Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay thầy hay thay cả hệ thống?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đang có sự hỉ hả của một bộ phận dư luận khi VFF quyết định chấm dứt hợp đồng với ông Miura.

Thậm chí, có người còn nói, lẽ ra VFF phải dũng cảm thay thế nhà cầm quân người Nhật sớm hơn thì tình hình đã khác.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (trái) và phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (trái) và phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn
Quân thua thì chém tướng. Trong trường hợp này, không thể nói ĐT Việt Nam dưới thời HLV Miura là thất bại. Ông đều hoàn thành chỉ tiêu về chuyên môn mà VFF đưa ra. Cái mà người ta dựa vào để chấm dứt hợp đồng với nhà cầm quân này là lối chơi của ĐT không định hình được bản sắc. Ông Miura thích lối đá dài mạnh mẽ nhưng người Việt Nam lại ưa màn trình diễn kỹ thuật.

Thay ông Miura, VFF không quá khó để tìm một HLV mới bởi sức hút từ ĐTQG là vô cùng lớn. Nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là bóng đá Việt Nam cần thay HLV hay phải thay cả một hệ thống? Hơn 20 năm, bóng đá Việt Nam dùng khoảng 20 HLV trưởng nhưng chưa bao giờ hoàn thành được tham vọng. Người ta cứ chuyển từ HLV nội qua HLV ngoại mà vẫn không thể trả lời được câu hỏi bao giờ vượt được Thái Lan.

Có một thực tế là bóng đá Việt Nam không đủ tiền để chi cho những HLV tên tuổi. Mức lương cao nhất mà VFF có thể trả là không vượt quá 20.000 USD/tháng. Thế nhưng, những nhà cầm quân danh tiếng lại không chịu nhận mức lương còm như vậy. Trước khi ông Miura đến Việt Nam, VFF đã nhận được bản danh sách của một loạt HLV tên tuổi. Nhưng khi đọc đến yêu cầu về tài chính của họ, các nhà lãnh đạo của bóng đá Việt Nam vội vã lắc đầu. Thậm chí, ông Miura sẽ không đến Việt Nam nếu Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản không hỗ trợ một phần thu nhập.

Bóng đá Việt Nam không có tiền để thuê thầy thật sự giỏi. Đó là sự thật mà không nhiều người dám thừa nhận. Nhưng, ngay cả khi có một nhà tài trợ nào đủ hào phóng để đưa một nhà cầm quân tên tuổi đến Việt Nam thì họ cũng khó có thể thành công với một nền tảng như hiện tại. Và, nhiều chuyên gia cho rằng, đó mới chính là bài toán của bóng đá Việt Nam.

Hãy nhìn vào VCK U23 châu Á để thấy rõ hơn vấn đề của nền bóng đá. Chúng ta thua đối thủ toàn diện. Từ thể hình, thể lực đến những tố chất kỹ thuật. Khi cần, các cầu thủ Tây Á có thể chơi bóng lả lướt kiểu Messi, nhưng ngay sau đó, họ lại đá kiểu tổng lực, sẵn sàng va đập để phá vỡ thế trận của U23 Việt Nam. Trong khi đó, U23 Việt Nam không những không thể hiện được sự khéo léo mà còn thể hiện kỹ năng chơi bóng kém. Hàng công không biết ghi bàn. Hàng thủ mắc quá nhiều lỗi. Các tiền vệ tổ chức thì không biết dẫn dắt lối chơi khi đối phương chơi áp sát. Nhiều HLV cho rằng, khi ra đấu trường lớn, lỗ hổng về đào tạo của bóng đá Việt Nam hiện rõ hơn bao giờ hết.

Vậy nên, có thay một ông Miura hay 10 ông Miura thì bóng đá Việt Nam cũng chẳng thể hoàn thành được sứ mệnh mà người hâm mộ giao phó. Vấn đề của nền bóng đá không phải là ai ngồi ghế HLV mà chính là việc, bản thân nền bóng đá có đủ nội lực để cung cấp cho ĐTQG những cầu thủ thật sự chất lượng. Một nền bóng đá chỉ biết trông chờ vào một lứa cầu thủ được đào tạo kiểu "gà nòi" thì sớm muộn cũng phá sản tham vọng. Nó cũng giống như việc xây ngôi nhà muốn cao thì móng phải rộng vững.