Thêm thẩm phán liên bang ở Maryland chặn sắc lệnh di trú của ông Trump
Ông Trump ký sắc lệnh cấm nhập cảnh. |
Theo truyền thông đưa tin, sau thẩm phán Derrick Watson ở Hawaii, một thẩm phán liên bang ở bang Maryland đã ra phán quyết tạm ngăn sắc lệnh cấm nhập cảnh mới của Tổng thống Donald Trump. Phán quyết trên chỉ được đưa ra ít giờ trước khi sắc lệnh mới mà Tổng thống Trump ban hành có hiệu lực vào ngày 16/3.
Phát biểu trước những người ủng hộ ở TP Nashville (bang Tennessee), Tổng thống Trump đã lên tiếng chỉ trích phán quyết của thẩm phán Watson, gọi đây là “tin xấu, tin buồn”. “Sắc lệnh mà ông ấy (thẩm phán Derrick Watson) ngăn chặn là phiên bản ‘đã xuống nước’ của sắc lệnh đầu tiên. Theo ý kiến của nhiều người, đây quả là sự vượt quá thẩm quyền tòa án chưa từng có”, ông Trump nói.
Sắc lệnh nhập cảnh mới có nội dung tạm thời ngưng cấp thị thực cho công dân từ 6 nước Hồi giáo, gồm Syria, Iran, Libya, Somalia, Yemen và Sudan, song không áp dụng đối với những người đã có thị thực vào Mỹ.
Ukraine mở rộng trừng phạt Nga
Xe tăng xuất hiện trên đường phố Avdiyivka, khu vực miền Đông Ukraine. |
Chính quyền Ukraine đã phong tỏa các tuyến đường vận chuyển hàng hóa tới khu vực miền Đông đang do lực lượng đối lập kiểm soát. Thư ký Hội đồng an ninh Ukraine Oleksandr Turchynov cho biết các tuyến đường dẫn tới miền Đông sẽ được khôi phục khi phe đối lập trao lại quyền kiểm soát cho một số doanh nghiệp Ukraine và tuân thủ thỏa thuận hòa bình Minsk.
Cũng trong ngày 15/3, chính phủ Ukraine đã áp đặt các biện pháp trừng phạt 5 chi nhánh các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Nga đặt tại nước này, chiếm 8,6% thị phần và tài sản trị giá 1,3 tỷ USD. Lệnh trừng phạt sẽ cấm các chi nhánh ngân hàng Nga rút tiền ra khỏi Ukraine. Đây là một phần trong hoạt động trấn áp quy mô lớn liên quan đến những căng thẳng gia tăng tại các khu vực miền Đông Ukraine.
Pháp chấn động vì vụ xả súng tại trường trung học
Cảnh sát và cứu thương đang sơ cứu người bị thương và trấn an học sinh. |
Vụ xả súng xảy ra ngày 16/3 tại trường trung học Alexis de Tocqueville thị trấn Grasse, tỉnh Alpes-Maritimes, đông nam nước Pháp, khiến ít nhất 14 người bị thương, trong đó có hiệu trưởng. Bộ trưởng giáo dục Pháp Najat-Vallaud Belkacem đã lên tiếng ca ngợi hành động “anh hùng” của vị hiệu trưởng khi lao đến kẻ xả súng khi hắn rút vũ khí ra. Một nhân chứng kể lại rằng kẻ xả súng dường như muốn nhằm vào một số người cụ thể.
Truyền thông Pháp cho biết nghi phạm mang theo một súng trường, hai súng ngắn và hai quả lựu đạn khi gây án. Chính phủ Pháp phát lệnh cảnh báo tấn công trên toàn quốc sau vụ việc. Cảnh sát Pháp đã bắt giữ một nghi phạm 17 tuổi là học sinh của trường vốn có thù oán với hiệu trưởng. Các nhà điều tra ban đầu suy đoán có hai nghi phạm, tuy nhiên cảnh sát sau đó cho rằng kẻ xả súng dường như hành động một mình.
Quyền tổng thống Hàn Quốc tuyên bố không ra tranh cử
Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn. |
Truyền thông dẫn lời quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn chính thức tuyên bố sẽ không ra tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 9/5 tới. Ông Hwang được kỳ vọng là một trong những ứng cử viên cho chức tổng thống kế tiếp, mặc dù ông chưa bao giờ bày tỏ ý định tranh cử.
Quyết định của ông Hwang nhiều khả năng sẽ đem lại lợi ích cho người đang đi đầu khối tự do, Moon Jae-in, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ, ứng viên hàng đầu cho chức tổng thống Hàn Quốc. Trước đó, Tòa án Hiến pháp ngày 10/3 công bố phán quyết ủng hộ kiến nghị của Quốc hội về việc luận tội bà Park Geun-hye, khiến bà bị phế truất ngay lập tức.
Bà Park Geun-hye, Tổng thống dân cử đầu tiên bị phế truất ở nước này, bị cáo buộc lạm quyền, giúp người bạn của bà tiếp cận với chính phủ để tư lợi. Bà đang đối mặt khả năng bị truy tố hình sự.
Thổ Nhĩ Kỳ cắt quan hệ ngoại giao với Hà Lan
Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus. Nguồn: Vestnik Kavkaza. |
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không cho phép đại sứ Hà Lan ở nước này được trở lại Ankara làm nhiệm vụ, đồng thời đình chỉ “quan hệ ngoại giao cấp cao” với Hà Lan trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước ngày càng dâng cao. “Cho đến khi những điều chúng tôi nói được đáp ứng, đại sứ Hà Lan sẽ không được phép quay lại”, truyền thông dẫn lời Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cho biết ngày 13/3.
Đại sứ Hà Lan tại Ankara Kees Cornelis van Rij hiện không ở Thổ Nhĩ Kỳ, công việc do đại biện lâm thời đại sứ quán xử lý. Phó Thủ tướng Kurtulmus cũng cho biết quan hệ cấp cao và các cuộc gặp dự kiến từ cấp bộ trưởng trở lên giữa hai nước đã bị đình chỉ.
Căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan bắt đầu từ ngày 11/3, khi Amsterdam không cho phép máy bay chở ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới Rotterdam, nơi ông dự một cuộc mít tinh của người Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tranh thủ sự ủng hộ với kế hoạch sửa đổi hiến pháp.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau đó gọi Hà Lan là “tàn dư của phát xít”, cảnh báo Amsterdam “sẽ phải trả giá”. Thổ Nhĩ Kỳ hôm 13/3 triệu đại sứ Hà Lan tại Ankara để trao công hàm phản đối cách cảnh sát Rotterdam giải tán người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố này ngày 12/3.