Kể từ khi đại dịch Covid - 19 do chủng coronavirus mới bắt đầu bùng phát từ cuối năm 2019 cho đến những thời gian giãn cách xã hội, và cả nước mới “giải phóng” lệnh ở nhà vào khoảng giữa tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo đã thường xuyên đưa ra các chính sách hỗ trợ tài chính hướng đến sinh viên, DN nhỏ, công nhân, lao động tự do và bây giờ là các công ty lớn, những tập đoàn. Không chỉ có Việt Nam, tất cả chính phủ các nước trên thế giới đều gồng gánh. Phạm vi của những người nhận gói tài chính “mênh mông” cho thấy hậu quả kinh tế của đại dịch là khủng khiếp như thế nào.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Hapro Thanh Xuân. Ảnh: Trần Việt |
Nguyễn Đức H. (Bình Định, 27 tuổi) làm việc trong một cơ quan chuyên về truyền thông. Mỗi tháng, H. phải trả 2,5 triệu đồng thuê nhà, tiền ăn và sinh hoạt mỗi tháng là 4 triệu đồng, gửi về cho bố mẹ 2,5 triệu đồng; trong khi lương của Hùng trước đó là 12 triệu đồng; thỉnh thoảng có dự án thành công, H. lại có thêm một khoảng tiền thưởng. Trước đây, H. khá thoải mái trong việc chi tiêu, nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi từ cuối tháng hai đến nay. Lương của H. bị cắt giảm xuống còn 50%, hơn phân nửa thời gian ở nhà, khách hàng làm dự án lần lượt hủy bỏ nhiều đơn đặt hàng.
“Tiết kiệm tiền là việc đầu tiên tôi nghĩ mỗi ngày. Lương bị cắt giảm vì công ty không có thêm khách hàng do đại dịch. Bây giờ đi mua thứ gì, tôi chỉ đến các siêu thị nhỏ gần nhà, và thậm chí nghĩ đến bảy lần trước khi mua món đồ gì đó. Điều may mắn là tôi không bị sa thải, mất việc như nhiều bạn bè khác” - H. chia sẻ.
H. chỉ là một trong hàng triệu người Việt Nam đang bị cắt giảm chi tiêu do đại dịch. Tại buổi họp báo công bố số liệu tình hình lao động việc làm quý I/2020 vào ngày 24/4, theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động từ đầu năm đang ở mức thấp kỷ lục trong 10 năm, với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên. Tính tới giữa tháng 4, số lao động bị ảnh hưởng với Covid - 19 là gần 5 triệu người. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất với 1,2 triệu lao động; thứ 2 là ngành bán buôn, bán lẻ 1,1 triệu lao động; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống với 740.000 lao động. Trong đó, 59% tạm nghỉ việc, 28% giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, 13% mất việc làm.
Do vậy, cứ trong 4 người lao động Việt Nam sẽ có 3 người sẽ bị ảnh hưởng từ vừa đến nghiêm trọng đến khả năng tài chính. Tiết kiệm chi tiêu như thế nào?
Một kế hoạch tiết kiệm khó thực hiện?
Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia được xem dẫn đầu trong xu hướng gửi tiền tiết kiệm, theo “Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng quý IV/2019” của tổ chức nghiên cứu thị trường Nielsen. Theo đó, 73% số người tiêu dùng Việt Nam tham gia khảo sát có ý định sử dụng tiền nhàn rỗi cho mục đích tiết kiệm, tăng 4% so với quý trước; cao hơn nhiều so với hai quốc gia xếp sau là Trung Quốc (67%), Ấn Độ (64%). Theo các chuyên gia tài chính, mức tiền tiết kiệm tối thiểu từ 10 - 20% thu nhập.
Chúng ta đều phải dành khoảng 50% thu nhập hàng tháng cho các khoản chi tiêu cố định là những chi phí bắt buộc phải trả để có thể sống và làm việc: trả tiền nhà; thanh toán hóa đơn điện - nước; ăn uống, đổ xăng, xe hư, con cái tới trường... và các nhu yếu phẩm cần thiết khác. Khoảng 30% thu nhập khác được dùng để chi tiêu cho các khoản phát sinh tùy ý, thỏa mãn nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống. Còn lại là cho tiết kiệm, dùng trong các sự cố như tai nạn hay bệnh tật và cho tương lai (mua nhà, kết hôn…).
Như H., với mức lương 12 triệu đồng/tháng, anh có thể tiết kiệm mỗi tháng 10%, và sẽ lên kế hoạch tiết kiệm từ năm 25 tuổi, trong cuốn sổ tiết kiệm của anh sẽ có khoảng 30 triệu đồng sau 2 năm đi làm. Đó là thanh niên còn độc thân, nếu bạn đã có gia đình, trong nhà có người cao tuổi cần chăm sóc, số tiền tiết kiệm có thể khó thực hiện được.
Huống chi, tại Việt Nam, phần lớn người lao động đều hưởng mức lương cơ bản, nhiều lao động tự do thu nhập thấp. Theo mức thu nhập tối thiểu vùng (mức thu nhập thấp nhất đủ để người lao động chi trả những chi phí cơ bản nhất để sống, làm việc) dao động từ 2,76 - 3,98 triệu đồng/tháng tùy từng vùng.
Tương đương mức chi tiêu tối thiểu của một người lao động Việt Nam hiện nay được các cơ quan tính toán vào khoảng 33 - 48 triệu đồng/người/năm. Và để có khoản thu nhập thụ động tương đương mức chi tiêu tối thiểu, mỗi người sẽ cần một khoản tiết kiệm với lãi suất 7%/năm ở mức 470 - 686 triệu đồng tùy từng vùng sinh sống. Đây là một khoản tiền lớn đối với nhiều gia đình lao động bình thường tại Việt Nam.
Tiết kiệm chi tiêu… trong mức thu nhập thấp
Chị Nguyễn Thị B. P. (37 tuổi, Tân Bình) cho biết, trước đây mỗi khi đi siêu thị, chị hay mua nhiều thực phẩm. Nhiều lúc, thu dọn tủ lạnh, chị phải vứt bỏ rất nhiều rau xanh bị úng, trái cà bị hư hay miếng bánh ngọt ăn dở.
“Nhiều cuối tuần trước đây, tôi hay đưa con cái đi ăn ở nhà hàng. Gọi nhiều món với suy nghĩ ăn không hết mang về, cất trong tủ lạnh. Nhưng có lúc, bận rộn công việc, tiếp khách, ra ngoài… những món ăn ấy thường ít nhiều sẽ yên vị trong bao rác. Bây giờ, mỗi khi đi siêu thị, tôi lên danh sách những thứ cần mua, và chỉ mua cho chừng 2 - 3 ngày. Đưa con đi ăn, tôi cũng không giới hạn con, nhưng mỗi lần gọi 1, 2 món, con ăn hết và còn bụng, lại gọi thêm. Tính ra, những khoản chi tiêu nho nhỏ ấy cuối tháng tổng kết lại, tôi cũng đã để dành kha khá cho mình, 1 - 2 triệu đồng” - chị B. P. chia sẻ.
Nhưng ngay cả những người không thấy thu nhập của họ giảm cũng có một tương lai bất an, nhiều dịch bệnh mới lạ xuất hiện, đã rất cảnh giác với việc chi tiêu. Nhiều món đồ mỹ phẩm đắt giá không còn nằm trong danh sách ưu tiên của Trần Lệ Q (30 tuổi, Gò Vấp). Cô là nhân viên của công ty nước ngoài, với mức thu nhập dù có bị cắt giảm, nhưng vẫn còn khá dễ chịu so với nhiều người khác. Nhưng hiện cô chịu khó dùng các sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước, rẻ tiền hơn. Cô không còn dành tiền mua đôi giày xịn xò nữa, và mua cà phê mang đi thay vì ngồi uống cà phê ăn sáng trong một quán cà phê sang trọng nào đó ở quận 1.
Ai biết liệu không còn có một làn sóng bệnh truyền nhiễm mới nào trong tương lai? Chúng ta đang sống với đại dịch và toàn cầu hóa, nên sự lây lan và ảnh hưởng sẽ rất trầm trọng và nhanh chóng, vì vậy chúng ta không ngạc nhiên nếu một lúc nào đó bị cho nghỉ việc vì công ty đóng cửa.
Covid-19 đã khiến vấn đề tài chính trở nên tồi tệ hơn và phải mất ít nhất một năm trước khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục. Nhưng việc siết chặt chi tiêu quá sẽ ảnh hưởng đến việc phục hồi nền kinh tế. Có phải chúng ta sẽ giống như những đứa trẻ quay lại trường sau thời gian nghỉ dài, các nhà hàng, quán bar mở cửa trở lại và đóng chặt ví? Việc chúng ta cần làm - sử dụng đồng tiền cẩn thận và thận trọng hơn, thay vì thắt chặt chi tiêu quá đáng. Có như vậy, chúng ta sẽ giúp kinh tế đất nước phục hồi nhanh chóng.
Trong kỳ nghỉ cuối tuần, chúng ta sẽ không lên kế hoạch đi du lịch nước ngoài, mà có thể chỉ cho cả gia đình lên Đà Lạt hay Phan Thiết, không ở resort năm sao, mà chỉ book một homestay sạch sẽ, gần biển. Bạn có thể tiết kiệm được hàng triệu đồng rồi đó. Hoặc bạn vẫn có thể trả tiền để mua phin cà phê và cà phê bột để pha cà phê mang theo, thay vì lại tốn chừng 20.000 đồng/ngày để mua cà phê mang đi.
Thắt chặt chi tiêu nhưng phải đúng cách, hợp lý vừa an toàn cho gia đình, vừa phải giúp nền kinh tế phục hồi là việc làm cần thiết của mỗi người hiện nay.
Việc chúng ta cần làm - sử dụng đồng tiền cẩn thận và thận trọng hơn, thay vì thắt chặt chi tiêu quá đáng. Có như vậy, chúng ta sẽ giúp kinh tế đất nước phục hồi nhanh chóng. Trong kỳ nghỉ cuối tuần, chúng ta sẽ không lên kế hoạch đi du lịch nước ngoài, mà có thể chỉ cho cả gia đình lên Đà Lạt hay Phan Thiết, không ở resort năm sao, mà chỉ book một homestay sạch sẽ, gần biển. Bạn có thể tiết kiệm được hàng triệu đồng rồi đó. |