Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thất bại truyền thông sẽ thất bại trong chống dịch

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với dịch bệnh Covid-19, thành hay bại, vai trò của truyền thông chiếm tỷ lệ rất cao. Nếu Việt Nam thất bại trên mặt trận truyền thông thì 100% sẽ thất bại khi dịch xuất hiện.

Chia sẻ về “Trách nhiệm truyền thông nhìn từ dịch Covid-19”, bác sĩ Trần Văn Phúc - Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, trong đợt dịch Covid-19 này, thành hay bại, vai trò của truyền thông chiếm tỷ lệ rất cao, có thể là 30%. Tiếp đó, đến bác sĩ điều trị như bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, rồi mới đến chúng tôi là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Những người đứng sau nữa, ngồi trong bóng tối, làm sao để các tấm phim cất lên tiếng nói, từ đó tìm hướng điều trị cho bệnh nhân.

Thất bại truyền thông sẽ thất bại trong chống dịch - Ảnh 1

Bác sĩ Trần Văn Phúc - Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Bác sĩ Trần Văn Phúc chia sẻ, tất cả các bác sĩ đều học toán thống kê, đây là vấn đề rất hay. Bởi mọi vấn đề dù khó khăn đến mấy đều có những ngôn ngữ để giải thích tường minh với công chúng.
Trong đợt dịch này, ngày 3/2/2020, khi Trung Quốc công bố tổng số nhiễm mới 14.800 bệnh nhân, con số này gấp 10 lần những ngày hôm trước. Tại sao tăng đột biến vậy, vì Trung Quốc thay đổi cách chẩn đoán.
“Trước đây, các bệnh nhân chỉ được coi nhiễm Covid-19 khi có xét nghiệm dương tính, còn từ ngày 3/2, chỉ cần phim chụp CT đã xác định là nhiễm bệnh. Đó là nguyên nhân dẫn đến số bệnh nhân tăng đột biến” - bác sĩ Phúc lý giải.
Theo bác sĩ Phúc, trong chẩn đoán lâm sàng bệnh Covid-19, các con số cho thấy, diễn biến đang diễn ra đúng nửa đầu chữ n xuôi. Chẩn đoán hình ảnh đầu tiên thấy dấu hiệu kính mờ, thứ hai là dấu hiệu như đá hoa cương, có những chỗ có mạch vữa dày lên, giống như hình tổ ong, giai đoạn 3 đông đặc lại thì đã rất nặng.
Từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 4, toàn bộ bệnh nhân viêm phổi đều có kính mờ. Từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 8, những vùng trước đó có kính mờ, xuất hiện lát đá hoa cương. Từ ngày thứ 9 đến ngày thứ 13, đông đặc như mô phổi và sẽ bị nặng lên. Từ ngày thứ 14 đến ngày 26, triệu chứng từ từ giảm và khỏi.
Chúng ta luôn nghĩ, đây là 1 bệnh mới, do đó các bác sĩ không biết chẩn đoán, điều trị như thế nào. Thực chất, dù như thế nào đi nữa, cũng chỉ là những con virus.
Y học đòi hỏi sự chính xác rất cao chứ không làm theo cảm tính. Dù dịch bệnh ở Việt Nam mới chỉ 16 bệnh nhân nhưng các cán bộ y tế luôn cập nhật làm chủ tình hình, tất cả các bệnh viện đa khoa đều có đơn nguyên để thu dung và tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus này, tức là chúng tôi luôn sẵn sàng để làm việc đó.
Truyền thông làm thế nào để con số cất lên tiếng nói, những con số đó không đe dọa người dân thì mới quan trọng. Chúng ta mà thất bại trên mặt trận truyền thông thì 100% sẽ thất bại khi dịch xuất hiện.
Chúng ta đã có những ví dụ thực tế, trong dịch bệnh Mers, Hàn Quốc không có truyền thông nguy cơ, dẫn tới người dân không biết, tự vào mạng tìm, loạn tin đồn, dẫn đến Hàn Quốc có 186 bệnh nhân nhưng tử vong 38 bệnh nhân, Chính phủ Hàn Quốc phải cách ly 16.752 bệnh nhân. Hệ quả toàn xã hội Hàn Quốc thời điểm đó bị rối loạn, bệnh nhân sợ hãi, giá cả leo thang, phải đóng cửa toàn bộ trường học từ mầm non đến đại học, GDP sụt giảm.
Ví dụ thứ 2, năm 2019, dịch Ebola xảy ra ở Congo, nước này không giải thích cho người dân nên dẫn tới 300 cuộc tấn công nhân viên y tế, dẫn đến 6 nhân viên y tế chết, 70 nhân viên y tế bị thương nặng. “Tất cả câu chuyện chống kỳ thị, bài học khẩu trang của Việt Nam… cho thấy chúng ta rất thành công trong công tác truyền thông đối với dịch bệnh Covid-19”- bác sĩ Phúc đánh giá.