Kinhtedothi - Năm 2015 chứng kiến nhiều vấn đề phát sinh làm bộc lộ các mâu thuẫn nội tại, bất đồng trong các liên minh kinh tế - chính trị, chủ nghĩa khủng bố đe dọa nhiều quốc gia trên thế giới... Tuy nhiên, bên cạnh đó, 2015 cũng là năm đậm dấu ấn của xu hướng đối thoại, hợp tác giữa các quốc gia.
Biển Đông “dậy sóng”
Năm 2015, chính quyền Trung Quốc tăng cường các hoạt động xây dựng phi pháp, ngang nhiên xây dựng trái phép đường băng và hải đăng tại các bãi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và các đá của một số nước khác tại Biển Đông. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành vi xây dựng phi pháp này của Trung Quốc. Cùng với phản ứng của Việt Nam, lãnh đạo các quốc gia trong khu vực như Phillipines, Indonesia cũng lên tiếng phản đối hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Cuối năm nay, Chính phủ Mỹ điều một tàu khu trục tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp trái phép và cử máy bay chiến đấu B-52 tuần tra tại các đảo này nhằm thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không.
Các nhà lãnh đạo thế giới tuần hành tưởng niệm nạn nhân vụ tấn công tại Tạp chí Charlie Hebdo.
|
Khủng bố giữa lòng châu Âu
Ngày 13/11, một loạt vụ tấn công khủng bố do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện đã nhằm thẳng vào Thủ đô Paris của nước Pháp. Liên tiếp 5 địa điểm bao gồm Nhà hát Bataclan, Sân vận động Stade de France cùng 3 quán café khác bị tấn công khiến 130 người thiệt mạng. Không chỉ là vụ tấn công đẫm máu nhất nước Pháp kể từ Thế chiến II đến nay, vụ việc còn cho thấy, các phần tử khủng bố đã hiện diện ngay trong lòng châu Âu và sẵn sàng thực hiện các âm mưu tấn công vào bất cứ thời gian nào, địa điểm nào.
Đây là lần thứ 2, Paris trở thành đích ngắm của chủ nghĩa khủng bố. Trước đó, vào đầu năm nay, tòa soạn báo châm biếm Charlie Hebdo cũng bị khủng bố tấn công, khiến 12 người thiệt mạng và hơn 10 người khác bị thương.
EU chia rẽ vì khủng hoảng di cư
Ước tính, số người di cư đến châu Âu trong năm nay đã vượt qua con số 1 triệu người. Vấn đề này đã gây chia rẽ và những bất đồng lớn trong các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Nước Đức của Thủ tướng Merkel chủ trương mở cửa với người di cư và nói rằng, đây là thể hiện giá trị nhân đạo của châu Âu. Tuy nhiên, một số nước như Hungary, Slovenia... lại phản đối gay gắt. Thậm chí, Chính phủ Hungary còn xây dựng hàng rào dây thép gai dọc biên giới để ngăn những người di cư qua biên giới nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga
Vụ việc xảy ra vào ngày 24/11 khi Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc máy bay chiến đấu Nga đã vi phạm không phận nước này và bắn hạ chiếc Su-24. Tổng thống Nga Putin đã bác bỏ các cáo buộc, lên án hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là hành vi “đâm sau lưng” và thực hiện các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ như hủy dự án đường ống dẫn dầu, dừng các đường bay giữa 2 nước và hạn chế hàng nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, lãnh đạo 2 nước cuốn vào những cuộc “đấu khẩu” vô tận khi giới chức quân đội Nga cáo buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kiếm lợi từ việc buôn dầu lậu với IS, còn người đứng đầu chính quyền Ankara cho rằng đó là hành vi “vu khống”.
Xu thế đối địch trở thành đối tác
Sau 13 năm đàm phán căng thẳng, ngày 14/7, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã đạt được thỏa thuận lịch sử, theo đó, Iran hạn chế chương trình hạt nhân, đổi lại các nước sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Cũng đặc biệt không kém là quan hệ đối đầu giữa Mỹ - Cuba đã được hóa giải sau hơn 1/4 thế kỷ. Việc Mỹ và Cuba chuyển từ đối địch thành đối tác làm cho chiến tranh lạnh thật sự kết thúc hoàn toàn ở phía Tây bán cầu. Các động thái này một lần nữa khẳng định đối thoại và hợp tác có thể xua tan mọi căng thẳng, phá thế đối đầu trong các mối quan hệ quốc tế.
Xu thế hợp tác còn được thể hiện trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Quân đội Chính phủ Iraq tuyên bố, đã chiếm lại quyền kiểm soát tòa nhà hành chính của TP phía Tây đất nước này. Kết quả này là sự hợp tác giữa lực lượng quân đội Chính phủ Iraq, liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu và cộng đồng người Sunni, cho thấy mô hình chống khủng bố “ chuẩn” bao giờ cũng cần sự thống nhất và hợp tác toàn diện giữa các lực lượng trong và ngoài quốc gia.