Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới tuần qua: Thông điệp mạnh mẽ của Tổng thống Putin

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu nhiều vũ khí tiên tiến trong Thông điệp liên bang cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống thứ ba; Tổng thống Mỹ cảnh báo sẽ áp đặt mức thuế quan mới với thép và nhôm nhập khẩu... là những sự kiện nổi bật trong tuần.

 Nhiều nước phản đối việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm
Ngày 1/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ thông qua mức thuế quan mới đối với 2 mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào tuần tới, động thái có thể tạo nên các cuộc chiến thương mại mới với châu Âu, Trung Quốc và Canada.
Việc áp mức thuế nhập khẩu mới đối với 2 mặt hàng kim loại này, 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với nhôm, được cho là một bước đi mới trong nỗ lực thúc đẩy chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump.
Trước đó, trên trang cá nhân Twitter, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định, ngành công nghiệp thép và nhôm của Mỹ từ nhiều năm nay chịu thiệt hại nặng nề do có những chính sách thương mại “tồi” và “không công bằng” với các nước khác trên thế giới.
Nhiều nước phản đối việc Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm.
Ngay sau thông báo, giá trị cổ phiếu của các nhà sản xuất thép tại Mỹ đã tăng đáng kể.
Đầu năm nay, Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã áp mức thuế quan mới đối với các tấmpin năng lượng mặt trời và máy giặt nhập khẩuvào Mỹ. Động thái này được cho là phù hợp với chính sách thương mại "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump với mục đích bảo vệ các nhà sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh quyết liệt từ nước ngoài.
Các chuyên gia cho rằng quyết định trên của Tổng thống Mỹ là đón giáng mạnh vào châu Âu, Trung Quốc và Canada, có thể gây ra các cuộc chiến thương mại mới, ảnh hưởng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Chiều 1/3, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland ra tuyên bố lên án bất kỳ ý định nào của Mỹ nhằm đánh thuế thép và nhôm của Canada. 
Tuyên bố nêu rõ: "Là một đồng minh chủ chốt trong Bộ Chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Canada sẽ xem bất kỳ hạn chế thương mại nào đối với nhôm và thép của Canada là hoàn toàn không thể chấp nhận được
Theo Ngoại trưởng Freeland, bất kỳ rào cản thương mại nào cũng sẽ tác động tới công nhân, các nhà sản xuất và ngành công nghiệp nhôm, thép của cả hai nước. Do đó, Chính phủ Canada sẽ tiếp tục làm việc với các cấp chính quyền của Mỹ về vấn đề này.
Phía Trung Quốc đã cảnh báo sẽ hạn chế nhập khẩu đậu nành của Mỹ, trong khi đó Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ xem xét động thái này.
Cố vấn kinh tế cao cấp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Liu He, đã có cuộc hội đàm với chính quyền Tổng thống Trump ở Washington hôm thứ Năm. Cuộc thảo luận được một quan chức Nhà Trắng mô tả rất "thẳng thắn và xây dựng", và tập trung vào "các biện pháp để bảo đảm thương mại công bằng và tương xứng".
Trong một diễn biến liên quan, ngày 1/3, Hiệp hội Thép của Đức đã lên tiếng chỉ trích quyết định áp thuế nhập khẩu đối với thép của Tổng thống Trump, đồng thời kêu gọi EU cần có động thái đấu tranh và chống lại biện pháp đơn phương này.
Tổng thống Nga hé lộ một loạt vũ khí "bất khả chiến bại"
Ngày 1/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp liên bang trước hai Viện của Quốc hội liên bang Nga. Trong Thông điệp, Tổng thống Nga Vladimir Putin hé lộ một loạt vũ khí hạt nhân mới "với phạm vi không giới hạn".
Trong số những vũ khí mà Putin cho biết đang trong quá trình phát triển hoặc đã sẵn sàng là một tên lửa đạn đạo liên lục địa mới "với phạm vi không giới hạn" có thể tấn công qua Bắc Cực, Nam Cực và bỏ qua bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.
Tổng thống Putin trong buổi đọc Thông điệp liên bang hôm 1/3.
Ông Putin cũng nói về một đầu đạn hạt nhân nhỏ có thể được trang bị cho tên lửa hành trình, cho phép vũ khí này có phạm vi hoạt động không giới hạn.
Những video mô phỏng hoạt động của những tên lửa thế hệ mới của Nga đã được sử dụng để minh chứng cho các thông tin nêu trong Thông điệp của Tổng thống Putin.
Ông chủ Điện Kremlin cho biết, Nga đã thử nghiệm tên lửa hoạt động bằng nhiên liệu hạt nhân mới vào cuối năm 2017 và tên lửa này có thể vươn tới hầu hết mọi địa điểm trên thế giới.
Ngoài ra, Moscow cũng đang thử nghiệm các thiết bị không người lái dưới nước mới có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Tổng thống Putin cũng tiết lộ, hệ thống vũ khí siêu thanh mới của Nga đã được triển khai tại miền Nam nước này từ ngày 1/12/2017, trong khi, các vũ khí chiến lược mới đang được phát triển, song sẽ không sử dụng quỹ đạo đường đạn như tên lửa đạn đạo.
Trước đó, Tổng thống Putin đã tái khẳng định cam kết của Nga tiếp tục phát triển cơ sở khoa học, vận tải và quân sự tại Bắc Cực. Ông nhấn mạnh: "Hạm đội Phương Bắc đã, đang và sẽ là hạm đội mạnh nhất thế giới". Việc củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng cho quân sự, vận tải và nghiên cứu khoa học của Nga ở Bắc Cực sẽ đảm bảo các lợi ích của Moscow ở vùng có tầm quan trọng chiến lược này.
Trong thông điệp liên bang cứng rắn nhất trình bày trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào 18/3, Tổng thống Nga cũng tuyên bố, một cuộc tấn công hạt nhân vào bất kỳ đồng minh nào của nước Nga, cũng là tấn công vào Moscow và nước này sẽ đáp trả ngay lập tức.
Phát biểu này được cho là nhằm cảnh báo Mỹ không nên sử dụng các vũ khí hạt nhân chiến lược. 
Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố sẽ sớm cử đặc phái viên tới Triều Tiên
Theo thông báo của Nhà Xanh, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump ngày 1/3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thông báo Seoul sẽ sớm cử đặc phái viên đến Triều Tiên để tiến hành đàm phán.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về kết quả chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Triều Tiên đến Hàn Quốc trong dịp Olympic PyeongChang hồi tháng 2 vừa qua.
Sự kiện thể thao này được coi là cú hích trong quan hệ liên Triều sau hơn 1 năm căng thẳng gia tăng liên quan tới chương trình tên lửa của Triều Tiên cũng như vụ thử hạt nhân lớn nhất của nước này bất chấp các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
Theo thông báo, Tổng thống Moon và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã nhất trí tiếp tục nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng cách duy trì đà cải thiện của đối thoại liên Triều.
Liên quan đến việc cử một đặc phái viên tới Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc cho biết, ông sẽ tìm cách đáp lại phái đoàn quan chức mà Triều Tiên đã cử tới Olympic mùa Đông, trong đó có em gái Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên tới Hàn Quốc của một thành viên gia đình nhà lãnh dạo Triều Tiên kể từ cuộc chiến Triều Tiên (1950 - 1953).
Tổng thống Moon gặp em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, bà Kim Yo-jong.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Moon ngày 10/2, bà Kim Yo-jong đã chuyển lời của ông Kim Jong-un mời nhà lãnh đạo Hàn Quốc thăm Triều Tiên "trong thời gian sớm nhất". Tổng thống Moon trong cuộc gặp chưa đưa ra hồi đáp trực tiếp, chỉ nói rằng hai bên cần tạo ra các điều kiện cần thiết để hiện thực hóa kế hoạch gặp thượng đỉnh liên Triều. 
Nhà Xanh và Nhà Trắng đều không tiết lộ phản ứng của Tổng thống Trump sau khi người đồng cấp Hàn Quốc thông báo ý định trên.
Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Mỹ hoan nghênh mọi bước đi có thể dẫn tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Khi được hỏi về kế hoạch của Hàn Quốc cử đặc phái viên sang Triều Tiên, bà Sanders nhấn mạnh: "Mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên".
Tổng thống Nga ra lệnh ngừng bắn 5 tiếng mỗi ngày ở Syria
Lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu vào hôm nay (27/2) và tạo ra một "hành lang nhân đạo" để cho phép dân thường rời khỏi khu vực giao tranh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu một lệnh ngừng bắn kéo dài 5 tiếng mỗi ngày trong tấn công của chính phủ Syria vào khu vực Đông Ghouta. Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố, việc ngừng bắn nhân đạo sẽ được diễn ra từ 9 giờ đến 14 giờ hàng ngày, theo giờ địa phương.
Hiện đang có gần 400.000 dân thường bị mắc kẹt ở khu vực của phe đối lập gần thủ đô Damascus. Hơn 560 người đã bị thiệt mạng trong 8 ngày, một nhóm giám sát cho biết. Nếu có hiệu lực, tuyên bố về lệnh ngừng bắn nhân đạo của Tổng thống Nga Putin là thông tin tích cực nhất dành cho người dân ở Đông Ghouta kể từ sau cuộc ném bom dữ dội bắt đầu từ hơn một tuần trước.
Chiến trường Đông Ghouta ở Syria.
Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) vừa thông qua nghị quyết yêu cầu lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày tại Syria, để cho phép hoạt động vận chuyển hàng nhân đạo và sơ tán y tế ở khu vực Đông Ghouta của Syria.
Nghị quyết yêu cầu phải chấm dứt ngay các hoạt động thù địch trên toàn Syria, để cho phép các hoạt đông vận chuyển "an toàn và đều đặn" hàng viện trợ và sơ tán những người ốm và bị thương. Nghị quyết cũng yêu cầu chấm dứt tất cả các cuộc bao vây, bao gồm ở Đông Ghouta, Yarmouk, Foua và Kefraya.
Tuy nhiên, nghị quyết của Liên Hợp quốc không đưa ra ngày bắt đầu thực hiện lệnh ngừng bắn. Thay vào đó, nghị quyết sử dụng cụm từ “không trì hoãn”.
Tổ chức Quan sát vì quyền con người Syria cho biết, 36 người đã thiệt mạng kể từ sau khi nghị quyết của LHQ được thông qua hôm thứ Bảy tuần trước.
Vào ngày 26/2, đã có 22 người thiệt mạng trong cuộc không kích và tấn công đạn pháo ở thị trấn Douma và Harasta.
Trước đó, cũng có thông tin Đông Ghouta phải hứng chịu một cuộc tấn công hóa học, khiến một trẻ 3 tuổi thiệt mạng và ít nhất 18 người đang được điều trị sau khi có các triệu chứng trúng độ hóa học như khó thở, chóng mặt..
Tuy nhiên, các thông tin đều chưa được xác thực.