Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi chiến lược thu hút FDI thế hệ mới

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI còn hạn chế đòi hỏi phải có sự thay đổi mang tính chiến lược nhằm thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới chất lượng hơn.

FDI đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN
Năm nay là năm Việt Nam kỷ niệm 30 năm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. FDI đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như: tạo ra phương thức thu hút đầu tư lớn, góp phần quan trọng vào xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI còn hạn chế khi chưa có sự bứt phá so với nguồn vốn khác về số lượng và chất lượng. Điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi mang tính chiến lược nhằm thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới chất lượng hơn.
Tác động lan tỏa còn hạn chế
Ông Nguyễn Nội - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính lũy kế đến cuối tháng 6 năm 2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 331,2 tỷ USD, vốn giải ngân luỹ kế khoảng 180,7 tỷ USD. Tính theo tỷ lệ % GDP hay theo đầu người thì vốn FDI vào Việt Nam vượt Trung Quốc, Ấn Độ và phần lớn vượt các nước ASEAN.
Hiện có 128 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc). Theo lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 189 tỷ USD, chiếm 57,1% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 56,2 tỷ USD (chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện, khí nước với 21,92 tỷ USD (chiếm 6,6% tổng vốn đầu tư).
Mặc dù vậy, tại Việt Nam đến nay vẫn chưa có sự bứt phá trong xu thế thu hút và sử dụng FDI. Tác động lan toả từ khu vực FDI đến khu vực doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Mục tiêu thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn không được như kỳ vọng. Sự liên kết giữa DN FDI với các dự án trong nước, tạo giá trị gia tăng của dòng vốn này còn hạn chế.
Trước đó, một số chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại về việc dường như kết quả thu hút FDI các tháng đầu năm 2018 chưa tương xứng với tốc độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Bởi, mặc dù nhận được sự đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế về kết quả cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, song từ đầu năm đến nay, Việt Nam vẫn còn ít dự án tỷ USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Theo báo cáo các khuyến nghị về Chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020 - 2030 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, FDI đổ vào Việt Nam chủ yếu bắt nguồn từ các yếu tố như chi phí lao động thấp và có cơ chế ưu đãi lớn.
Tuy nhiên thực tế, các nhà đầu tư đã xác định rằng, việc thiếu lao động có kỹ năng là một rào cản đối với tăng trưởng; trong khi việc thiếu các chuỗi cung ứng tích hợp tại các địa phương, khan hiếm các nhà cung ứng trong nước có chất lượng và các chính sách hiệu quả nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương càng làm giảm năng lực cạnh tranh của các công ty.
Cần các giải pháp để thu hút FDI thế hệ mới
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài. Ảnh: mpi.gov.vn
Những vướng mắc, khó khăn trong thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2018 thực tế đã được nhận diện ngay từ các tháng cuối năm 2017. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đang và sắp có những tác động thuận lợi trong thu hút FDI trong năm nay.
Một điều tích cực đáng ghi nhận nữa, tính từ đầu năm đến cuối tháng 6/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Để cải thiện thu hút FDI, GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam phải thay đổi tư duy trong thu hút đầu tư nước ngoài.
“Tôi đề nghị cần thay đổi cơ bản về định hướng đầu tư nước ngoài, đặc biệt cần xúc tiến đầu tư có mục tiêu chứ không phải xúc tiến đầu tư theo kiểu đại trà. Chúng ta cần nâng cao chất lượng đầu tư FDI, gắn kết FDI và DN tư nhân để tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nếu làm được thì tăng trưởng rất nhanh”, GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Chuyên gia cao cấp về chính sách đầu tư và thương mại của Ngân hàng Thế giới Wim Douw cũng cho rằng, thời gian qua nhiều địa phương vẫn còn nặng tư duy về số lượng, “hào phóng một cách lãng phí”, đua nhau đưa ra các ưu đãi để thu hút nhà đầu tư trong khi đó khung chính sách hiện hành chưa đủ để thu hút FDI thế hệ mới.
Do đó, Việt Nam cần có khung chính sách mới; trong đó, phải bám sát mục tiêu thu hút từ ưu đãi thuế “thuần túy lợi nhuận”, sang các chính sách ưu đãi về hành vi như: Ưu tiên các dự án FDI có chất lượng cao hơn.
Cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho rằng, hiện, chưa có cơ chế nào để bảo đảm những định hướng được thực hiện ở chính quyền địa phương cấp tỉnh, trong khi các địa phương chính là các đầu mối chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư. Thực tế, suy cho cùng việc đảm bảo để các dự án được thực thi và chấp thuận thì vai trò của cấp chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng.
Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị Việt Nam phải nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp với nhu cầu của DN trong kỷ nguyên công nghệ số. Việt Nam đang có chiến lược quốc gia hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng môi trường kinh doanh được đánh giá chỉ ở mức 2.0. Yêu cầu bức thiết đặt ra cần phải đẩy mạnh cải cách hơn nữa, để thu hút các nhà đầu tư, tăng cường đối thoại công - tư, bảo vệ nhà đầu tư chân chính để họ tin tưởng làm ăn lâu dài ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và triển khai một kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề; rà soát toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành; mở cửa một số ngành dịch vụ quan trọng để thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng đối với đầu tư nước ngoài...
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần nhân rộng và điển hình hoá các mô hình hoạt động hiệu quả của một số DN FDI, từ đó giúp sự lan tỏa rộng rãi hơn những mặt tích cực.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, thách thức Việt Nam phải đối mặt là rất đặc thù, khi mà dòng vốn FDI đạt mức cao kỷ lục song hiệu ứng lan tỏa và các giá trị gia tăng mà dòng vốn này mang lại còn khá hạn chế.
“Chúng tôi tin rằng, các khuyến nghị được các chuyên gia kinh tế nêu trên sẽ đặt nền tảng cho một cách tiếp cận mới ở cấp quốc gia về FDI và góp phần vào việc đạt được các mục tiêu phát triển của đất nước”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định.