Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới trong tuần: Thách thức mới từ thế đối trọng trên chính trường Mỹ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Đảng Dân chủ giành Hạ viện, đảng Cộng hòa giữ được Thượng viện; Nga kỷ niệm Cuộc duyệt binh huyền thoại 1941... là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Đảng Dân chủ giành Hạ viện, đảng Cộng hòa giữ được Thượng viện
Nhịp sống của người dân Mỹ đã trở lại bình thường sau ngày bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ với kết quả đảng Cộng hòa dễ dàng bảo toàn thế đa số tại Thượng viện, còn phe Dân chủ lấy lại quyền kiểm soát Hạ viện.
Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ báo hiệu những thách thức đối với Tổng thống Trump khi triển khai các chương trình nghị sự trong 2 năm cuối nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, thời gian sắp tới được dự báo sẽ không yên ả, và câu hỏi đặt ra lúc này là Tổng thống Donald Trump sẽ triển khai thực hiện chính sách "Nước Mỹ trước tiên" như thế nào trong bối cảnh tiếng nói của đảng Dân chủ có sức nặng hơn sau khi cân bằng được quyền lực tại quốc hội khóa 116, dự kiến khai mạc ngày 20/1/2019.
Cho dù không bảo toàn được 49 ghế tại Thượng viện, song cuộc bầu cử được nhìn nhận là thắng lợi của đảng Dân chủ khi họ hoàn thành mục tiêu giành lại quyền kiểm soát ít nhất 1 trong 2 viện lập pháp. Đây là lần đầu tiên đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện trong 8 năm qua.
Kết quả này báo hiệu những thách thức đối với Tổng thống Trump khi triển khai các chính sách, sáng kiến về đối nội, đối ngoại in đậm dấu ấn cá nhân ông chủ Nhà Trắng trong 2 năm cuối nhiệm kỳ do vấp phải sự cản phá của "những chú lừa" (biệt danh của đảng Dân chủ).
Chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Trump và "những chú voi" (biệt danh của đảng Cộng hòa), đặc biệt là việc thúc đẩy dự luật y tế thay thế đạo luật chăm sóc sức khỏe giá rẻ (Obamacare), chính sách nhập cư cứng rắn và nhiều vấn đề khác vốn đã khó khăn, nay có thể rơi vào bế tắc hoàn toàn.
Mâu thuẫn hai đảng sẽ tăng lên khi phe Dân chủ đóng vai trò lớn hơn trong việc hoạch định chính sách chi tiêu và soạn thảo luật.
Đối với các hiệp định thương mại mới, Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong đàm phán khi phải chứng minh các hiệp định mới thực sự hiệu quả hơn hiệp định cũ, không phải là “bình cũ, rượu mới”.
Sau cuộc bầu cử, ông Trump đã nhắc đến khái niệm "đồng thuận lưỡng đảng". Nếu chính quyền Tổng thống Trump không có những điều chỉnh hoặc 2 đảng không đạt được thỏa hiệp trong các vấn đề chính sách thì không chỉ chính trường Mỹ bước vào một thời kỳ bế tắc mới, với nhiều mâu thuẫn và chia rẽ hơn, mà mục tiêu biến giấc mơ "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông chủ Nhà Trắng cũng sẽ trở nên xa vời.
Nga tái hiện cuộc diễu binh huyền thoại 1941, kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười
Ngày 7/11, tại thủ đô Moscow, Liên bang Nga diễn ra một loạt các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày diễn ra Cuộc duyệt binh huyền thoại năm 1941.
Nga tái diễn cuộc duyệt binh huyền thoại năm 1941.
Cuộc diễu binh năm nay có 12.000 người tham gia với 3.500 quân nhân đến từ các đơn vị vũ trang và học viên trường quân sự tại thủ đô Moscow cùng các loại thiết bị quân sự đã làm nên lịch sử trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại năm 1941 như pháo vác vai Katyusha, xe tăng T-34, xe bọc thép, xe máy...
Cuộc diễu binh đã tái hiện sinh động và chân thực sự kiện diễn ra 77 năm về trước cả về trang phục, vũ khí, khí tài, phối cảnh, âm nhạc... Đây cũng là lần đầu tiên tại cuộc diễu binh hàng năm nay bản sao lá cờ chiến thắng tung bay trên Quảng trường Đỏ.
Ngay sau cuộc diễu binh, các khí tài quân sự tham gia sự kiện này được trưng bày trên Quảng trường Đỏ để mọi người đến tham quan và chụp ảnh kỷ niệm.
Cách đây hơn một thế kỷ, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã đi vào lịch sử với tính chất đột phá mở đường và dẫn đường, là một thành tựu lớn trong tiến trình của lịch sử nhân loại với lý tưởng vô cùng cao đẹp là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, thực hiện hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua, nhân loại đã chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm, phức tạp, nhưng đến nay Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 vẫn là một trong những sự kiện trọng đại nhất của lịch sử thế giới hiện đại.
Nghi ngờ bê bối gián điệp ảnh hưởng quan hệ Áo - Nga
Ngày 9/11, Thủ tướng Áo Sebatstian Kurz cho biết, một đại tá quân đội về hưu của Áo vừa bị bắt do nghi vấn hợp tác với lực lượng tình báo của Nga từ những năm 1990 đến năm nay.
Ngay lập tức Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng phản đối, trong khi các chuyên gia cho rằng có bên thứ 3 nhúng tay vào vụ này.
 Thủ tướng Áo Sebatstian Kurz phát biểu tại cuộc họp báo.
Tình báo Áo bắt giữ viên đại tá 70 tuổi này vì nghi ngờ đã cung cấp các thông tin mật liên quan tới hệ thống máy bay quân đội và tình hình người nhập cư của Áo cho Nga hơn 20 năm qua.
Thủ tướng Sebatstian Kurz tỏ ý phản đối các hoạt động gián điệp và cho rằng nó không thể chấp nhận được và đề nghị cần làm sáng tỏ.
Khi được hỏi về ảnh hưởng của vụ việc tới quan hệ với Nga, ông S.Kurz cho biết cần phải tham vấn các nhà lãnh đạo châu Âu. Tuy nhiên ông nhấn mạnh nếu hành vi của vị đại tá được chứng minh là sự thật, nó sẽ không giúp cải thiện mối quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU).
Ngay sau đó, Ngoại trưởng Áo, Karin Kneissl đã triệu tập Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Nga tại Vienna, đề nghị phía Nga giải thích rõ ràng về sự việc. Bà Kneissl cũng quyết định hủy chuyến thăm Nga vào đầu tháng 12.
Bộ trưởng Quốc phòng Áo Mario Kunasek còn tiết lộ rằng tình báo Nga đã cung cấp cho vị đại tá nhiều thiết bị liên lạc vô tuyến mã hóa. Người này bị các nhà chức trách phát hiện nhờ sự “hợp tác quốc tế”.
Nga lập tức lên tiếng phản đối. Tuyên bố đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, cáo buộc trên của Áo gây tổn hại cho mối quan hệ tích cực kéo dài nhiều năm qua giữa Nga và Áo và nó dựa trên sự đồn đoán thay vì có bằng chứng thực tế. Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết đã triệu Đại sứ Áo tại Nga Johannes Aigner tới để phản đối về vụ việc ngoại giao trên.
Tờ Rusia Today dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích chính sách “ngoại giao loa phát thanh” của phương Tây sau khi Áo tuyên bố bắt giữ cựu sĩ quan quân đội với cáo buộc làm gián điệp cho Nga.
Ngoại trưởng Lavrov cho rằng đây là một chiến thuật cũ kỹ với Moscow: phương Tây đang sử dụng bộ máy truyền thông khổng lồ để công khai đổ lỗi cho Nga vì những vấn đề mà “nước Nga không hề biết gì”.
Indonesia ngừng tìm kiếm nạn nhân vụ rơi máy bay Lion Air
Chính quyền Indonesia vừa tuyên bố kết thúc chiến dịch tìm kiếm nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay Boeing 737-Max 8 của hãng hàng không Lion Air, chở theo 189 người, nhưng sẽ tiếp tục tìm kiếm hộp đen thứ 2.
Chính quyền Indonesia vừa tuyên bố kết thúc chiến dịch tìm kiếm nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay Boeing 737-Max 8.
“Chúng tôi đã không tìm thấy thêm bất cứ nạn nhân nào từ ngày hôm qua, vì thế tôi xin tuyên bố kết thúc chiến dịch tìm kiếm cứu nạn. Chúng tôi xin lỗi công chúng, đặc biệt là gia đình nạn nhân vì đã không làm tất cả mọi người hài lòng", lãnh đạo Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia, ông Muhammad Syaugi cho hay.
Chiếc máy bay chở khách của Lion Air đã gặp nạn vào hôm 29/10 chỉ một vài phút sau khi cất cánh từ Jakarta đến đảo Bangka.
Thi thể của các nạn nhân được đặt trong tổng cộng 196 túi đựng xác nhưng mới chỉ có danh tính của 77 nạn nhân được xác định sau khi kiểm tra pháp y.
Giới chức Indonesia cũng đã trích xuất dữ liệu từ hộp đen đầu tiên được tìm thấy từ tuần trước nhưng hiện vẫn đang tìm kiếm chiếc hộp đen thứ 2, chứa đoạn băng ghi âm buồng lái.
“Từ dữ liệu từ hộp đen, chúng tôi đã biết được 70% - 80% những gì đã xảy ra nhưng để hiểu 100%, chúng tôi phải biết được đoạn đối thoại ở bên trong buồng lái”, Soearjanto Tjahjono, lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông (KNKT) cho biết.
Ông Tjahjono lo ngại chiếc hộp đen thứ 2 có thể đã bị hư hại trong vụ tai nạn do KNKT vẫn chưa phát hiện được tín hiệu từ thiết bị này kể từ khi bắt đầu cuộc tìm kiếm.