Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thấp thỏm trên những cây cầu cũ nát

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, với sự quan tâm, đầu tư lớn của TP Hà Nội, hạ tầng giao thông khu vực nông thôn đã được nâng cấp ngày một đồng bộ, mang tới sự thuận lợi, an toàn cho việc đi lại của người dân.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí hạn hẹp đang trở thành rào cản khiến nhiều dự án xây dựng cầu bắc qua sông chưa thể triển khai.

Bài 1: Bất an qua cầu phao dân sinh

Bài 2: Không cầu khó giàu lên được

Bài 3: Tìm hướng huy động vốn

Loay hoay bài toán kinh phí

Theo ông Lê Nghiêm Huấn - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức, trên địa bàn huyện hiện có tổng cộng 7 cây cầu phao bắc qua sông Đáy. Các cây cầu đều đã xuống cấp do được xây dựng từ lâu. Huyện đã có văn bản kiến nghị TP hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng ít nhất 2 cây cầu, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin phản hồi từ các cấp có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai cho biết, hiện trên địa bàn huyện còn 4 cây cầu tạm bắc qua các con sông. Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, huyện đã kiến nghị, được TP phê duyệt dự án cầu Hoàng Thanh nối với huyện Chương Mỹ. Tuy nhiên, từ khi được phê duyệt năm 2013 đến nay, dự án vẫn chưa được cấp kinh phí.
Cầu Mỹ Hưng bắc qua sông Nhuệ, huyện Thanh Oai mới được xây dựng.	Ảnh: Trọng Tùng
Cầu Mỹ Hưng bắc qua sông Nhuệ, huyện Thanh Oai mới được xây dựng. Ảnh: Trọng Tùng
“Đã kiến nghị nhưng chưa được bố trí vốn” cũng là phản hồi của lãnh đạo huyện Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ, liên quan tới các dự án thay thế cầu tự chế bắc qua sông Đáy, sông Bùi…

Ngoài nguyên nhân thiếu nguồn vốn, một số địa phương lại gặp khó do dự án liên quan tới Luật Đê điều. Đơn cử như tại huyện Sóc Sơn, ông Nguyễn Hữu Nội - Trưởng phòng Quản lý đô thị cho biết, năm 2013, huyện đã có văn bản kiến nghị UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu cạn bắc qua sông Cà Lồ thuộc địa phận xã Việt Long. Nhân dân sẵn sàng đóng góp tiền bạc, công sức. Tuy nhiên, do tuyến đê chạy qua địa bàn xã Việt Long thuộc tuyến đê cấp III nên việc xây dựng cầu cạn phải chờ được sự chấp thuận của Bộ NN&PTNT và TP. Đến nay, dự án vẫn chưa được phê duyệt.

Thực tế cho thấy, tại hầu hết các địa phương, nguồn vốn xây dựng các dự án giao thông, trong đó có hạng mục thay thế cầu yếu và cầu tự chế vẫn phải trông chờ gần như 100% vào nguồn vốn từ T.Ư và TP. Việc sử dụng ngân sách huyện chỉ khả thi đối với các dự án nhỏ lẻ, cần nguồn kinh phí thấp. Cũng bởi vậy mà khi ngân sách TP còn hạn chế, việc hàng loạt những cây cầu phải “xếp hàng” chờ được bố trí vốn là điều không quá khó để lý giải.

Tính đến xã hội hóa

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung, xã hội hóa được xem là hướng đi nên được tính đến. Theo ông Nguyễn Văn Vẻ - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Ứng Hòa, cần có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích sự tham gia của các DN, tổ chức xã hội, cá nhân, bởi việc xây dựng những cây cầu bắc qua sông cần một khoản kinh phí đầu tư không nhỏ.

Liên quan tới bài toán vốn, ông Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho hay, trong chương trình xây dựng nông thôn mới có ngân sách dành cho tiêu chí giao thông thủy lợi. Các địa phương cấn đối trong nguồn vốn được bố trí, kết hợp tuyên truyền các DN, Nhân dân địa phương đóng góp triển khai dự án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông nông thôn thường chỉ phù hợp với một số dự án cầu quy mô nhỏ bắc qua kênh mương. Đối với cầu bắc qua sông cần nguồn kinh phí lớn, việc huy động xã hội hóa là không dễ. Các địa phương thường lập báo cáo, trình TP xem xét đầu tư.

Ông Tùng cho biết, huyện Thanh Oai đang thử nghiệm mô hình đầu tư BOT (Nhà nước kêu gọi DN bỏ vốn xây dựng hạ tầng trước thông qua đấu thầu, khi hoàn thành sẽ để DN khai thác vận hành một thời gian và sau cùng là chuyển giao cho chính quyền sở tại). Tuy nhiên, địa phương mới triển khai hình thức đầu tư này đối với một dự án đường bộ. Do chưa đánh giá được hiệu quả đầu tư nên chưa dám nghĩ đến việc BOT các dự án cầu bắc qua sông.  

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về giải pháp huy động vốn cho các dự án cầu qua sông, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, Hà Nội hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ Chương trình “Nhịp cầu yêu thương” mà Bộ GTVT đã, đang thực hiện những năm qua. Đây là chương trình huy động vốn có sự tham gia của các nhà hảo tâm, các DN, tổ chức xã hội, các tỉnh, TP trên cả nước trong việc hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục cầu vượt bắc qua sông tại những địa bàn khó khăn. Thực tế, Chương trình của Bộ GTVT đã giúp mang tới hàng trăm cây cầu, nối liền những bờ vui cho cư dân ven sông tại nhiều địa phương khó khăn trên cả nước.

Sự cần thiết của những cây cầu đối với cư dân ven sông là có thật. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn, trong bối cảnh kinh tế của Hà Nội cũng như cả nước nói chung còn nhiều khó khăn, TP chỉ có thể lựa chọn đầu tư đối với các dự án thực sự bức xúc. Trong thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội cần tiếp tục rà soát, đánh giá tính cấp thiết của các dự án, trình TP xem xét, bố trí nguồn vốn thực hiện. Đồng thời, TP, các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung nghiên cứu giải pháp huy động động vốn phù hợp với điều kiện địa phương, tiến tới thay thế hoàn toàn những cây cầu cũ nát.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, TP đã phê duyệt đầu tư 11 công trình cầu vượt sông khu vực ngoại thành. Đến nay, 8 cây cầu đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trong đó, có 3 cây cầu ở Chương Mỹ, 2 cây cầu ở Ba Vì, các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai mỗi địa phương một cây cầu. Hiện, 2 cây cầu Hòa Viên và Ba Thá bắc qua sông Đáy nối địa phận 2 huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức vẫn đang được tích cực triển khai xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2016.
Ông Vương Minh Hoan Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư (Sở GTVT Hà Nội)