Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới trong tuần: Trung Quốc cảnh báo Mỹ gánh hậu quả sau đòn thuế “khủng” 550 tỷ USD

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa dù tập trận Mỹ - Hàn đã kết thúc; Mỹ - Trung Quốc áp thuế trả đũa lẫn nhau... là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Trung Quốc cảnh báo hậu quả nếu Mỹ không dừng 'các hành động sai trái'
Ngày 24/8, Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông báo phản đối mạnh mẽ quyết định của Mỹ tăng thuế với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 550 tỷ USD và cảnh báo các hậu quả mà Washington sẽ phải gánh chịu nếu không chấm dứt "những hành động sai lầm".
 Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Cao Phong
Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ chủ nghĩa bảo hộ thương mại một cách đơn phương và mang tính "ức hiếp" cùng chiêu thức gia tăng tối đa sức ép, đã vi phạm những đồng thuận chung giữa hai quốc gia, vi phạm nguyên tắc cùng tôn trọng và cùng có lợi, làm hủy hoại nghiêm trọng hệ thống thương mại đa phương và trật tự thương mại thế giới.
Trước đó, ngày 23/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ tăng 5% thuế với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Thông báo của Tổng thống Trump đăng tải trên Twitter nêu rõ Mỹ sẽ tăng mức thuế hiện tại với số hàng hóa nhập từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD từ mức 25% lên 30% từ ngày 1/10 tới. Đồng thời, ông Trump cũng tuyên bố tăng mức thuế dự kiến áp với số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc còn lại trị giá 300 tỷ USD từ 10% lên 15%. 
Tuyên bố của ông Trump được đưa ra vài giờ sau khi khi Bắc Kinh công bố kế hoạch áp thuế trả đũa với số hàng hóa nhập từ Mỹ trị giá 75 tỷ USD. Trung Quốc cũng sẽ xúc tiến áp mức thuế 25% với ô tô nhập khẩu và 5% với các phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Mỹ vốn đã bị trì hoãn từ hồi tháng 12/2018. Tính tới cuối năm nay, hầu như mọi hoạt động xuất và nhập khẩu giữa hai nước đều bị tác động bởi tình trạng căng thẳng thương mại.
Brazil huy động quân đội dập tắt cháy rừng Amazon
Ngày 23/8, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã phê chuẩn quyết định triển khai các lực lượng vũ trang của nước này để hỗ trợ công tác chữa cháy trong rừng Amazon, giữa bối cảnh áp lực quốc tế ngày càng tăng.
Máy bay tham gia chữa cháy rừng tại Brazil.
Quyết định được đưa ra sau cuộc họp thảo luận phương án đối phó khủng hoảng vào cuối ngày giữa ông Jair Bolsonaro và các thành viên nội các. Việc triển khai quân đội cũng nhằm trấn áp các hoạt động tội phạm, trong đó có việc chặt phá rừng phi pháp ở những bang liên quan.
Theo sắc lệnh tổng thống, quân đội Brazil sẽ được điều tới các khu vực biên giới, các phần lãnh thổ bản địa, và những khu vực khác bị ảnh hưởng ở Amazon để hỗ trợ dập tắt đám cháy trong vòng 1 tháng.
Từ hai tuần qua, các vụ cháy rừng Amazon đã tàn phá hàng chục nghìn ha rừng nhiệt đới. Cộng đồng quốc tế quan ngại các vụ cháy ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, hệ động thực vật tại khu vực được gọi là “lá phổi xanh của hành tinh”.
Hiện con số thiệt hại chính xác vì cháy rừng Amazon vẫn chưa được xác định, song khói mù đã phủ kín thành phố Sao Paulo và một số thành phố khác của Brazil.
 
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un giám sát vụ thử nghiệm vũ khí 'siêu lớn'
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm 24/8 giám sát vụ thử nghiệm "bệ phóng đa tên lửa cực lớn", KCNA đưa tin hôm 25/8.
Những bức ảnh được truyền thông Triều Tiên công bố cho thấy các tên lửa được phóng đi từ các ống phóng gắn trên lưng 1 chiếc xe 8 bánh. 
 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un theo dõi vụ thử, trong bức ảnh do Cơ quan Thông tấn Trung ương (KCNA) của Triều Tiên công bố. Ảnh: KCNA
Các nhà phân tích cho rằng đây có thể là hệ thống tên lửa thứ 4 được Triều Tiên khai hỏa kể từ khi đàm phán hạt nhân với Mỹ đình trệ hồi tháng 2. 
Vụ phóng tên lửa sáng 24/8 là vụ thử nghiệm vũ khí thứ 5 của Triều Tiên chỉ tính riêng trong tháng này. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho rằng 2 vũ khí mà Triều Tiên vừa phóng là tên lửa đạn đạo tầm ngắn bay được khoảng 380 km, đạt độ cao 97 km.
Tại buổi giám sát, ông Kim khẳng định các nhà khoa học quốc phòng trẻ của Triều Tiên chịu trách nhiệm phát triển tên lửa là "một kho báu và tài sản của đất nước mà không gì có thể đánh đổi." 
Trước đó, trong một bài xã luận hôm 24/7, KCNA nhấn mạnh rằng "Triều Tiên sẽ không bao giờ đánh đối an ninh chiến lược của đất nước để đổi lấy các lệnh trừng phạt". 
Bất chấp các thử nghiệm liên tục gần đây của quốc gia Đông Bắc Á, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khẳng định ông và nhà lãnh đạo Kim Jong Un vẫn đang duy trì mối quan hệ tốt đẹp. 
Nguy cơ chia rẽ bao trùm hội nghị G7
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang nỗ lực hết khả năng nhằm ngăn kịch bản thất bại tại hội nghị G7 mà Pháp là chủ nhà và đó là nhiệm vụ không dễ dàng gì.
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) chính thức khai mạc hôm 24/8 tại thị trấn Biarritz - Pháp. Hội nghị kéo dài 3 ngày diễn ra trong bối cảnh xuất hiện bất đồng giữa các nước về một loạt vấn đề thương mại, thỏa thuận hạt nhân Iran và biến đổi khí hậu, nêu bật nhiệm vụ khó khăn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm mang lại kết quả thiết thực tại hội nghị lần này.
 
Lãnh đạo nước chủ nhà mong muốn các nhà lãnh đạo Anh, Canada, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ tập trung vào vấn đề bảo vệ dân chủ, bình đẳng giới, giáo dục và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc ngày càng leo thang, các chính phủ châu Âu nỗ lực xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ và Iran cũng như thảm họa cháy rừng ở Amazon có thể khiến chương trình nghị sự của ông Emmanuel Macron bị lu mờ.
Theo nhà lãnh đạo Pháp, thay vì đàm phán về một tuyên bố chung, G7 sẽ cố gắng thúc đẩy liên minh giữa các quốc gia có thiện chí. Ông Macron hy vọng có thể tránh được kết quả không mong muốn như tại hội nghị hồi năm ngoái ở Canada khi Tổng thống Donald Trump từ chối thông qua bản tuyên bố chung.
Hình ảnh Tổng thống Donald Trump khoanh tay một mình ngồi đối diện với các nhà lãnh đạo G7 ở Canada năm 2018 là biểu tượng của sự chia rẽ sâu sắc, khiến giới phân tích chính sách ngoại giao ví là "G6+1" và lo ngại kịch bản cũ sẽ tái diễn cuối tuần này.
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte tuyên bố từ chức
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đưa ra quyết định từ chức trong bài phát biểu trước Quốc hội Italia hôm 20/8, phiên làm việc đầu tiên sau khi các nghị sĩ quay lại từ kỳ nghỉ hè.
 Thủ tướng Italia Giuseppe Conte.
Ông Conte từ chức sau khi cáo buộc Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini, đồng thời là lãnh đạo đảng Liên đoàn chống nhập cư, đang làm suy yếu đất nước bằng cách kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm. Lời kêu gọi này được đưa ra khoảng hơn 1 năm sau khi xuất hiện những rạn nứt trong liên minh cầm quyền giữa đảng Liên đoàn và đảng Phong trào 5 sao.
Theo các nhà phân tích, tương lai của Italia hiện nằm trong tay Tổng thống Sergio Mattarella. Ông sẽ phải tham vấn lãnh đạo các đảng phái để quyết định liệu có khả năng thành lập một liên minh mới tiềm năng hay không hoặc liệu Italia có cần một cuộc bầu cử mới hay không. Điều này có thể làm gián đoạn các cuộc đàm phán về ngân sách thường niên, vốn được coi là thách thức đối với một trong những nền kinh tế yếu nhất trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).
Siêu tàu dầu Iran đổi lộ trình, tiến thẳng tới Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 24/8, trang mạng theo dõi hoạt động giao thông đường biển MarineTraffic cho biết tàu chở dầu Adrian Darya (trước đó được gọi là Grace 1) của Iran đã thay đổi hướng di chuyển và tiến thẳng tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Con tàu này đang là tâm điểm đối đầu giữa Mỹ và Iran trong bối cảnh quan hệ song phương không ngừng leo thang trong thời gian gần đây.
 Tàu chở dầu Adrian Darya của Iran đã thay đổi hướng di chuyển và tiến thẳng tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Tàu Adrian Darya, từng được biết đến với tên gọi Grace 1, đã được thả ngày 15/8 vừa qua sau 5 tuần bị tạm giữ ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar vì tình nghi chở dầu Iran cho Syria, vi phạm các biện pháp trừng phạt của châu Âu.
Mỹ cho rằng tàu chở dầu này do Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran kiểm soát và yêu cầu tất cả các quốc gia trong khu vực không hỗ trợ tàu.
Ngày 16/8, Bộ Tư pháp Mỹ đã phát lệnh bắt tàu chở dầu của Iran và có ý định tịch thu toàn bộ số dầu trên tàu trị giá 995.000 USD, với lý do vi phạm Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA). Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng từng cảnh báo rằng Mỹ sẽ trừng phạt bất kỳ đối tượng nào giúp đỡ, hoặc cho phép tàu của Iran cập bến./.