Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới “tăng nhiệt” vì Bình Nhưỡng thử bom

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/1, thông tin về vụ thử tên lửa phóng từ tàu ngầm và bom nhiệt hạch (bom H) của CHDCND Triều Tiên cùng được tung ra và đã gây rúng động toàn cầu.

Ngày 6/1, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn từ một quan chức Chính phủ CHDCND Triều Tiên giấu tên cho biết, Bình Nhưỡng dường như đã tiến hành một cuộc thử nghiệm phóng một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) vào cuối năm ngoái, sau một lần thất bại vào tháng 11. Trong khi thông tin này vẫn còn ở diện nghi vấn thì cùng ngày, chính Triều Tiên đã tuyên bố thực hiện thành công vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên vào lúc 10 giờ sáng. Lý do Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch là để tự vệ trước Mỹ và đây là "quyền hợp pháp" của nước này.
Thị trường chứng khoán châu Á đã có phiên giảm điểm mạnh sau khi Triều Tiên công bố thử thành công bom nhiệt hạch.
Thị trường chứng khoán châu Á đã có phiên giảm điểm mạnh sau khi Triều Tiên công bố thử thành công bom nhiệt hạch.
Mặc dù trước đây, các nước vẫn luôn hoài nghi trước các thông tin “mập mờ” về sức mạnh hạt nhân của Bình Nhưỡng nhưng lần này, các chuyên gia nhận định, Triều Tiên thể hiện rõ ý định nghiêm túc trong việc phát triển loại vũ khí này. Hình ảnh từ vệ tinh tại một xưởng đóng tàu hải quân ở khu bờ biển phía Đông của TP Sinpo, CHDCND Triều Tiên cho thấy các tàu ngầm được sử dụng trong vụ thử tên lửa vẫn còn khả năng hoạt động và có thể sẽ triển khai các cuộc thử nghiệm mới. Những hình ảnh từ ngày 23/12 năm ngoái cũng cho thấy cơ sở mà Triều Tiên đang xây dựng có thể phục vụ việc xây dựng các tàu ngầm lớn hơn.

"CHDCND Triều Tiên rất nghiêm túc về phát triển một tên lửa đạn đạo phóng từ biển, đặt ra một mối đe dọa mới cho các nước trong khu vực" - cựu uan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Joel Wit nhìn nhận.

Ngay sau đó, nhiều nước trên thế giới đã đồng loạt lên án hành động này của CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye yêu cầu quân đội tăng cường phối hợp quân sự với Mỹ, gọi vụ thử tên lửa là hành động khiêu khích, đe dọa cuộc sống và tương lai của người dân. Tổng thống Nhật Bản Shinzo Abe cũng tuyên bố không thể chấp nhận hành động này. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond thì cho rằng vụ thử tên lửa đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Còn Nhà trắng, mặc dù hiện cho biết chưa thể xác thực thông tin mà Triều Tiên tuyên bố, nhưng khẳng định, nước này sẽ đáp trả tương xứng với các hành vi khiêu khích, và bảo vệ đồng minh của mình. Bên cạnh đó, động thái thử tên lửa của Triều Tiên nhiều khả năng sẽ dẫn đến một biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với nước này tại Liên Hợp quốc.

Không chỉ vậy, thị trường chứng khoán châu Á ngay trong ngày 6/1 đã chứng kiến hệ quả “nhãn tiền”. Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ do tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư sau thông tin về vụ thử bom của CHDCND Triều Tiên. Cụ thể, chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 0,26% điểm, kết thúc phiên ở ngưỡng 1925,43. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng nối tiếp đà giảm, mất 1,5% sau tin tức về vụ thử bom nhiệt hạch của Bình Nhưỡng. “Triều Tiên đã gieo rắc thêm lo lắng cho các nhà đầu tư, khiến thị trường chứng khoán Nhật Bản thêm sa sút sau những quan ngại về căng thẳng ở Trung Đông và sự bất ổn của kinh tế Trung Quốc” - ông Norihiro Fujito - nhà chiến lược đầu tư tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities nhận định.