Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới tuần qua: Hạ viện Mỹ thông qua lệnh trừng phạt mới với Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Trump đề cử tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam; Hạ viện Mỹ thông qua lệnh trừng phạt mới với Nga; Triều Tiên tuyên bố tên lửa ICBM mới sẽ vươn tới toàn bộ nước Mỹ… là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Tổng thống Trump đề cử tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam
Tổng thống Trump đã đề cử ông Daniel Kritenbrink - nhà ngoại giao am hiểu sâu rộng trong các vấn đề châu Á, làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam, thay ông Ted Osius sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối năm nay.
Ông Daniel Kritenbrink từng làm việc 10 năm ở Trung Quốc và giữ nhiệm vụ Phó Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh trong 2 năm.
Ông Daniel Kritenbrink, 48 tuổi, bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ năm 1994. 
Ông Daniel Kritenbrink, 48 tuổi, bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ năm 1994 và hiện đang làm cố vấn cao cấp về chính sách với Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ, thông tin từ Nhà Trắng cho hay.
Ông Kritenbrink đã trải qua 10 năm làm việc ở Trung Quốc, và từng giữ nhiệm vụ Phó Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh trong 2 năm. Ông có thể nói tiếng Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong nhiệm kỳ thứ 2 của cựu Tổng thống Barack Obama, tháng 6/2015, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc cấp cao về sự vụ châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, chịu trách nhiệm phân tích thông tin và đề xuất cho tổng thống cũng như Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice.
Ông cũng từng tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến công du đến Việt Nam hồi tháng 5/2016. Hiện vị trí này vẫn còn chờ Thượng viện thông qua nhưng giới quan sát đánh giá cao khả năng đề cử của Tổng thống Trump sẽ được tán thành.
Triều Tiên tuyên bố tên lửa ICBM mới sẽ vươn tới toàn bộ nước Mỹ
Bình Nhưỡng ngày 29/7 khẳng định đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) khác tiếp theo vụ phóng đầu tiên vào đầu tháng 7, đồng thời tuyên bố toàn bộ lục địa Mỹ nằm trong tầm tấn công của tên lửa này, theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA).
Ngày 29/7, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, CHDCND Triều Tiên đã phóng thử tên lửa Hwasong-14 vào tối 28/7 dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-Un.
Vụ phóng tên lửa ICBM của Triều Tiên hôm 4/7 vừa qua.
Tên lửa này đạt độ cao 3.724,9km và bay được 998km trong khoảng 47 phút trước khi rơi xuống biển.
Hãng tin KCNA nhấn mạnh, vụ phóng đã thử nghiệm thành công khả năng quay trở về khí quyển trái đất của ICBM. Bản tin của KCNA cũng cho biết, vụ thử được tiến hành theo mệnh lệnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un.
Ông Kim Jong-Un khẳng định, chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên là một tài sản vô giá không thể bị thay thế hay rút lại, đồng thời nhấn mạnh vụ thử lên lửa mới nhất là một "cảnh báo nghiêm khắc" đối với Mỹ. 
Theo thông báo của lực lượng quân đội Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên đã phóng một "loại cải tiến" của ICBM từ khu vực Mupyong-ri phía bắc nước này vào khoảng 23h41 ngày 28/7.
Theo ông Kim Jong-un, vụ phóng thử tên lửa này đã chứng tỏ toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Bình Nhưỡng cũng tuyên bố vụ phóng thử mới nhất cho thấy, tên lửa có khả năng dẫn đường một đầu đạn bắn trúng mục tiêu một cách chính xác với công nghệ trở lại khí quyển.
Công nghệ "trở lại khí quyển" là yếu tố quan trọng để phát triển một ICBM vì tên lửa cần chịu được sức nóng và áp lực khi nó trở về khí quyển từ không gian.
Trước đó, Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên chưa hoàn toàn làm chủ được công nghệ ICBM khi vẫn chưa rõ liệu tên lửa đạn đạo được phóng hôm 4/7 vừa qua của họ có trở lại khí quyển thành công hay không.
Hạ viện Mỹ thông qua lệnh trừng phạt mới với Nga
Với 419 phiếu thuận và 3 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu hôm 25/7, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho biết, dự luật là "một trong những gói trừng phạt toàn diện nhất lịch sử". Paul Ryan cho hay các lệnh trừng phạt mới được thông qua sau nhiều tuần thảo luận và sẽ gây sức ép đối với các đối thủ nguy hiểm nhất nhằm đảm bảo nước Mỹ được an toàn.
Hạ viện Mỹ đã đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên.
Dự luật mới được thông qua cũng quy định, Tổng thống Donald Trump phải nhận được sự cho phép của Quốc hội nếu muốn giảm bớt hay tạm dừng các biện pháp trừng phạt.
Đây là động thái mới nhất của Quốc hội Mỹ trong việc muốn đẩy mạnh cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 và liệu có hay không việc các cố vấn của ông Trump thông đồng với Moscow.
Trong khi đó, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce nói 3 nước nói trên đe dọa lợi ích của Mỹ và cho rằng việc trừng phạt Triều Tiên rất quan trọng sau hàng loạt vụ thử lên lửa của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đang gây lo lắng cho Liên minh châu Âu (EU) vì nếu được áp dụng, một số doanh nghiệp của các nước này có thể bị phạt vì hợp tác xây đường ống dẫn khí với Nga.
Bất chấp bê bối, ông Abe vẫn khó bị thay thế
Việc nữ Bộ trưởng Quốc phòng từ chức đã khiến tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Abe giảm mạnh. Tuy nhiên, trên chính trường Nhật Bản, ông Abe vẫn không có đối thủ.
Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada hôm 28/7 đã tuyên bố từ chức sau scandal che giấu các bê bối của Bộ Quốc phòng. Bà Inada, 58 tuổi, là người ủng hộ ông Abe và đã từng là ứng viên cho chức Thủ tướng trong tương lai.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada.
Việc bà Inada từ chức trùng hợp với thời điểm cuộc điều tra nghi vấn nữ Bộ trưởng cố ý che giấu các báo cáo cho thấy, tình hình an ninh đang xấu đi ở Nam Sudan, nơi quân đội Nhật đang tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình do quân đội Mỹ dẫn đầu. Các nhà chỉ trích cho rằng, quân đội Nhật được triển khai trong môi trường nguy hiểm, vi phạm các điều kiện quy định trong Hiến pháp Nhật.
Bản báo cáo kết luận, luật công bố thông tin công khai đã bị vi phạm nhưng không xác nhận vai trò trực tiếp của bà Inada trong việc che giấu các thông tin.
Bà Inada đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc nhưng thừa nhận, vụ việc đã làm tổn thương uy tín của Bộ Quốc phòng và Lực lượng phòng vệ (SDF) Nhật Bản.
“Với tư cách là người đứng đầu Bộ Quốc phòng và SDF, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm trong việc này”, bà Inada phát biểu trong cuộc họp báo.
Bà Inada cũng chịu áp lực bị sa thải sau khi có phát biểu kêu gọi cử tri ủng hộ cho ứng viên của đảng cầm quyền, vi phạm quy định trung lập của SDF.
Ông Abe từng vấp phải phản đối từ các nhà lập pháp từ đảng cầm quyền và đảng đối lập vì để bà Inada đứng đầu Bộ Quốc phòng. Những người phản đối cho rằng, bà Inada không đủ năng lực. Việc có Bộ trưởng Quốc phòng mới vào tuần tới, nằm trong nỗ lực cải tổ nội các mà ông Abe hy vọng có thể giúp gia tăng sự ủng hộ.
Tuy nhiên, GS Jeffrey Kingston, Giám đốc Nghiên cứu Châu Á tại Đại học Temple, Nhật Bản cho biết, ông Abe đáng lẽ nên cho bà Inada nghỉ việc từ cách đây rất lâu. Động thái này ngay trước cuộc cải tổ nội các chỉ là sự tuyệt vọng.
Ông Abe, người trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012 với cam kết khôi phục nền kinh tế và tăng cường quốc phòng. Nhưng tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Nhật trong vài tháng qua đã giảm từ 60% xuống 33% trong một số cuộc khảo sát.
Việc nữ Bộ trưởng Quốc phòng từ chức đã khiến tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Abe giảm mạnh.
Mặc dù vậy, chưa có một ứng cử viên sáng giá nào nổi lên có thể thay thế ông Abe, cả trong và ngoài đảng LDP. Bà Murata - người đứng đầu đảng đối lập là nhân vật nổi bật nhất. Nhưng nội bộ lục đục và không có thông điệp rõ ràng, khiến đảng Dân chủ đối lập không tận dụng những rắc rối của ông Abe. Hiện đảng này chỉ thu hút được 6% ủng hộ.
Còn trong nội bộ đảng LDP, một số đối thủ khác cũng nổi lên, trong đó có cựu bộ trưởng quốc phòng Shigeru Ishiba nhưng ông Ishiba vẫn thiếu sự ủng hộ. Những ứng viên như Ngoại trưởng Fumio Kishida hoặc Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cũng khó có khả năng trở thành người kế nhiệm.
Yuriko Koike, một chính trị gia nổi tiếng, người vừa giành chiến thắng vang dội trước đảng LDP của ông Abe trong cuộc bầu cử tại hội đồng thành phố Tokyo đầu tháng này. Tuy nhiên, đảng của bà lại không có đủ đa số ở Quốc hội. Do vậy, khả năng bà Koike trở thành Thủ tướng cũng khó xảy ra.