Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thất nghiệp vì ảo tưởng về bản thân

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối năm, rất nhiều DN muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu khách hàng nhưng lại thiếu nguồn nhân lực. Trong khi đó, số lao động trẻ tuổi thất nghiệp ngày càng tăng do không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng lao động, hoặc do đòi hỏi mức lương quá cao.

Sinh viên đang tìm hiểu các thông tin tuyển dụng tại ngày hội việc làm năm 2018. Ảnh: Thủy Trúc
Tỷ lệ lao động trẻ thất nghiệp cao

Tốt nghiệp đại học (ĐH) chuyên ngành Marketting năm 2017, Nguyễn Thị Hòa (Hải Dương) đã mang hồ sơ đi ứng tuyển nhiều nơi nhưng đến nay vẫn thất nghiệp. Chọn học nghề marketing, Hòa muốn làm việc ở văn phòng với mức lương tháng khởi điểm 8 - 10 triệu đồng, trong khi DN chỉ chấp nhận trả ở mức 4 triệu đồng. Hòa chỉ là một trong số nhiều thanh niên luôn cho rằng, với tấm bằng cử nhân sau 4 năm miệt mài học tập sẽ được làm công việc nhàn hạ, không áp lực, lương cao. Vì ảo tưởng đó, nhiều thanh niên có trình độ chấp nhận ở nhà chơi thay vì đi lao động trực tiếp.
Trung tâm thường xuyên nhận được những phản hồi của các DN về việc nhiều sinh viên có ảo tưởng vị trí nghề nghiệp. Xã hội phát triển và nhìn ra môi trường xung quanh, đôi khi các bạn trẻ nghĩ công việc mình làm phải được trả lương cao, trong khi DN khó đáp ứng được. Trước thực tế này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với nhiều trường ĐH, CĐ tổ chức những ngày hội tuyển dụng tại trường có mời chuyên gia đến tư vấn, định hướng cũng như trả lời thắc mắc của các bạn trên con đường kiếm tìm công việc.

Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành
Đây chính là một trong các lý do dẫn đến cả nước có trên 511.000 thanh niên thất nghiệp. Không những thế, người trẻ không có việc làm luôn chiếm chiếm tỷ lệ cao so với thất nghiệp chung của cả nước. Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH Đào Quang Vinh cho rằng, thanh niên thất nghiệp nhiều trong đó có sinh viên mới tốt nghiệp ĐH là do chưa có kinh nghiệm ứng tuyển và phỏng vấn.

Các DN tuyển dụng chỉ ra nguyên nhân sinh viên thất nghiệp vì không biết mình là ai, đang ở đâu. Bà Trần Thị Hạnh - Phòng Nhân sự Công ty TNHH Truyền thông VIETHOME cho biết: “Có đến gần 100% sinh viên mới ra trường khi đến gặp chúng tôi ứng tuyển đưa ra mức lương rất cao, từ 10 triệu đồng trở lên, vì nghĩ mình quá giỏi. Thực tế, các bạn trải nghiệm chưa nhiều, kỹ năng còn yếu nhưng đòi hỏi công việc không áp lực và được tạo điều kiện học nâng cao. Khi đi học, ai cũng mong muốn có công việc tốt, thu nhập cao nhưng đòi hỏi của các bạn sẽ là xứng đáng nếu đáp ứng được yêu cầu công việc mà DN đưa ra”. Trong khi đó, bà Đỗ Thị Hằng - Giám sát nhân sự hệ thống Siêu thị Lotte Đống Đa cho rằng, do tìm việc dễ dàng nên nhiều bạn trẻ đòi hỏi mức lương quá cao so với khả năng chi trả của DN. Có những vị trí việc làm, DN đưa ra mức lương cơ bản 4 triệu đồng/tháng nhưng có bạn yêu cầu 8 triệu đồng.

Không có doanh nghiệp nào muốn loại người tài

Nhiều DN cho biết sẵn sàng trả lương cao 10 - 15 triệu đồng/tháng cho lao động trẻ mới ứng tuyển nhưng phải có kinh nghiệm, kỹ năng tốt và phải biết xông pha như chiến binh. Trong quá trình làm việc, ngoài trau dồi chuyên môn, lao động trẻ cũng cần phải hoàn thiện các kỹ năng cần thiết cho mình. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết: "Chúng tôi muốn sinh viên ra trường có sự tự tin khi tiếp xúc và trả lời phỏng vấn của DN. Qua đó, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu khuyên các bạn trẻ trước khi đi ứng tuyển cần tìm hiểu thị trường lao động, mức lương sàn chung, quy định tuyển dụng của DN. DN luôn đánh giá rất cao và trả lương hấp dẫn cho NLĐ có kinh nghiệm. Khi vào DN làm việc, chứng minh được năng lực, làm tốt công việc chuyên môn, chủ sử dụng lao động sẽ tăng lương khi ký kết hợp đồng làm việc mới. Bởi lẽ, chẳng DN nào muốn thải loại NLĐ làm việc tốt, như thế rất lãng phí, tốn kém nguồn lực và thời gian đào tạo. Chia sẻ của nhiều người đang làm quản lý DN cho biết, đã từng trải qua những công việc mà hiện nay công nhân dưới quyền đang làm. Vì thế, các bạn trẻ đừng ngại khi có tấm bằng cử nhân, kỹ sư nhưng vẫn phải lao động tay chân. Khi đã trải qua rồi, các bạn sẽ thấy giá trị của lao động trực tiếp cũng như có kinh nghiệm để quản lý và điều hành công việc tốt hơn.