Chưa nên giảm số giờ làm việc tiêu chuẩn
Chiều 16/9, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số hiệp hội DN góp ý cho dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi.
Tại đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, có nhiều vấn đề mới được đưa vào dự thảo Bộ luật nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cam kết thực hiện các hiệp định thương mại.
Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn trong tuần từ 48 xuống còn 44 giờ. Trong buổi làm việc này, đa số các hiệp hội DN không tán thành với đề xuất trên.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho biết: Giảm số giờ làm việc xuống còn 44 giờ, DN phải tuyển dụng thêm 10% lao động. Tuy nhiên, hiện ngành da giày không tuyển được lao động, có nhà máy phải lấy lao động 50 tuổi. "DN khó có khả năng đầu tư quá nhiều vào công nghệ để tăng năng suất lao động (NSLĐ), trong khi sản phẩm đầu ra không tăng. Vì thế DN ngành da giày sẽ bị giảm doanh số" - bà Xuân chia sẻ.
Với ngành da giày và các ngành khác, đa số lao động có trình độ văn hóa phổ thông, thu nhập ở mức trung bình, nếu giảm giờ làm sẽ gặp khó khăn về thu nhập. Trao đổi về đề xuất giảm số giờ làm việc tiêu chuẩn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, tăng NSLĐ thực chất là tăng GDP.
"Đất nước muốn phát triển, GDP đạt mức 7% thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì phải tận dụng toàn bộ lực lượng lao động, làm việc cật lực. Lúc này giảm số giờ làm việc tiêu chuẩn là chưa nên”- ông Lộc nhận định. Vì thế, nhiều ý kiến đề nghị cần có nhìn nhận một cách toàn diện và sâu sắc về đề xuất giảm số giờ làm việc.
Nâng trần giờ làm thêm trong năm
Giờ làm thêm trong năm cũng là một nội dung được nhiều đại diện hiệp hội DN quan tâm. Dự thảo BLLĐ đề xuất giờ làm thêm tối đa trong năm là 400 đối với trường hợp đặc biệt. Về vấn đề này, VCCI đề nghị không quy định giới hạn giờ làm thêm trong tháng, trong tuần. Đồng thời đề nghị tăng giờ làm thêm từ 200 lên 500 đối với trường hợp bình thường; tăng từ 300 lên 500 – 600 giờ trong trường hợp đặc biệt.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Nguyễn Xuân Dương bày tỏ: "Chúng ta là người đi làm thuê nên phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị đối tác. DN muốn giao hàng cho khách đúng thời hạn thì buộc phải đáp ứng thời gian. Trong khi Trung Quốc quy định giờ làm thêm mỗi năm là 600 giờ, Nhật Bản 700 giờ. Ban soạn thảo BLLĐ khống chế 300 giờ làm việc mỗi năm, đối tác kiểm tra thấy vượt quá sẽ mang đơn hàng đi nơi khác".
Đồng thời chia sẻ, ngành may thường bị mất việc vào tháng 3 và tháng 10. Ngay trong tháng 9 đã có nhiều DN ngừng việc, làm việc 4 – 5 tiếng mỗi ngày vì không có đơn hàng, trong khi mức lương quá cao so với Ấn Độ, Bangladesh – đang cạnh tranh với Việt Nam. Nếu thắt giờ làm thêm thì DN chết mà NLĐ lại không có việc.
Đưa ra 7 vấn đề lớn trong dự thảo BLLĐ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm: Khung thời gian làm thêm giờ gắn với thời gian làm việc bình thường. Không tăng thời gian làm thêm giờ, không hạ thời gian làm việc tiêu chuẩn xuống 44 giờ/tuần. Tuy nhiên, vẫn nên cho số ngành nghề dệt may, da giầy xuất khẩu được làm thêm để vừa có lợi cho NLĐ và không bất lợi cho chủ sử dụng lao động.
"Ngành thủy sản mỗi năm có 2 mùa vụ tháng 5, 6 và 9, 10. Đặc điểm của ngành thủy hải sản là sản xuất theo chuỗi với hơn 4 triệu lao động (bao gồm cả công nhân, nông dân, ngư dân). Phía đối tác kiểm soát sản phẩm từ khâu giống, nuôi đến khâu bán hàng, chúng ta chỉ cần vấp một yếu tố về giờ làm thêm sẽ bị mất đơn hàng." - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam |