Trong một nghiên cứu vừa công bố tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động các nước G20 tại Australia, WB cho biết thế giới cần tạo thêm 600 triệu việc làm nữa cho đến năm 2030 để đối phó với tình trạng dân số tăng.
"Thế giới đang có một cuộc khủng hoảng việc làm. Một vấn đề khác nghiêm trọng không kém là bất bình đẳng thu nhập cũng đang gia tăng trong nhóm nước G20, bất chấp nỗ lực tại một số nước mới nổi, như Brazil hay Nam Phi", Nigel Twose - Giám đốc cấp cao phụ trách việc làm tại WB nhận xét.
Ông cho biết các nước mới nổi làm tốt hơn G20 trong việc tạo việc làm, nhất là Trung Quốc và Brazil. Tuy nhiên, triển vọng chung vẫn rất ảm đạm.
Báo cáo này được WB thực hiện cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Theo đó, hơn 100 triệu người tại G20 đang thất nghiệp và 447 triệu người khác được coi là "lao động trong nghèo khổ" với mức sống dưới 2 USD một ngày.
Báo cáo cũng cho biết thị trường lao động yếu kém đang kéo tụt tiêu dùng và đầu tư, theo AFP. Tăng trưởng kinh tế chậm kéo dài cũng đang gây áp lực lên triển vọng việc làm.
"Chẳng có viên đạn bạc nào để giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm này, cả ở các nước mới nổi và phát triển. Chúng ta cần tạo thêm 600 triệu việc làm trên toàn cầu, cho đến năm 2030 để đối phó với dân số gia tăng. Việc này cần sự phối hợp của tất cả các cơ quan Chính phủ và dĩ nhiên là cả khu vực kinh tế tư nhân", Twose kết luận.
Thế giới cần tạo thêm 600 triệu việc làm cho đến năm 2030. Ảnh: Reuters
|