Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thất lũ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Anh Hai ơi! Năm nay lại thất lũ nữa rồi - tiếng chú Út nhà tôi như một tiếng thở dài qua điện thoại. Thế là, ông trời lại chẳng chiều lòng người, mùa nước nổi quê tôi lóng rày lại kiệt.

Hàng năm, cứ đến Rằm tháng 7 nước đã nổi trắng đồng, năm nay sang tháng 8 nước mới mấp mé ở những chân ruộng trũng còn những nơi cao vẫn trơ gốc rạ.

Tháng 10, lũ đã đạt đỉnh nhưng chỉ bằng phân nửa đỉnh lũ năm rồi. Lũ chậm, lũ yếu đồng nghĩa với thất bát cá, tôm, bữa cơm của người nghèo thêm đạm bạc.

Mấy chục năm rời quê lên Sài Gòn làm công chức cũng là mấy chục năm trong tôi luôn mang theo hơi thở của ruộng đồng. Thế nên, từ ngày nghỉ hưu cứ vào mùa này là tôi lại trở về quê, trở về với một thời tuổi thơ đầy ký ức.
 
Thất lũ - Ảnh 1
 

Dân quê tôi - đồng bằng sông Cửu Long sống nhờ mùa nước nổi. Lũ ở đâu là lũ tàn lũ hại, còn lũ ở đây là lũ bạc lũ vàng, lũ đưa tôm cá về đồng, lũ đem phù sa đắp bồi vùng châu thổ. Bình thường cứ vào độ này là nước trắng đồng mênh mông như biển cả, không còn phân biệt được đâu là ruộng là bờ.

 Nhà nhà, người người đổ ra đồng từ sáng sớm cho tới khi tối mịt, hàng trăm hàng ngàn chiếc ghe nhìn xa như những chiếc lá tre chi chít, hối hả giăng lưới, cắm câu, đổ lờ, dựng lọp... cá đầy ghe hết ngày này sang ngày khác.

Đây là khoản thu nhập không nhỏ đối với mỗi gia đình nông dân, bù đắp mỗi khi thất bát mùa màng.Chuyến xe Sài Gòn - Đồng Tháp khá vắng. Có lẽ năm nay lũ èo uột nên khách du lịch về miền Tây mùa nước nổi cũng thưa vắng hẳn đi.

Chập choạng tối, bữa cơm của gia đình Út mừng anh Hai từ thành phố dìa vẫn thịnh soạn với đủ món cá đồng, rau nội nhưng chỉ toàn cá nhỏ mà thôi. Cô em dâu ấp úng phân bua: "Thưa anh Hai, năm nay lạ quá, không những cá ít không thể ngờ, mà cá to thì rất hiếm".Tôi cười cười bảo rằng thì thời tiết cũng có lúc thế này thế khác để an ủi vợ chồng người em, song, trong thâm tâm cũng thấy giật mình: Năm 2010 cũng là năm thất lũ, lượng cá về đồng giảm đáng kể nhưng cũng không đến nỗi thất nặng như năm nay.

Các nhà khoa học thế giới đã nhiều lần cảnh báo việc các quốc gia đầu nguồn lạm dụng xây thủy điện vô tội vạ sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng hạ lưu sông Mê Kông. Vậy thì, nào có đâu xa, phải chăng cái kết quả nhỡn tiền trước mặt.

Nếu tần suất lũ cứ kiệt dần, cá ít, phù sa mỏng, tương lai nào cho đồng bằng châu thổ Cửu Long?Cơm nước xong, dượng Chín, bác Ba, dì Tám… sang chơi. Từ những vùng quê khác nhau họ là những nông dân ít, hoặc không có ruộng.

Đến hẹn lại lên, cứ đến vụ là họ lại dắt díu cả gia đình đến vùng này gặt thuê cấy mướn và đón đầu mùa nước nổi. Mùa nước nổi ai cũng như ai, không còn phân biệt ruộng anh ruộng tôi, giữa bát ngát cá nước chim trời dân du cư cũng như người cố cựu bình đẳng lội đồng sẻ chia nguồn lợi. Lộc trời nào phải riêng ai.

Những mùa trúng lũ những người nông dân quanh năm đi làm thuê, làm mướn có thu nhập khá hẳn lên. Lũ rút, họ lại tranh thủ dắt díu nhau trở về bản quán, sửa lại mái nhà, trả nợ gần xa, thu xếp cho sắp nhỏ gởi lại nội ngoại ông bà lo ăn học. Rồi lại ra đi, biền biệt mưu sinh nơi đất khách quê người.Họ, những người tứ xứ từ lâu đã như những người thân với xóm làng tôi vùng rốn lũ.

Mỗi khi nhà ai có việc, mỗi dịp nhà ai có người đi xa trở về, họ chân chất sẻ chia như những người láng giềng đến với nhau mỗi khi tắt đèn tối lửa.

Vui câu chuyện họ nói nói cười cười, cố khỏa lấp những nỗi nhọc nhằn trên từng gương mặt. Tôi hiểu, lũ thất dân làng tôi buồn một thì họ lo mười…  Nghèo! nỗi lo toan thường nhật của mỗi cuộc đời trong kiếp nhân sinh.