Do tình hình dịch bệnh được kiểm soát, những ngày đầu tháng 3/2020, sau gần một tháng tạm đóng cửa, các di tích và danh lam thắng cảnh của Hà Nội bắt đầu mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng và vui chơi của người dân. Sau rất nhiều lần dịch bệnh rình rập, bùng phát ở một số điểm trên địa bàn Thủ đô, nhiều người đã có ý thức chấp hành quy định 5K của Bộ Y tế: Giãn cách trong di tích, sát khuẩn, đeo khẩu trang… Nhưng điều kỳ lạ cứ tiến đến các ban thờ Tam Bảo, Mẫu, lầu cô lầu cậu… là không ai bảo ai, trong 10 người có 9 người bỏ khẩu trang để cầu khấn. Phải chăng cái quan niệm khấn phải to, khấn rõ thì mới linh đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người? Và, cũng không dễ gì để tự thân mỗi người vượt qua quán tính đã là thói quen như thế.
Nếu không có dịch Covid-19 thì chắc chắn rất nhiều người không chưa thể bỏ thói quen đến ngày lễ cầu an, lễ dâng sao giải hạn là phải đến chùa để cầu xin, thậm chí chen chúc bên lề đường vái vọng. Thế nhưng, khi 2 mùa lễ tháng Giêng phải chịu tình cảnh của dịch bệnh hoành hành, người dân dần chấp nhận hình thức hành lễ online. Và ở bối cảnh đó những nghi thức tâm linh được tổ chức trực tuyến có thể cho thấy rõ tính ưu Việt. Người ta cũng tin rằng, thực hành nghi thức tín ngưỡng trực tuyến không làm giảm tính thiêng.Chính vì vậy, việc đeo khẩu trang khi hành lễ có thể khẳng định không ảnh hưởng đến tính thiêng và niềm tin tín ngưỡng mà chỉ là câu chuyện của thói quen. Nếu chúng ta tới chùa chiền bằng ước vọng sống thanh sạch hơn, bớt đi những phần "tham, sân, si" trong đáy lòng mình chứ không phải đến cửa Phật bằng tâm lý a dua và mong cầu danh lợi, thì càng không ganh đua việc cầu to, cầu rõ nếu vướng chiếc khẩu trang. Giáo lý nhà Phật vẫn dạy, điều quan trọng nhất của con người là sức khỏe, việc hàng chục người không quen nhau, không biết danh tính không đeo khẩu trang đứng cạnh nhau chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến công tác phòng dịch. Nghi lễ nào cũng cần có sự điều chỉnh nếu không mang lại sự tích cực cho cuộc sống xung quanh.