ 12 - 15/18 tiêu chuẩn thành phường.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao; các đối tượng chính sách được quan tâm. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi; các công trình di tích lịch sử văn hóa, cách mạng được đầu tư; lĩnh vực du lịch bước đầu có sự khởi sắc. Toàn huyện có 2 điểm du lịch được TP công nhận là xã Đại Áng và xã Yên Mỹ. Lĩnh vực giáo dục đào tạo được đầu tư đồng bộ, hiện toàn huyện có 63/73 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 86,3%, là huyện có tỷ lệ trường chuẩn trong tốp đầu của TP...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, huyện Thanh Trì vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như phát triển kinh tế - xã hội của huyện chưa tương xứng với tiềm năng. Số lượng các DN trên địa bàn có quy mô nhỏ, công tác GPMB, tái định cư, các khoản thu tiền sử dụng đất còn nhiều vướng mắc. Từ đó ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách và việc thực hiện một số tiêu chí trong quá trình xây dựng huyện thành quận, xã thành phường.

Còn nhiều trăn trở

Tại hội nghị đối thoại, đã có 5 ý kiến của đại diện các DN, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn huyện Thanh Trì phát biểu tập trung vào các vấn đề nổi cộm như: công tác GPMB một số dự án trên địa bàn còn chậm; cơ chế chính sách cho DN đầu tư phát triển sản xuất còn nhiều bất cập, vướng mắc; việc triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư công còn chưa kịp thời; cơ chế, chính sách liên quan đến công tác bố trí tái định cư còn chưa phù hợp... Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị khi thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận, xã thành phường, cần bố trí quỹ đất xây dựng nhà văn hóa ở các địa phương.

Ngoài ra, trước khi hội nghị đối thoại diễn ra, qua tổng hợp ý kiến tại 16/16 xã, thị trấn, Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì đã tổng hợp được 27 nội dung của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý kiến. Trong đó, có 9 ý kiến về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng cơ bản; 3 ý kiến về lĩnh vực GPMB; 6 ý kiến về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; 6 ý kiến về lĩnh vực văn hóa - xã hội, vệ sinh môi trường, 3 ý kiến về nội dung thu ngân sách Nhà nước.

Đối thoại tại hội nghị, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường đã giải đáp, làm rõ và chỉ đạo các phòng, ban, lãnh đạo xã, thị trấn ghi nhận, giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền trong thời gian sớm nhất.

Với vai trò là người đứng đầu cấp ủy – chủ trì hội nghị đối thoại, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Lê Tiến Nhật trân trọng tiếp thu những ý kiến góp ý chân thành, thẳng thắn, xây dựng, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Đồng thời cũng giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu tại buổi đối thoại và đề nghị các phòng, ban chức năng Huyện ủy, UBND huyện; lãnh đạo các xã, thị trấn căn cứ vào từng nội dung liên quan, xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để giải quyết thấu đáo những vấn đề mà Nhân dân quan tâm, thông báo lại kết quả giải quyết để Nhân dân biết theo đúng quy định. Đối với những vấn đề, nội dung phức tạp cần thời gian nghiên cứu, xem xét, giải quyết, phải thông báo bằng văn bản cho người có ý kiến tại hội nghị tiếp xúc về thời gian và trách nhiệm của cơ quan giải quyết.

Bí thư Huyện ủy Thanh Trì đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở cần thực hiện tốt công tác phối hợp với các phòng, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện nắm bắt tình hình Nhân dân, dư luận xã hội, những vấn đề bức xúc, phức tạp để tập hợp, tham mưu, đề xuất phương án, biện pháp giải quyết kịp thời, chất lượng, hiệu quả. 

Trong thời gian tới, tiếp tục lãnh đạo triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, Đề án thành lập quận và các phường thuộc quận của huyện Thanh Trì, công tác GPMB thực hiện các dự án trên địa bàn huyện. “Các cấp ủy, chính quyền cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2023 và những năm tiếp theo” – Bí thư Huyện ủy Thanh Trì nhấn mạnh.

 

Trong 5 năm (từ 2017 - 2022), huyện Thanh Trì đã tổ chức 6 hội nghị đối thoại định kỳ. Tại các hội nghị đối thoại, cán bộ MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân đã phản ánh những vướng mắc, khó khăn từ cơ sở, trong đó có nhiều ý kiến tâm huyết góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền huyện. Thông qua hội nghị đối thoại, cấp ủy, chính quyền huyện đã kịp thời phát hiện những vướng mắc, phát sinh để kiến nghị giải quyết hoặc nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh những chủ trương, quy định của địa phương cho phù hợp, đồng thời giải quyết có hiệu quả những kiến nghị hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Lê Tiến Nhật

Từ năm 2017 - 2021, đã có 91 lượt ý kiến với 119 nội dung kiến nghị phản ánh của Nhân dân gửi đến chính quyền huyện Thanh Trì. Đến nay, huyện Thanh Trì đã giải quyết xong 117 nội dung, còn 2 nội dung đang giải quyết. Năm 2022, có 59 nội dung kiến nghị phản ánh thuộc thẩm quyền của huyện. Cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Trì đã tiếp thu, kiến nghị cấp có thẩm quyền và chỉ đạo giải quyết xong 57 nội dung, còn 2 nội dung đang giải quyết, trong đó 1 nội dung trùng với nội dung đang giải quyết từ năm 2021.