Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới “run rẩy” vì virus Zika

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ước tính sẽ có khoảng từ 3 - 4 triệu người châu Mỹ có khả năng nhiễm Zika - loại virus lây truyền qua muỗi và để lại dị tật ở trẻ sơ sinh.

Nhiều quốc gia đang “rục rịch” chuẩn bị công tác đề phòng loại virus nguy hiểm này, trong đó có Việt Nam.
Các nhân viên y tế tiến hành khử trùng chống muỗi tại Thủ đô Rio de Janeiro, Brazil.
Các nhân viên y tế tiến hành khử trùng chống muỗi tại Thủ đô Rio de Janeiro, Brazil.
Cho đến nay đã có 23 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có virus Zika. Phát biểu trong cuộc họp ngày 28/1 tại Geneva (Thụy Sĩ), Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Chan đã cảnh báo nguy cơ lan rộng của virus Zika. Để đối phó với dịch, WHO sẽ triệu tập cuộc họp khẩn vào ngày 1/2 tới, nhằm xem xét ban bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế.

Sau cảnh báo của WHO, nhiều nước Mỹ Latinh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp mạnh để đối phó dịch. Dù chưa phát hiện trường hợp nhiễm Zika, Tổng thống Peru Ollanta Humala ngày 29/1 đã tuyên bố đặt tình trạng cảnh giác cao trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh này. Cùng ngày, giới chức Chile đã ban hành hàng loạt biện pháp đối phó nhằm ngăn chặn virus Zika. Đồng thời, ở Venezuela, chính phủ và người dân cũng đang chạy nước rút để kiểm soát dịch bệnh.

10 năm để có vaccine

Với phương thức lây lan qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti, bệnh dịch nguy hiểm này đã lan nhanh ở Nam Mỹ, Trung Mỹ, khu vực Caribean và có thể nhanh chóng xâm nhập Mỹ. Bên cạnh hơn 20 quốc gia Mỹ Latinh, châu Âu cũng đã bắt đầu xuất hiện các ca lây nhiễm Zika. Tính tới nay, đã có 6 nước châu Âu bao gồm Anh, Italia, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch và Thụy Sĩ ghi nhận các trường hợp bệnh nhân nhiễm virus Zika sau khi đi du lịch Nam Mỹ.

Hai nhà khoa học Mỹ Daniel R.Lucey và Lawrence O.Gostin khẳng định, trong vòng 2 năm tới có thể sản xuất vaccine thử nghiệm phòng chống Zika nhưng cần khoảng một thập niên để áp dụng đại trà. Virus này rất nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai với nghi ngờ gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và tiềm ẩn khả năng làm tổn thương não nghiêm trọng. Do đó, trong khi chưa có vaccine để đối phó thì giải pháp được ưu tiên lúc này là bảo vệ người dân cũng như giảm số lượng muỗi. Cảnh báo trên càng có cơ sở khi một số nhà khoa học Brazil nhận định, Zika có thể lây truyền từ muỗi thông thường, thay vì giới hạn ở muỗi Aedes của vùng nhiệt đới, từ đó gia tăng đáng kể nguy cơ lây lan khắp thế giới.

Nguy cơ với Việt Nam

Tại Việt Nam, ngày 27/1, đại diện Bộ Y tế cho biết, loài muỗi Aedes aegypti truyền virus Zika chính là muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam. Ông Trương Đình Bắc – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh Zika có các biểu hiện tương tự như sốt xuất huyết, tuy nhiên các triệu chứng cấp tính như xuất huyết, sốc, trụy tim mạch không nặng bằng sốt xuất huyết, do đó các ca tử vong không nhiều. Đến nay, tuy chưa có báo cáo ghi nhận sự lưu hành của virus này tại Việt Nam, nhưng nguy cơ xâm nhập là hoàn toàn có thể.

Theo TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có chỉ đạo các ban, ngành liên quan giám sát và xét nghiệm xác định sự lưu hành của virus Zika tại Việt Nam. Tuy nhiên, để chủ động phòng bệnh, Bộ khuyến cáo người dân nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.