Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới tuần qua: Triều Tiên tuyên bố ngừng thử hạt nhân và tên lửa

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc chuyển giao quyền lực lịch sử ở Cuba khi có tân Chủ tịch mới không mang họ Castro và việc Triều Tiên thông báo dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa, hạt nhân là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Triều Tiên bất ngờ tuyên bố “đóng băng” các vụ thử nghiệm tên lửa, hạt nhân 
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin, từ ngày 21/4, Triều Tiên sẽ dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
 Triều Tiên sẽ dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Ngày 21/4, Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ tuyên bố chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nhằm đảm bảo sự ổn định và hòa bình chiến lược đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và không cần tiến hành thử nghiệm thêm. 
Quyết định này đã được thông qua tại phiên họp toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra ngày 20/4.
"Kể từ ngày 21/4/2018, mọi cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đều sẽ bị đình chỉ", hãng tin KCNA dẫn lời ông Kim trong một cuộc họp toàn thể của ủy ban trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK). "Trung tâm thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên cũng sẽ bị ngưng hoạt động để đảm bảo tính minh bạch cho việc đình chỉ thử nghiệm hạt nhân", KCNA cho biết thêm.
Thông báo về bước đi mới của đất nước, nhà lãnh đạo Kim cho biết Triều Tiên "sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trừ phi có mối đe dọa về hạt nhân" nhằm vào nước này và rằng "sẽ không bao giờ tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ hạt nhân".
Triều Tiên cũng nhấn mạnh việc ngưng các hoạt động hạt nhân của nước này là "một tiến trình quan trọng trong việc giải giáp trên phạm vi toàn cầu". Vì thế, Triều Tiên sẵn sàng tham gia các nỗ lực phi hạt nhân hóa của quốc tế.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định Triều Tiên sẽ tập trung mọi nỗ lực để xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vững mạnh, huy động các nguồn nhân lực, vật lực để nhanh chóng nâng cao đời sống nhân dân.

Tuyên bố trên được đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, dự kiến diễn ra vào ngày 27/4 tới.
Ngày 19/4 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc khẳng định Triều Tiên đã thể hiện cam kết "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" bán đảo Triều Tiên và không nêu bất kỳ điều kiện nào.
Cuba có tân Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng
Tối 19/4, sau hai ngày làm việc, Quốc hội Cuba khóa 9 đã thông báo kết quả bỏ phiếu kín các vị trí chủ chốt trong ban lãnh đạo nhiệm kỳ 5 năm tới, theo đó đồng chí Miguel Diaz-Canel Bermudez đã được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba với 603 phiếu, tương đương 99,86% số phiếu bầu.
Tân Chủ tịch Hội đồng nhà nước Cuba Miguel Diaz-Canel Bermudez phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Cuba khóa 9.
Với kết quả này, ông Miguel Diaz-Canel Bermudez là người kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro lãnh đạo đất nước Cuba, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Cách mạng Cuba và tiến trình cập nhật mô hình kinh tế đã đề ra. Đây là lần đầu tiên, thế hệ lãnh đạo lịch sử của cuộc Cách mạng 1959 mà đứng đầu là Chủ tịch Raul Castro sẽ không còn đảm nhiệm những cương vị cao nhất trong Hội đồng Nhà nước do đã đủ 2 nhiệm kỳ như quy định của Hiến pháp Cuba.
Đồng chí Miguel Diaz-Canel Bermudez, 57 tuổi, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Cuba. Đồng chí từng giữ chức Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba, và trước đó là Bí thư Tỉnh ủy tại các tỉnh Villa Clara và Holguin. Ông đã từng kinh qua vị trí Bộ trưởng Bộ Đại học từ năm 2009 đến năm 2012. 
Nhân dịp này, Cuba thông báo sẽ tiến hành cải tổ Hiến pháp, một nội dung mới sẽ được xem xét là việc tách 2 chức danh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, mà theo quy định hiện hành của Cuba là do một người đảm nhiệm. 
Lãnh đạo Anh, Pháp hứng chịu làn sóng chỉ trích vì cùng Mỹ tấn công Syria
Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang phải đối mặt với sự chỉ trích của các nhà lập pháp trong nước sau khi cùng Mỹ tiến hành các cuộc không kích Syria trong chiến dịch quân sự đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền.
Việc Anh, Pháp bất ngờ cùng Mỹ tiến hành không kích Syria hôm 14/4 vừa qua đã làm dấy lên tranh cãi trong nội bộ các quốc gia này.
Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Mặc dù chính phủ Syria bác cáo buộc liên quan vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma hôm 7/4 nhưng cả London và Paris đều cho rằng đã có bằng chứng cho thấy chính quyền Tổng thống Assad có sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công này.
Thủ tướng Anh Theresa May hiện vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nghị sĩ vì đã cùng Mỹ tham gia tấn công Syria mà không đợi sự chấp thuận từ Quốc hội nước này.
Các nghị sĩ nói rằng Thủ tướng May đã không để Quốc hội thảo luận và cũng không đợi cuộc điều tra của Liên Hợp quốc (LHQ) mà tiến hành ngay vụ tấn công. Bà May bị chỉ trích vì không giải quyết các thắc mắc từ các nghị sĩ.
Thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã kêu gọi Quốc hội Anh thông qua một quy định ngăn chính phủ được phép tự ý quyết định hành động quân sự trong hầu hết các trường hợp.
Phát biểu tại Quốc hội ngày 16/4, bà May cho rằng, với tư cách Thủ tướng, bà có trách nhiệm phải đưa ra quyết định và bà đã quyết định can thiệp "vì lợi ích quốc gia" của Anh.
Biện hộ cho việc cùng Mỹ tham gia không kích Syria, Thủ tướng May nhấn mạnh rằng nước Anh đã hành động vì lý do nhân đạo và được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Còn ở Pháp, trong cuộc họp ngày 16/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã bị các thành viên Quốc hội tỏ ra không hài lòng khi  quyết định tham gia tấn công Syria nhưng không tham khảo ý kiến ​​của cơ quan lập pháp.
Trước đó, trả lời phỏng vấn truyền hình, Tổng thống Macron khẳng định việc Pháp tham gia chiến dịch không kích tại Syria "mang tính hợp pháp quốc tế", bởi theo nghị quyết của LHQ về Syria, Damascus có trách nhiệm phải tiêu hủy kho vũ khí hóa học của mình.
Ông Macron đã bị chỉ trích từ cả lãnh đạo phe cánh tả và cánh hữu. Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Marine Le Pen đã buộc tội Tổng thống Macron chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về việc sử dụng vũ khí hoá học của chính quyền Tổng thống Assad.
Lãnh đạo phe cánh tả Jean-Luc Mélenchon cho rằng ông Macron đã tiến hành vụ không kích mà không đưa ra được bất kì bằng chứng nào cho thấy chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học vốn là cái cớ để liên quân quốc tế phát động tấn công.
Giám đốc CIA có cuộc gặp bí mật với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) Mike Pompeo đã có cuộc gặp bí mật với nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào dịp lễ Phục sinh, theo truyền thông Mỹ.
Giám đốc CIA được cho là đã đến Triều Tiên và có cuộc họp bí mật với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để chuẩn bị các cuộc đối thoại trực tiếp giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ. Tờ Washington Post trích dẫn 2 nguồn tin liên quan trực tiếp đến chuyến đi cho biết, ông Pompeo đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên vào dịp Lễ Phục sinh.
Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) Mike Pompeo.
Nhiệm vụ này được thực hiện ngay sau khi ông Pompeo được đề cử trở thành Ngoại trưởng Mỹ. CIA vẫn chưa xác nhận cuộc gặp này. Nếu được xác nhận, đây sẽ là cuộc họp có sự tham gia của quan chức cấp cao nhất giữa 2 nước kể từ năm 2000, khi Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright gặp cố lãnh đạo Kim Jong-il tại Bình Nhưỡng.
Tờ New York Times cũng đăng tin về chuyến đi bí mật đến Triều Tiên của ông Pompeo vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4.
Vài giờ sau khi bài báo của Washington Post xuất bản, ông Trunp đã nói với giới báo chí về một cuộc gặp cấp cao chưa xác định.
“Chúng tôi đã bắt đầu đàm phán trực tiếp với Triều Tiên. Chúng tôi đã có các cuộc đối thoại cấp cao với Triều Tiên. Và tôi tin rằng rất có thiện chí”, Tổng thống Mỹ nói trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Ông Trump nói thêm rằng hội nghị thượng đỉnh dự kiến giữa ông và ông Kim Jong-un có thể diễn ra vào "vào đầu tháng 6 hoặc sớm hơn một chút" và 5 địa điểm đang được thảo luận. Nhưng ông thừa nhận rằng sự kiện chưa từng có này cũng có thể sẽ không xảy ra.
Suzanne DiMaggio, một thành viên cao cấp tại New America thinktank cho rằng, các tương tác trực tiếp là cách duy nhất để thiết lập cơ sở cho các cuộc đàm phán bền vững, có hiệu quả.
Câu hỏi then chốt ở hội nghị thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều là liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên có nghiêm túc về việc từ bỏ chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân và sẽ yêu cầu ngược lại gì từ Mỹ.