Thế giới tuần qua: Phát biểu của Tổng thống Mỹ tại LHQ gây chú ý đặc biệt

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) gây sự chú ý đặc biệt và tuyên bố đe dọa thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Siêu bão Maria đánh sập mạng lưới điện vùng lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ
Ngày 20/9, siêu bão Maria đổ bộ vào Puerto Rico, gây ngập úng trên diện rộng và đánh sập toàn bộ hệ thống điện của vùng lãnh thổ của Mỹ ở vùng Caribbean này.
 Bão Maria đánh sập toàn bộ hệ thống điện tại đảo này.
Sau khi càn quét nhiều khu vực ở vùng biển Caribe khiến ít nhất 9 người thiệt mạng, ngày 20/9, cơn bão Maria đã quét qua đảo Puerto Rico buộc hàng nghìn người dân tại đây phải sơ tán, gây ngập úng trên diện rộng và toàn bộ vùng lãnh thổ này của Mỹ bị mất điện.
Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào hòn đảo này trong gần 90 năm qua. Bão Maria đã suy yếu xuống cấp 4, với sức gió 250km/h, làm nhiều nhà bị tốc mái và hàng loạt cây xanh bật gốc. 
Nhiều tuyến đường tại TP San Juan đã biến thành những dòng sông giữa phố, ngập trong gạch đá, vật dụng hư hại và dây điện đứt do mưa bão. 
Hơn 10.000 người trên hòn đảo với khoảng hơn 3 triệu cư dân đang tạm lánh nạn lại trong hơn 500 các cơ sở tạm trú. Trong khi đó, bão Maria gây ra mất điện trên toàn đảo dù các kỹ sư điện đã nỗ lực khắc phục tình trạng này sau cơn bão Irma.
Thống đốc Puerto Rico Ricardo Rosello đã ban bố lệnh giới nghiêm áp dụng từ 18h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau từ ngày 20 - 23/9. Thống đốc Rosello cũng cảnh báo nguy cơ ngập úng và lở đất do “cơn bão tàn phá nghiêm trọng nhất trong một thập kỷ”.
Trước đó, ông Ricardo Rossello cũng đã đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump ban bố tình trạng thảm họa trên đảo Puerto Rico. Việc ban bố tình trạng thảm họa sẽ giúp Puerto Rico nhận được trợ giúp từ chính phủ liên bang để phục hồi.
Theo Trung tâm Bão quốc gia (NHC) của Mỹ, bão Maria đã suy yếu đáng kể trước khi hướng ra ngoài khơi, với sức gió cao nhất 175km/h, song nhiều khả năng bão sẽ mạnh trở lại trong 2 hoặc 3 ngày tới. 

Lượng mưa tại Puerto Rico trong hai ngày tới có thể lên mức 650mm.
Các nước phản ứng với bài phát biểu đầu tiên của ông Trump tại LHQ
Đại diện Cuba đã chỉ trích phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Liên Hợp quốc (LHQ) về nước này là “thiếu tôn trọng, không thể chấp nhận”.
Tuyên bố của đại diện Cuba được đưa ra sau khi phái đoàn 2 nước có cuộc gặp tại Washington để bàn về quan hệ song phương. Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa 2 nước kể từ sau khi ông Trump nhậm chức hồi đầu năm nay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ.
Cuộc họp giữa 2 phái đoàn diễn ra cùng ngày với sự kiện ông Trump có bài phát biểu đầu tiên trước Đại Hội đồng LHQ tại New York, gọi Cuba là quốc gia “tham nhũng và bất ổn”.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Trump đã đưa ra lời de đọa sử dụng vũ lực trực tiếp nhất với Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng liên tục bắn tên lửa bay qua không phận Nhật Bản cũng như tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo sau khi phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Pháp Francois Macron khẳng định ông phản đối biện pháp quân sự do cho rằng nó sẽ dẫn đến sự hủy diệt trên bán đảo Triều Tiên mà “tuyệt đối cần phải tránh.”
Cùng ngày, phản ứng trước phát biểu của Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tán thành quan điểm rằng giải pháp duy nhất cho vấn đề Triều Tiên là "hòa bình và ngoại giao".
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố Bắc Kinh để ngỏ mọi nỗ lực dẫn tới việc giải quyết vấn đề Triều Tiên một cách hòa bình, thông qua chính trị và ngoại giao. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh tuyên bố chung ký hồi tháng 9/2005 trong vòng thứ 4 cuộc đàm phán 6 bên, là tiến triển quan trọng nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thông qua đàm phán.
Động đất đánh sập hàng loạt tòa nhà ở Mexico
Hôm 19/9, một trận động đất lớn cấp độ 7,1 đã gây ra cảnh đổ nát ám ảnh ở miền trung Mexico và thủ đô nước này. Đây là trận động đất thứ 2 trong tháng 9 tại đất nước này, sau trận xảy ra hôm 7/9 ở miền Nam Mexico, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
 Trận động đất làm ít nhất 27 tòa nhà sụp đổ ở Mexico City
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho hay trận động đất cấp độ 7,1 xảy ra vào trưa ngày 19/9 (giờ địa phương), tâm chấn sâu 51 km, nằm gần Puebla thuộc tiểu bang Raboso, cách thủ đô Mexico City 123km về phía Đông Nam.
Trận động đất làm ít nhất 27 tòa nhà sụp đổ ở Mexico City. Hàng nghìn người chạy ra đường trong hoảng loạn, tình trạng mất điện xảy ra ở nhiều nơi.
Cơ quan khảo sát địa chấn Mỹ dự đoán, số người thiệt mạng có thể lên đến 1.000 người và thiệt hại kinh tế ước tính từ 1 đến 10 tỉ USD.
Các nhân viên cứu hộ đã nhanh chóng có mặt tại các khu vực bị thiệt hại hoặc nhà cửa bị sập. Họ kêu gọi người dân giữ trật tự để có thể nghe được tiếng kêu cứu của những nạn nhân còn đang mắc kẹt trong các đống đổ nát.
Thống đốc Puebla Tony Gali cho biết, có nhiều tòa nhà bị hư hại tại thành phố Cholula, bao gồm một gác chuông nhà thờ.
Sân bay quốc tế Mexico City đã tạm ngừng hoạt động và đang kiểm tra toàn bộ cơ sở để xác định mức độ thiệt hại. 
Động đất xảy ra chỉ vài giờ sau khi nhiều người tham gia cuộc diễn tập kỷ niệm ngày xảy ra trận động đất kinh hoàng mạnh cấp độ 8 làm hơn 10.000 người chết ở Mexico vào năm 1985.
Trước đó chưa đầy hai tuần, khoảng 90 người đã thiệt mạng trong trận động đất ở miền Nam Mexico mà tổng thống nước này gọi là "lớn nhất thế kỷ". 
Triều Tiên dọa thử bom H, Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế
Ngày 22/9, Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên giữ kiềm chế, sau khi Triều Tiên tuyên bố nước này có thể thử bom nhiệt hạch (bom H) trên Thái Bình Dương nhằm đáp trả đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phát biểu với báo giới tại Bắc Kinh, ngày 22/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cảnh báo tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện rất “nghiêm trọng”.
Ông Lục Khảng cũng kêu gọi tất cả các bên giữ kiềm chế, sau khi Triều Tiên tuyên bố nước này có thể thử bom nhiệt hạch (bom H) trên Thái Bình Dương nhằm đáp trả đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Người phát ngôn Lục Khảng nhấn mạnh rằng chỉ khi nào các bên liên quan cùng thỏa hiệp mới giải quyết hiệu quả vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên và thực sự có được hòa bình và ổn định trong khu vực.
Những tuyên bố của ông Lục Khảng được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố sắc lệnh hành chính áp đặt những lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên hôm 21/9. Trong đó có các hoạt động vận chuyển đường biển và các mạng lưới thương mại, siết chặt hơn nữa việc giám sát các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Ông Trump cho biết, sắc lệnh hành pháp mới này sẽ cắt đứt các nguồn thu nhập tài trợ cho những nỗ lực của Triều Tiên nhằm phát triển vũ khí hủy diệt loài người.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 22/9, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho cho rằng Bình Nhưỡng có thể thử bom nhiệt hạch (bom H) có sức công phá mạnh nhất trên Thái Bình Dương nhằm phản ứng "ở mức cao nhất" đối với Mỹ. 
Theo Bộ trưởng Ngoại giaoTriều Tiên Ri Yong-ho, hành động này là để đáp trả các mối đe dọa về mặt quân sự của Tổng thống Mỹ Trump nhằm vào Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết đang cân nhắc những hành động mạnh mẽ nhất nhằm đáp trả đe dọa của Tổng thống Trump.
Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Ri Yong-ho đưa ra ngay sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết đang cân nhắc những hành động mạnh mẽ nhất nhằm đáp trả đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định chính những lời đe dọa của Tổng thống Trump khiến ông tin rằng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là "con đường đúng đắn". 
Trước đó, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 19/9, Tổng thống Trump tuyên bố, nếu bị đe dọa, Mỹ sẽ "hủy diệt hoàn toàn" đất nước Triều Tiên. Đây là lời ám chỉ trực tiếp nhất đến nay của Tổng thống Mỹ về hành động quân sự với Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3/9 vừa qua.
Thủ tướng Anh đề xuất giai đoạn chuyển tiếp 2 năm đối với Brexit
Ngày 22/9, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố thành công của các cuộc đàm phán giữa nước này và EU về Brexit "hoàn toàn vì lợi ích của hai bên", đồng thời đề xuất giai đoạn chuyển tiếp để Anh rời EU là 2 năm.
Bà May nhấn mạnh: "Nếu chúng ta thất bại hoặc chia rẽ, bên hưởng lợi duy nhất sẽ là những người phản đối các giá trị của chúng ta".
Thủ tướng Theresa May phát biểu tại TP Florence. Ảnh BBC
Theo Thủ tướng Anh, mặc dù còn nhiều khó khăn sau 3 vòng đàm phán, hai bên đã đạt được những tiến triển rõ ràng trong nhiều vấn đề quan trọng nhờ năng lực và sự cẩn trọng của Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh, ông David Davis và trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier.

Về đề xuất thời gian chuyển tiếp 2 năm, Thủ tướng May khẳng định Anh sẽ tiếp tục tôn trọng những cam kết của London về ngân sách khi còn là thành viên của EU.

Bà May cho rằng Anh cần được tiếp cận thị trường chung EU trong thời gian này, trong khi các thành viên khác của khối không phải đóng góp thêm hoặc được nhận hỗ trợ ít đi vì Brexit.

Trong giai đoạn chuyển tiếp này, công dân EU vẫn sẽ tiếp tục được đi lại, sống và làm việc tại Anh, song sẽ có một hệ thống đăng ký, một sự chuẩn bị cần thiết cho một chế độ mới.

Thủ tướng May cũng nhấn mạnh Anh mong muốn tiếp tục hợp tác thông qua các cách thức thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn trong khu vực, bao gồm việc tham gia vào những chương trình và chính sách cụ thể mang lại lợi ích đáng kể cho cả Anh lẫn EU, cũng như thúc đẩy sự phát triển trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hóa và an ninh chung.

Theo Thủ tướng May, các cuộc đàm phán giữa Anh và EU sẽ tiếp tục cho đến khi Anh hoàn toàn rời EU tháng 3/2019 như kế hoạch.

Giới chức EU đang gây áp lực để Anh thực hiện cam kết về tài chính khi rời EU nhằm khởi động các cuộc đàm phán tại Brussels. Trước đó, trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier cho rằng hai bên cần đạt được thỏa thuận vào tháng 11/2018 để có đủ thời gian cho quốc hội các nước thông qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần