Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới có 45 triệu "nô lệ thời hiện đại"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 45 triệu nam giới, phụ nữ và trẻ em trên toàn cầu đã trở thành nạn nhân của tình trạng nô lệ hiện đại, với 2/3 trong số này nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một nghiên cứu công bố hôm nay (31/5) cho biết.

Các ngư dân bị bóc lột lao động được cứu thoát tại Indonesia.
Các ngư dân bị bóc lột lao động được cứu thoát tại Indonesia.
Các con số trên được đưa ra bởi báo cáo Chỉ số nô lệ toàn cầu (Slavery Global Index) thuộc tổ chức Walk Free Foundation được thành lập từ năm 2012 bởi ông trùm khai thác mỏ Australia và nhà từ thiện Andrew Forrest. Các số liệu được thống kê từ từ 167 quốc gia với 42.000 cuộc phỏng vấn bằng 53 ngôn ngữ.

Theo nghiên cứu này, khái niệm “nô lệ hiện đại” đề cập đến việc không thể thoát khỏi tình trạng bị bóc lột sức lao động vì các nguyên nhân đe dọa, bạo lực, ép buộc, lạm dụng quyền lực hay lừa dối. Những người lâm vào tình trạng nô lệ hiện đại có thể bị ép buộc làm việc trái ý muốn trên tàu đánh cá hoặc trong các nhà thổ.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, số lượng nô lệ đã tăng 28% so với khoảng 2 năm trước đây. Đồng thời cho biết, Ấn Độ là quốc gia có số lượng người dân mắc vào tình trạng nô lệ cao nhất với hơn 18 triệu người.

Có 124 quốc gia đã hình sự hóa tội buôn bán người phù hợp với Nghị định thư của Liên Hợp quốc và 96 nước đã xây dựng kế hoạch hành động quốc gia. Tuy nhiên, ông Forrest nói cần phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn.

Hiện các nước châu Á đứng đầu về số lượng người bị mắc kẹt trong tình trạng nô lệ. Sau Ấn Độ là Trung Quốc (3,4 triệu  người ), Pakistan (2,13 triệu người), Bangladesh (1,53 triệu).

Cũng theo báo cáo, chính phủ Mỹ, Australia và một loạt các quốc gia châu Âu như Anh, Bồ Đào Nha và Na Uy là các quốc gia đi đầu trong việc xóa bỏ tình trạng nô lệ, trong khi Iran, Trung Quốc là những nước có ít hành động nhất.