Đáp trả mạnh mẽ, Nga trục xuất 150 nhà ngoại giao các nước phương Tây
Bộ Ngoại giao Nga vừa thông báo nước này quyết định trục xuất 150 nhà ngoại giao các nước phương Tây, bao gồm Anh, Mỹ và Australia liên quan đến vụ cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal bị đầu độc.
Phát biểu trong buổi họp báo tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận Moscow sẽ trục xuất 90 nhân viên ngoại giao của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia châu Âu khác đúng bằng số lượng nhà ngoại giao Nga bị các nước này trục xuất.
Trước đó, Chính phủ Nga đã tuyên bố trục xuất 60 nhân viên ngoại giao Mỹ và đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP St. Petersburg. Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman đã được triệu tới để thông báo quyết định trên.
Đây được coi là hành động đáp trả đanh thép và tương xứng của Moscow sau khi gần 30 nước cùng NATO đồng loạt trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga trong tuần này liên quan vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergey Skripal và con gái ông bị đầu độc hôm 4/3 vừa qua tại TP Salisbury của Anh.
Trước đó, Mỹ đã tuyên bố trục xuất 60 nhân viên ngoại giao Nga và đóng cửa Lãnh sự quán nước này tại TP Seattle.
Các nước cáo buộc Moscow liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal, song Nga cương quyết bác bỏ.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã cáo buộc chính quyền Mỹ tìm mọi cách gây sức ép đối với các đồng minh nhằm trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Chính quyền Moscow đồng thời cho rằng đây là âm mưu của phương Tây nhằm hạ thấp uy tín của nước Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 29/3 cáo buộc nước Anh đang vi phạm luật pháp quốc tế khi từ chối cung cấp thông tin liên quan tới cha con ông Skripal và vội vàng qui trách nhiệm cho Nga.
Trong một tuyên bố phản ứng, Nhà Trắng khẳng định "động thái đáp trả của Nga không phải là điều bất ngờ" và Mỹ sẽ "đối phó vấn đề này". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert ngày 30/3 nói rằng nước Nga không nên hành động "như một nạn nhân".
Hội đồng Bảo an LHQ thông qua gói trừng phạt “lịch sử” với Triều Tiên
Hội đồng Bảo an LHQ ngày 30/3 đã liệt vào "danh sách đen" 27 tàu, 21 công ty và 1 doanh nhân với lý do giúp Triều Tiên lẩn tránh các lệnh trừng phạt của LHQ. Các biện pháp trừng phạt được thực hiện theo yêu cầu của Mỹ và là gói trừng phạt lớn nhất từ trước tới nay đối với Triều Tiên.
Theo đó, tổng cộng có 13 tàu chở dầu và tàu chở hàng của Triều Tiên, cùng 12 tàu của các nước khác nghi giúp Bình Nhưỡng buôn lậu hàng hóa hoặc vận chuyển dầu và nhiên liệu, bị cấm cập bến các cảng trên toàn thế giới. 2 tàu Triều Tiên bị phong tỏa tài sản toàn cầu, song không bị cấm cập cảng.
Theo Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc (LHQ) Nikki Haley, các biện pháp trừng phạt vừa được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua ngày 30/3 là gói trừng phạt “lớn nhất trong lịch sử” do Ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an nhất trí. |
Doanh nhân nằm trong “danh sách đen”, Tsang Yung Yuan, bị cấm đi lại trên toàn cầu và bị phong tỏa tài sản với cáo buộc tổ chức vận chuyển trái phép than của Triều Tiên.
Danh sách này cũng đã được rút gọn nhiều so với đề xuất của Mỹ đưa ra cuối tháng trước là 33 tàu và 27 công ty phải bị trừng phạt.
Ngay sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua gói trừng phạt mới, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nhấn mạnh động thái trên là "dấu hiệu rõ ràng" cho thấy cộng đồng quốc tế đã thống nhất duy trì việc "gia tăng sức ép tối đa" đối với Triều Tiên.
Đại sứ Haley cho biết, đây là các biện pháp trừng phạt lớn nhất do Ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an nhất trí, nhằm ngăn chặn các hoạt động bán than đá và mua dầu, vi phạm nghị quyết trừng phạt của LHQ áp đặt với Bình Nhưỡng.
Các biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên được LHQ thông qua trong bối cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa được ấn định vào ngày 27/4 tới. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5 tới.
Tổng thống Mỹ mặc dù nhất trí gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un, nhưng nhấn mạnh vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt và gia tăng sức ép tối đa với Bình Nhưỡng nhằm tiến tới việc phi hạt nhân hóa.
LHQ họp khẩn sau khi đụng độ dữ dội ở Dải Gaza làm 16 người thiệt mạng
Hội đồng Bảo an LHQ ngày 30/3 đã tiến hành họp khẩn nhằm thảo luận các diễn biến mới nhất tại Dải Gaza sau các vụ tấn công và biểu tình khiến 16 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương. Cuộc họp này được tổ chức theo đề nghị của Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Jordan và các nước Hồi giáo khác sau khi bùng phát các cuộc đụng độ giữa người Palestine và lực lượng an ninh Israel tại khu vực Dải Gaza hôm 30/3.
Hội đồng Bảo an LHQ ngày 30/3 đã tiến hành họp khẩn nhằm thảo luận các diễn biến mới nhất tại Dải Gaza. |
Đại sứ Kuwait tại LHQ Mansour Al-Otaibi cho biết nước này đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ lên án và ngăn chặn Israel tiến hành bạo lực nhằm vào người Palestine.
Phát biểu tại phiên họp, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập và minh bạch về những trường hợp thiệt mạng và bị thương sau các vụ tấn công và biểu tình tại Dải Gaza ngày 30/3. Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị Taye-Brook Zerihoun cho rằng tình hình tại Dải Gaza có thể xấu đi trong những ngày tới, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế tối đa.
Trước đó, ngày 30/3, Israel đã không kích và pháo kích vào 3 khu vực của phong trào Hamas tại Dải Gaza sau sự kiện mà họ gọi là một vụ tấn công bằng súng của người Palestine nhằm vào binh sĩ Israel dọc biên giới giữa hai bên. Các vụ tấn công nói trên diễn ra sau khi các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Dải Gaza cũng gây ra nhiều vụ đụng độ giữa người biểu tình Palestine và các lực lượng Israel ở dọc hàng rào biên giới, khiến 12 người Palestine thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Quân đội Israel đã ban bố tình trạng báo động và tăng cường lực lượng gần hàng rào biên giới với Dải Gaza nhằm ứng phó với nguy cơ an ninh. Xung đột nổ ra khi các binh sĩ Israel tại khu vực biên giới bắn hơi cay để ngăn cản đám đông biểu tình người Palestine tiến gần hàng rào biên giới. Nhiều người biểu tình sau đó đã ném đá vào các binh lính.
Ít nhất 16 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương sau các vụ đụng độ trong ngày 30/3. Đây được xem là ngày bạo lực tồi tệ nhất kể từ cuộc chiến tranh Gaza năm 2014 giữa quân đội Israel và phong trào Hamas, khiến hàng gần 2.400 người thiệt mạng.
Giới chức y tế Gaza khẳng định 16 người Palestine đã bị lực lượng an ninh Israel sát hại và hơn 1.400 người bị thương. Phía Palestine cáo buộc Israel dùng lực lượng không phù hợp để chống đối người biểu tình.
Đến tối 30/3, giới lãnh đạo Gaza kêu gọi người biểu tình rút khỏi khu vực biên giới. Cuộc biểu tình dự kiến kéo dài 6 tuần, cho đến khi Đại sứ quán mới của Mỹ ra mắt ở Jerusalem, dự kiến vào ngày 14/5. Sự kiện này có thể sẽ đẩy căng thẳng leo thang.
Tổng thống Palestine Mahmud Abbas tuyên bố quốc tang trong ngày 31/3 và nhấn mạnh Israel phải chịu trách nhiệm cho những cái chết nói trên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Trung Quốc
Không phải ngẫu nhiên mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chọn Trung Quốc là điểm đến trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức năm 2011.
Báo chí Trung Quốc đưa tin với chuyến thăm này, ông Kim Jong-un muốn khẳng định lại mong muốn gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, lặp lại lời cam kết về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chuyến thăm không chính thức này đã được ca ngợi đã đóng góp tích cực vào tình hữu nghị giữa Triều Tiên và Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định sau chuyến thăm, có thể Trung Quốc sẽ giảm bớt áp lực với các biện pháp trừng phạt nhắm vào Triều Tiên, tạo cho ông Kim Jong-un vị thế mạnh hơn đáng kể trước khi bước vào các cuộc hội đàm thượng đỉnh với Hàn Quốc và Mỹ.
Đây cũng là một bước đi khôn ngoan của Triều Tiên. Bằng cách hàn gắn quan hệ với Trung Quốc, ông Kim Jong-un có thể cố gắng đảm bảo rằng nếu đàm phán với Mỹ thất bại trong việc phi hạt nhân hóa, Bình Nhưỡng có thể trở lại mối quan hệ truyền thống với Bắc Kinh.
Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, chiếm hơn 90% khối lượng thương mại của Bình Nhưỡng, và là nhà cung cấp năng lượng và nhiên liệu chính. Vì vậy, theo giới chuyên gia, ngoài việc tiếp tục chương trình hạt nhân, giờ đây, Bình Nhưỡng còn thể hiện sự nhạy bén ngoại giao, biết tính toán các bước đi ngoại giao khôn ngoan hơn.