7 người Palestine thiệt mạng do xung đột tại biên giới Israel-Gaza
Lực lượng Israel đã bắn chết 7 người Palestine trong cuộc biểu tình bạo lực dọc biên giới Israel-Dải Gaza ngày 6/4. Bộ Y tế Palestine thông báo trong số những người thiệt mạng có 2 thiếu niên 16 và 17 tuổi.
Bên cạnh đó, hơn 400 người cũng được đưa đến bệnh viện và các trung tâm y tế để điều trị. Tính đến nay, tổng số người chết trong các vụ đụng độ bắt đầu từ ngày 30/3 đã tăng lên thành 27 người.
Trong ngày 6/4, hàng ngàn người biểu tình tập trung tại khu vực gần biên giới phía đông của thành phố Khan Yunis ở Dải Gaza, đốt lốp xe và ném đá về phía binh lính Israel ở phía bên kia hàng rào biên giới. Binh lính Israel bắn trả dùng hơi cay để giải tán. Cuộc biểu tình bạo lực lắng xuống sau khi trời tối.
Các cuộc biểu tình nổ ra hồi tuần trước nhằm phản đối việc Israel từ chối cho người tị nạn Palestine quay về nơi mà họ đã rời đi hoặc bị trục xuất trước đây và hiện do Israel kiểm soát.
Thủ lĩnh phong trào Hamas Yahya Sinwar hoan nghênh cuộc biểu tình và lên án việc Israel phong tỏa Dải Gaza. Ông Sinwar nói người dân Gaza muốn vượt qua biên giới, trở về Israel và cầu nguyện ở Jerusalem.
Phía Palestine lên án hành động của Israel đối với cái mà họ gọi là "các cuộc biểu tình hòa bình”. Văn phòng Cao ủy Liên Hợp quốc về Nhân quyền yêu cầu Israel kiềm chế và không sử dụng vũ lực quá mức.
Chính quyền Israel tố cáo Hamas lợi dụng cuộc biểu tình để gây bạo lực. Người phát ngôn quân đội Ronen Manelis ngày 6/4 tuyên bố đã ngăn chặn thành công các hành động bạo lực và thông báo không có binh lính nào bị thương trong ngày hôm đó.
Trung Quốc tuyên bố các biện pháp đáp trả toàn diện mới với đe dọa áp thuế bổ sung của Washington
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng đáp trả nếu chính quyền của Tổng thống Trump áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 100 tỷ USD.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 6/4 cho biết nước này sẽ đáp trả các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ đến cùng và bằng mọi giá, khi những nhận định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế mới đã làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này sẽ đáp trả các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ đến cùng và bằng mọi giá |
Trong một tuyên bố vào ngày 6/4, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc sẽ đấu tranh đến cùng và bằng mọi giá và sẽ công kích mạnh mẽ, đồng thời các biện pháp đáp trả toàn diện mới để bảo vệ lợi ích của quốc gia và người dân Trung Quốc”.
Phát biểu tại buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong khẳng định nước này sẵn sàng đáp trả nếu chính quyền của Tổng thống Trump áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị 100 tỷ USD. Theo người phát ngôn Cao Phong, hiện chưa có cuộc đối thoại nào giữa các quan chức Trung Quốc và Mỹ về các vấn đề kinh tế và thương mại.
Tuyên bố từ phía Bắc Kinh được đưa ra sau khi ông Trump yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cân nhắc việc áp thuế bổ sung 100 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc. Chỉ thị mới nhất này của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố các biện pháp đáp trả tương tự. Giới chuyên gia nhận định động thái mới này của Chính quyền Tổng thống Trump cho thấy căng thẳng trong thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng leo thang. Một số lo ngại việc 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trả đũa lẫn nhau theo kiểu "ăn miếng trả miếng" có thể dẫn tới một cuộc chiến thương mại thực sự với quy mô và thiệt hại khó có thể kiểm soát.
Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán châu Âu, hợp đồng tương lai của Mỹ và giá cả hàng hóa lao dốc sau động thái đe dọa mới nhất của Tổng thống Trump.
Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định Bắc Kinh sẽ ngay lập tức đáp trả mạnh mẽ mà không do dự nếu Washington ban bố danh sách áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 100 tỷ USD có xuất xứ Trung Quốc.
Khi được hỏi về bản chất của cái gọi là chiến tranh thương mại với Mỹ, ông Lục Khảng nói rằng đó chính là việc Mỹ áp dụng chủ nghĩa đơn phương để phản đối chủ nghĩa đa phương, và áp dụng chủ nghĩa bảo hộ để phản đối thương mại tự do. Ông Lục Khảng cảnh báo nguy cơ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do bị đe dọa, và quá trình toàn cầu hóa kinh tế bị hủy hoại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hồi phục của toàn bộ nền kinh tế thế giới. “Điều này gây tổn hại tới lợi ích sống còn của Trung Quốc, và thậm chí gây hại lớn hơn cho các lợi ích chung của thế giới. Khi đối mặt với vấn đề lớn như vậy, chúng tôi buộc phải cương quyết đáp trả”, ông Lục Khảng nhấn mạnh.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị kết án 24 năm tù giam
Ngày 6/4, Tòa án Quận trung tâm Seoul của Hàn Quốc đã tuyên án cựu Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye 24 năm tù giam vì tội tham nhũng.
Tòa án Tòa án Quận trung tâm Seoul của Hàn Quốc cũng phạt hành chính bà Park Geun-hye 18 tỷ won (tương đương 16,9 triệu USD).
Phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Park Geun-hye là phiên tòa hình sự sơ thẩm đầu tiên được truyền hình trực tiếp tại Hàn Quốc vì vụ án được dân chúng đặc biệt quan tâm.
Bà Park Geun-hye, 66 tuổi, đã bị truy tố vào tháng 3/2017 với 18 tội danh tham nhũng, trong đó có nhận hối lộ, lạm quyền và làm rò rỉ bí mật nhà nước. Bà cũng bị cáo buộc đồng lõa với người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil tống tiền với số tiền lên tới 23,1 tỷ won từ các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, Lotte và SK để đổi lại các ưu đãi kinh doanh.
Bà Park cũng bị nghi đã để cho người bạn thân của mình can thiệp các công việc nhà nước dù bà Choi không chính thức nắm giữ cương vị nào trong chính phủ. Cựu Tổng thống Park cương quyết khẳng định mình vô tội. Bà Park bị giam giữ trong tù kể từ tháng 3/2017, sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết phế truất bà.
Trước đó, các công tố viên đã đề nghị mức án 30 năm tù giam đối với bà Park và mức phạt 118,5 tỷ won (tương đương 112 triệu USD cho 18 tội danh liên quan đến tham nhũng, trong đó có nhận hối lộ, cưỡng ép, lạm quyền và rò rỉ bí mật nhà nước.
Tuy nhiên, bà Park Geun-hye không xuất hiện trước tòa trong phiên tuyên án ngày 6/4. Bà Park đã tẩy chay các phiên luận tội của tòa từ tháng 10/2017, với lý do sức khỏe yếu và khẳng định bà là nạn nhân của một âm mưu chính trị.
Cựu Tổng thống Park Geun-hye dự kiến sẽ kháng án. Cùng ngày, khoảng 1.000 người ủng hộ cựu lãnh đạo này có mặt tại tòa án vẫy cờ và kêu gọi trả tự do cho bà Park.
Bà Park Geun-hye là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc và lên nắm quyền đầu năm 2013, nhưng đến hơn 4 năm sau lại trở thành tổng thống dân cử đầu tiên ở nước này bị phế truất hồi tháng 3/2017.
Cựu điệp viên Skripal bị đầu độc đã qua cơn nguy kịch, dần hồi phục
Bà Christine Blanshard, Giám đốc Bệnh viện quận Salisbury (Anh), cho biết sức khỏe của cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal đang dần cải thiện và đã qua được giai đoạn nguy hiểm có thể đe dọa tới tính mạng.
Bệnh viện quận Salisbury ngày 6/4 cho biết sức khỏe của cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị hạ độc đang hồi phục nhanh chóng sau khi qua cơn nguy kịch. "Ông Skripal đã thoát khỏi tình trạng hiểm nghèo và đang phản ứng tốt với quá trình điều trị", thông báo của bệnh viên Salisbury cho biết.
Bệnh viện quận Salisbury (Anh) là nơi cựu điệp viên haii mang người Nga Sergei Skripal đang đươc điều trị. |
Trước đó, ngày 5/4, Yulia Skripal, con gái của cựu điệp viên Sergei Skripal đã ra tuyên bố sau khi tỉnh cách đây 1 tuần.
Vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc khiến mối quan hệ Nga - Phương Tây rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng. Việc ông Skripal sắp hồi tỉnh được xem là tiến triển bước ngoặt trong vụ lùm xùm khiến quan hệ giữa Nga và Phương Tây căng thẳng suốt nhiều ngày qua.
Nhiều người hy vọng cựu điệp viên người Nga có thể kể lại những tình tiết của vụ đầu độc, qua đó làm sáng tỏ liệu Moscow có dính líu như cáo buộc vội vàng của London hay không.
Sergei Skripal vốn là một cựu đại tá tình báo quân sự của Nga. Ông này bị phanh phui làm gián điệp hai mang cho cơ quan tình báo đối ngoại Anh. Ông Skripal bị giam giữ gần 10 năm trong tù ở Nga, sau đó được Moscow thả tự do vào năm 2010 nhờ một thoả thuận giữa Nga và Mỹ. Cựu điệp viên Nga sau đó chuyển tới Anh sinh sống.
Ông Skripal và con gái Yulia vẫn ở trong bệnh viện hơn 1 tháng sau vụ tấn công ở TP Salisbury (Anh) hôm 4/3 vừa qua. Họ bị nghi đầu độc bởi chất độc thần kinh Novichok.
Chính phủ Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc dù chưa đưa ra được bằng chứng xác thực, sau đó kêu gọi các đồng minh phương Tây trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Đến nay, hơn 150 nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất. Tuy nhiên, phía Nga phủ nhận liên quan tới vụ việc ở Salisbury, cho rằng cáo buộc của London là "điều khủng khiếp và vô căn cứ", đồng thời tuyên bố trục xuất số nhân viên ngoại giao tương đương của nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).