Chính thức bắt giữ “thái tử” Samsung
"Thái tử" Samsung chính thức bị bắt giữ. |
Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong bị bắt với cáo buộc hối lộ cùng một số tội danh khác, liên quan vụ bê bối tham nhũng, chính trị dẫn đến việc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị luận tội.
Tuyên bố của tòa án nêu rõ, lý do bắt giữ ông Lee Jae-yong căn cứ vào những cáo buộc mới và các bằng chứng mới được thu thập. Sau quyết định của tòa, nhân vật này sẽ bị giam giữ tại Uiwang, phía nam thủ đô Seoul và chờ đợi phán quyết.
Các công tố viên đang điều tra liệu Samsung có cam kết cung cấp 43 tỷ Won (37,54 triệu USD) cho DN và các quỹ phi lợi nhận do bà Choi Soon-sil sở hữu để đổi lấy sự ủng hộ của chính phủ đối với việc sáp nhập hai chi nhánh của tập đoàn, vốn dấy lên nhiều tranh cãi vào năm 2015.
Anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên bị sát hại
Hai nghi phạm thực nghiệm lại quá trình gây án. |
Cảnh sát Malaysia xác nhận ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã thiệt mạng tại nước này. Giới truyền thông Hàn Quốc dẫn một nguồn tin cho biết, ông Kim Jong-nam được cho là bị sát hại bởi kim tẩm độc tại sân bay ở Kuala Lumpur, Malaysia.
Trong diễn biến liên quan, cảnh sát Malaysia đã bắt được hai phụ nữ châu Á nghi đã sát hại ông Kim Jong-nam. Hai nữ nghi phạm đã được áp giải đến sân bay KLIA 2 từ sáng sớm, họ trình bày lại những hành vi đã làm đối với Kim Jong-nam khi tiếp cận ông này vào sáng ngày 13/2 ở quầy tự làm thủ tục tại tầng 4.
Ông Kim Jong-nam (45 tuổi), là anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông từng được cân nhắc để trở thành người kế vị chính thức nhưng đã đánh mất sự tin tưởng của cha, ông Kim Jong-il. Ông thường xuyên sống ở nước ngoài nhưng chủ yếu tại Macau, Trung Quốc. Chính phủ Hàn Quốc cũng như Triều Tiên đều chưa có bình luận nào.
Tổng thống Mỹ sẽ ban hành sắc lệnh nhập cư mới vào tuần tới
Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Trong một cuộc họp báo diễn ra ngày 16/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đưa ra một sắc lệnh hành pháp mới về nhập cư vào tuần tới. Theo đó, tân Tổng thống nêu rõ đây sẽ là một sắc lệnh hành pháp mới và toàn diện, nhằm bảo vệ người dân Mỹ. Ông Trump cũng nói thêm một số cải cách về y tế cũng sẽ được đưa ra vào đầu hoặc giữa tháng 3/2017.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Trump bày tỏ lo ngại về khả năng rò rỉ các cuộc điện đàm giữa ông và các nhà lãnh đạo nước ngoài. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh ông không sở hữu bất cứ thứ gì ở Nga, cũng như không có bất cứ khoản vay hay thỏa thuận nào ở nước này.
Pháp cảnh báo Nga không can thiệp bầu cử
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault. |
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault ngày 15/2 phát đi thông điệp “không chấp nhận bất cứ dạng thức can thiệp nào vào quá trình bầu cử, bất kể do Nga hay nước nào khác gây ra”. Tuyên bố cảnh báo này được đưa ra sau khi các trợ lý của một trong những ứng cử viên tổng thống Pháp tuần này phàn nàn việc Nga đã cố tình xen vào nỗ lực tranh cử của ông ấy.
Cụ thể, ông Benjamin Griveaux, phát ngôn viên của ứng cử viên tổng thống Emmanuel Macron ngày 14/2 tố cáo Moscow đứng sau một loạt các vụ tấn công mạng nhằm vào trang web tranh cử của ông Macron và các máy chủ email trong tháng qua.
Các trợ lý của ông Macron cũng cáo buộc kênh truyền hình Russia Today (RT) và hãng tin Sputnik của Nga đã tổ chức chiến dịch bôi nhọ ứng cử viên tổng thống là cựu bộ trưởng kinh tế 39 tuổi Macron khi nói ông có quan hệ đồng tính và có thể là một điệp viên của Mỹ.
Ngày 14/2 Moscow kiên quyết bác bỏ những cáo buộc can thiệp bầu cử Pháp mà chiến dịch tranh cử của ông Macron đưa ra. "Chúng tôi chưa từng có, và hiện cũng không có ý định can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước khác, đặc biệt là không can thiệp vào quá trình bầu cử", ông Dmitry Peskov, phát ngôn điện Kremlin nói.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn từ chức
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn từ chức. |
Ngày 13/2 (giờ Mỹ), Nhà Trắng cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia, ông Michael Flynn, đã từ chức sau khi truyền thông Mỹ tiết lộ việc ông đã thảo luận về lệnh trừng phạt của Mỹ với Moscow cùng Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak, trong tháng trước khi Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức.
Ông Flynn, một trung tướng quân đội đã về hưu, ban đầu bác tin ông đã thảo luận với Đại sứ Sergei Kislyak và Phó Tổng thống Mike Pence công khai thay mặt ông bác bỏ cáo buộc. Tuy nhiên, ông Flynn sau đó nói với Nhà Trắng rằng các lệnh trừng phạt có thể đã được đưa ra thảo luận.
Việc các công dân bình thường thực hiện hoạt động ngoại giao của Mỹ là bất hợp pháp và các cuộc gọi cuối năm ngoái diễn ra trước khi ông Flynn được bổ nhiệm vào chính quyền Mỹ.
Ông Flynn từ chức chưa đầy 1 tháng sau khi chính thức bắt tay vào công việc. Động thái này khiến ông trở thành một trong những Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống có thời gian tại nhiệm ngắn nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.