Dùng tài khoản để thao túng chứng khoánNgày 31/5/2019, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hoàng Thị Hoài - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP PIV (Upcom: PIV) với số tiền 600 triệu đồng. Theo đó, căn cứ vào kết quả giám sát, kiểm tra của UBCKNN và kết quả xác minh của cơ quan công an cho thấy bà Hoàng Thị Hoài - nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP PIV (UPCoM: PIV) đã sử dụng 42 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu PIV. Căn cứ kết quả xác minh của cơ quan công an, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu PIV của bà Hoàng Thị Hoài gây ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không cần thiết nâng vốn điều lệ công ty đại chúng Thảo luận ở tổ về dự án Luật Chứng khoán sửa đổi chiều 6/6, các đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc nâng điều kiện để trở thành một công ty đại chúng từ 10 lên 30 tỷ đồng. Do hiện nay hơn 98% DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa với mức vốn trung bình khoảng 11 tỷ đồng. Việc quy định tăng mức vốn điều lệ như dự thảo Luật sẽ là rào cản đối với các DN nhỏ và vừa có nhu cầu huy động vốn trên TTCK. “Chưa kể hiện nay 160 công ty trên sàn đại chúng UPcom đang có vốn dưới 30 tỷ đồng. Ứng xử ra sao với các công ty này? Tránh sai lầm, DN không đủ điều kiện buộc phải nâng vốn điều lệ khiến DN vay đầu này đầu kia để lách luật”- Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh. (Ngọc Trâm) |
Bà Hoàng Thị Hoài bị miễn nhiệm chức danh HĐQT của PIV vào ngày 29/6/2018. Theo dữ liệu giao dịch gần nhất vào ngày 6/7/2018, bà Hoài sở hữu hơn 1,6 triệu cp PIV, tương ứng với tỷ lệ 9,46%. Trước khi cổ phiếu PIV chịu án hủy niêm yết do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính 2017, bà Hoài với chức danh Chủ tịch HĐQT khi đó đã liên tục gom vào cổ phiếu PIV với khối lượng đăng ký từ 1 - 2 triệu cp bằng cả hai phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Tuy nhiên, nguyên Chủ tịch PIV chỉ gom được vài trăm cổ phiếu ở mỗi lần giao dịch.
Nguyên Chủ tịch PIV không phải là “tay to” duy nhất thao túng chứng khoán bằng cách dùng hàng loạt tài khoản để mua bán, tạo cung - cầu giả trên thị trường. Trước đó, nguyên Chủ tịch Công ty MTM Trần Hữu Tiệp bị xử tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công ty MTM không có tài sản, không có hoạt động kinh doanh nhưng làm giả hồ sơ để đưa giao dịch UpCOM, làm giả hồ sơ đại hội cổ đông... Các bị cáo sử dụng 59 tài khoản mua bán cổ phiếu MTM khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm nhằm tạo cung - cầu giả tạo. Ngoài ra, các bị cáo thao túng chứng khoán trong vụ này bị xử 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, tội làm giả tài liệu 4 năm tù...
Đầu năm 2019, UBCK cũng đã phạt ông Đinh Xuân Cường (địa chỉ: Số 10, ngõ 10, Hà Trì 1, Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) 550 triệu đồng do đã sử dụng 12 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung - cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu của Công ty CP ANI (mã CK: SIC).
Dù đã xử phạt ở khung cao nhất cho hành vi thao túng chứng khoán nhưng tình trạng này vẫn diễn ra trên thị trường. Điều đáng nói, nhiều thành viên thị trường cho rằng, trong khi các hành vi này thu lợi tiền tỷ, thậm chỉ hàng chục tỷ đồng thì việc xử phạt vẫn ở mức khiêm tốn, không đủ sức răn đe.
Tăng mức phạt, tăng giám sátĐể có chế tài đủ mạnh, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi quy định, một số hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính minh bạch, an toàn của thị trường như thao túng thị trường, giao dịch nội bộ... thì mức phạt tiền tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân. Đối với các hành vi vi phạm khác quy định mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung một số quyền cho UBCK như: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK. "Quy định của Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã khắc phục hạn chế của Luật Chứng khoán hiện hành, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế, phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán đạt hiệu quả, bảo đảm phù hợp với các luật khác có liên quan như Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Viễn thông...” - đại diện UBCKNN thông tin.