Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới có hơn 22,2 triệu ca mắc Covid-19, WHO kêu gọi chấm dứt 'chủ nghĩa dân tộc vaccine'

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã tăng lên hơn 22 triệu người, trong khi đó WHO kêu gọi chấm dứt 'chủ nghĩa dân tộc vaccine'.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 19/8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 22.271.486 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 782.830 người thiệt mạng.
Các nước cũng ghi nhận 15.023.033 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 62.269  và 6.465.623 ca đang điều trị tích cực.
WHO kêu gọi chấm dứt "chủ nghĩa dân tộc vaccine"
Lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tình trạng các nước đặt lợi ích riêng lên trên hết trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine Covid-19 khiến đại dịch tồi tệ hơn.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi chấm dứt chủ nghĩa dân tộc vaccine ngừa Covid-19.
"Việc chia sẻ nguồn cung ứng hữu hạn một cách có chiến lược trên phạm vi toàn cầu thực sự là vì lợi ích của mỗi quốc gia. Không ai được an toàn cho đến khi tất cả an toàn", Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 18/8, đồng thời kêu gọi chấm dứt "chủ nghĩa dân tộc vaccine".
Ông Tedros cho biết dịch Covid-19 đặt ra một trong thử thách hậu cần khó khăn nhất đối với WHO, khi nhu cầu về nguồn cung vật tư y tế tăng lên nhanh chóng khắp toàn cầu.
Theo Giám đốc Tedros, dù các lãnh đạo các nước trên thế giới mong muốn bảo vệ người dân của họ, đại dịch Covid-19 cần tới phản ứng tập thể. "Khi những phương pháp chẩn đoán, thuốc và vaccine mới giúp chống lại đại dịch được triển khai, điều quan trọng là các quốc gia không được lặp lại sai lầm. Chúng ta cần tránh chủ nghĩa dân tộc vaccine", ông Tedros nói.
Giám đốc WHO cho biết ông đã gửi thư tới tất cả thành viên của WHO, đề nghị họ tham gia nỗ lực đa phương nhằm phát triển vaccine Covid-19 có tên COVAX. "Đây là cơ chế quan trọng trong việc cùng chia sẻ nguồn cung và rủi ro đối với nhiều loại vaccine", ông Tedros lý giải.
Bình luận của WHO được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia đang chạy đua phát triển vaccine phòng chống Covid-19, loại vaccine mà hàng tỷ người đang có nhu cầu sử dụng. Nga hôm 11/8 phê duyệt một loại vaccine do nước này phát triển có tên "Sputnik V", dù chưa tiến hành thử nghiệm Giai đoạn ba, và cho biết nhiều quốc gia đã đặt hàng.
Trung Quốc cũng vừa cấp bằng sáng chế vaccine Covid-19 đầu tiên cho công ty dược phẩm sinh học CanSino, với loại vaccine tên Ad5-nCoV. Theo tài liệu từ Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc, vaccine này có thể được sản xuất đại trà trong thời gian ngắn nếu dịch bùng phát.
Đức loại trừ việc nới lỏng, Pháp siết chặt khẩu trang
Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo có thể không nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19 khi nước này đang phải đối phó với sự gia tăng số ca nhiễm, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng bệnh.
Đức loại trừ khả năng nới lỏng biện pháp hạn chế ngăn dịch Covid-19.
Phát biểu với báo giới tại Duesseldorf ngày 18/8, Thủ tướng Merkel nêu rõ số ca nhiễm trên khắp nước Đức đã tăng gấp đôi trong 3 tuần qua và cần phải ngăn chặn ngay lập tức xu hướng đáng lo ngại này.
Thủ tướngMerkel nhắc nhở người dân cần đeo khẩu trang và tuân thủ các hướng dẫn về quy định cách ly. Nữ chính khách này nhấn mạnh: "Tại thời điểm này, tôi cho rằng không nên nới lỏng các biện pháp chống dịch. Các quy định cần được thực thi quyết liệt".
Cùng ngày, Chính phủ Pháp cho biết nước này sẽ bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi làm việc khi người dân chuẩn bị trở lại công sở.
Bộ trưởng Lao động Elisabeth Borne cho biết theo khuyến cáo của hội đồng y tế cộng đồng, khi người dân sẽ trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Hè tháng 8 này, đeo khẩu trang sẽ trở thành việc bắt buộc tại các nơi làm việc kín, như các phòng họp, phòng có vách ngăn, hành lang kín...
Gần đây, giới khoa học nhất trí rằng dịch Covid-19 lây truyền không chỉ qua những giọt bắn lớn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, mà cả qua những giọt nhỏ hơn vốn có thể lơ lửng trong không khí khi người bệnh thở ra.
Trước đó, Pháp đã áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và ở các phòng kín như cửa hiệu và văn phòng của chính phủ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia kêu gọi chính phủ đưa ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả các không gian, từ nơi làm việc đến phòng học, các khu chợ thực phẩm, các con phố đông người và các điểm du lịch, đồng thời khuyến khích làm việc từ xa./.