Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thầy giáo dạy Toán kiêm chuyên gia tâm lý

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Là thầy cô giáo, phải gần gũi với học sinh (HS), nắm bắt tâm tư, tình cảm của HS để kịp thời an ủi, động viên, khích lệ các em” – thầy giáo bộ môn Toán, trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) Phạm Thế Mạnh chia sẻ.

 Học sinh chúc mừng sinh nhật thầy Phạm Thế Mạnh.
Người thầy - người cha

Tốt nghiệp Khoa Toán –Tin của trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2009, thầy Phạm Thế Mạnh công tác tại trường THPT Yên Hòa đến nay đã được gần 10 năm. Trong mắt học trò nơi đây, thầy Phạm Thế Mạnh là một người đặc biệt, ngoài tiếng "thầy" thân thương, học sinh còn gọi thầy Mạnh là "bố". Học trò Nguyễn Thu Trang (THPT Yên Hòa, Cầu Giấy) chia sẻ: “Chính sự gần gũi của thầy đã khiến chúng em dễ dàng chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống. Mọi khúc mắc của chúng em luôn được thầy sẵn sàng giải đáp, khuyên nhủ kịp thời”.

Gần 10 năm đi dạy, thầy Phạm Thế Mạnh luôn tâm niệm, việc gần gũi với HS sẽ thu hẹp khoảng cách giữa thầy và trò. Thực tế, có rất nhiều HS lo lắng, sợ hãi khi phải đối diện, nói chuyện với thầy cô giáo nên giảm đi rất nhiều hiệu quả trong giáo dục. Riêng học trò của thầy Mạnh không chịu áp lực đó. “Trong lớp của mình, HS có thể tương tác, liên lạc bằng nhiều hình thức, trong đó có mạng xã hội như: Facebook, Zalo hay trực tiếp trên lớp. Đặc biệt văn phòng Đoàn trường luôn luôn chào đón các bạn HS. Ngoài ra, khi đã lên lớp, giáo viên cần bỏ lại những chuyện cá nhân cũng như những cảm xúc riêng và chỉ chú tâm vào lớp học, điều này sẽ tạo sự gần gũi, thân thiện với học HS” – thầy Mạnh nói.

Chuyên gia tâm lý của học sinh

Với HS tại trường THPT Yên Hòa, thầy Phạm Thế Mạnh không chỉ là một giáo viên dạy Toán đơn thuần mà còn là một chuyên gia tư vấn tâm lý, giải đáp mọi thắc mắc cho học trò. Chia sẻ về điều này, thầy Mạnh cho biết, chỉ cần học trò mở lòng, thầy sẽ tùy cơ ứng biến theo khả năng của riêng mình, làm sao giúp học trò gỡ rối được những ấm ức, bế tắc trong lòng. Thầy Mạnh tâm sự: “Với tôi điều quan trọng nhất không phải là giấy khen hay thành tích mà là dấu ấn trong trái tim các thế hệ học trò. Nhưng cũng đừng gọi tôi là chuyên gia tâm lý, tôi chỉ đang cố gắng để gần gũi, hiểu và chia sẻ với các em nhiều hơn”.

Theo thầy Mạnh, HS hiện nay đang gặp phải nhiều vấn đề về tâm lý, nếu thầy cô và gia đình không gần gũi, sâu sát để sẻ chia, an ủi, động viên và cùng các em giải quyết thì e rằng sẽ có nhiều tiêu cực xảy ra. Đặc biệt, có tình trạng phụ huynh gây sức ép học hành cho con cái, khi con không đạt được kết quả như kỳ vọng thì hắt hủi, so sánh con mình với "con nhà người ta". Điều này khiến nhiều em HS rơi vào trạng thái căng thẳng, bế tắc. Đã có em gần như tuyệt vọng, có ý định bỏ học, thậm chí không ít học trò có ý định tự tử chỉ vì kết quả không được như mong đợi của bố mẹ, thầy cô.

“Con đường ngắn nhất dẫn đến sự thành công là hãy tạo cho HS động lực để các em phấn đấu. Tôi không muốn để HS cảm thấy quá áp lực trong học tập, vì vậy trong giờ học Toán, tôi luôn cố gắng kết hợp theo nhóm, theo chủ đề để tạo sự thích thú, quan trọng hơn là tạo động lực cho HS” - thầy Mạnh chia sẻ.

Với những đóng góp trong thời gian qua, thầy Phạm Thế Mạnh là một trong số những giáo viên được tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu của ngành GD&ĐT Hà Nội năm 2018.