600 người thương vong sau vụ xả súng Las Vegas, Mỹ vẫn chưa xem xét kiểm soát súng
Ít nhất 58 người đã thiệt mạng và hơn 500 người bị thương trong vụ xả súng đẫm máu tại sòng bài ở Las Vegas, bang Nevada, Mỹ.
Ít nhất 58 người đã thiệt mạng và hơn 500 người bị thương trong vụ xả súng đẫm máu tại sòng bài ở Las Vegas. |
Trong diễn biến mới nhất, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng đã bác bỏ mối liên hệ giữa vụ tấn công với khủng bố. Trả lời phỏng vấn báo chí, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết hiện vẫn còn quá sớm để thảo luận về chính sách kiểm soát súng tại Mỹ.
Vụ xả súng xảy ra đêm 1/10 (theo giờ Mỹ), đầu giờ chiều 2/10 (giờ Việt Nam) ở Khách sạn và Sòng bạc Mandalay Bay tại thời điểm có khoảng 40.000 người đang tham dự lễ hội âm nhạc đồng quê Route 91 Harvest.
Thông tin từ phía cảnh sát cho biết nghi phạm là Stephen Paddock, 64 tuổi đã tự sát trước khi cảnh sát xông vào phòng khách sạn ở tầng thứ 32 nơi y tiến hành xả súng vào đám đông tham dự hòa nhạc bên dưới.
Với con số thương vong lên tới gần 600 người, đây là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận là chủ mưu đứng đằng sau vụ xả súng đẫm máu này, tuy nhiên không đưa ra được bằng chứng nào.
Theo truyền thông Mỹ, nghi phạm từng là một nhân viên kế toán và một phi công có giấy phép, và chưa từng có tiền án tiền sự.
Gia đình của nghi phạm cho biết hoàn toàn không thể xác định được động cơ vụ xả súng, cho biết Paddock không có tiền sử bệnh tâm thần, không có vấn đề về tôn giáo cũng như chính trị.
Hiện cảnh sát cũng loại trừ sự liên quan của người phụ nữ gốc Á đi cùng Paddock vào khách sạn này.
Nhóm vận động hủy bỏ vũ khí hạt nhân thắng Nobel Hòa bình
Chiến dịch quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) đã giành giải Nobel Hòa bình trong bối cảnh nguy cơ xung đột hạt nhân đang lớn dần lên.
ICAN tự mô tả như một liên minh các nhóm phi chính phủ của hơn 100 quốc gia. Nhóm này được khởi xướng ở Australia và chính thức ra đời tại Vienna, Áo năm 2007.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới mà nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân đang ngày càng lớn dần theo thời gian”, Berit Reiss-Andersen, Lãnh đạo Hội đồng Nobel cho hay.
Hồi tháng 7, 122 quốc gia đã nhất trí với Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hợp quốc (LHQ) nhưng các quốc gia hạt nhân bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp vẫn đứng ngoài các cuộc đàm phán.
Giải Nobel Hòa bình nhằm thúc đẩy việc giải trừ vũ khí hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang leo thang, cũng như việc Thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết hồi năm 2015 có nguy cơ đứng bên bờ vực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi thoả thuận của Iran là "thỏa thuận tồi tệ nhất từng được đàm phán" và một quan chức chính quyền cấp cao hôm 5/10 cho biết, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ sửa đổi các điều ước.
Giải Nobel Hòa bình trị giá 1,1 triệu USD sẽ được trao tại thủ đô Oslo, Na Uy, vào ngày 10/12 tới. Cho tới nay đã có 97 giải Nobel Hòa bình được trao (từ 1901-2016), trong đó có 16 phụ nữ.
Catalonia sẽ đơn phương tuyên bố độc lập
Ngày 4/10, người đứng đầu khu vực Catalonia, ông Carles Puigdemont cho biết, chính quyền vùng tự trị này sẽ sớm tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha "cuối tuần này hoặc đầu tuần sau".
Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC ngày 4/10, người đứng đầu khu vực Catalonia, ông Carles Puigdemont, nói rằng nếu chính phủ Tây Ban Nha kiểm soát chính quyền vùng tự trị Catalonia, đây sẽ là "một lỗi lầm làm thay đổi mọi thứ".
Theo ông Puigdemont, chính quyền Catalonia sẽ "hành động vào cuối tuần này hoặc đầu tuần tới".
Ông Puigdemont cũng kêu gọi quốc tế can thiệp, giúp xử lý khủng hoảng và cho biết ông bất đồng với tuyên bố của Uỷ ban châu Âu rằng đây là vấn đề nội bộ Tây Ban Nha.
Trước đó, ông Margaritis Schinas, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, trước đó cho rằng cuộc bỏ phiếu trưng cầu của Catalonia là bất hợp pháp theo luật Tây Ban Nha.
"Đây là vấn đề nội bộ với Tây Ban Nha, phải được xử lý phù hợp với trật tự hiến pháp của Tây Ban Nha", ông Schinas khẳng định và kêu gọi tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng nhanh chóng chuyển từ đối đầu sang đối thoại.
Trong bài phát biểu hiếm hoi trước cả nước, Vua Tây Ban Nha Felipe VI hôm 3/10 lên án việc chính quyền Catalonia đòi độc lập, cáo buộc họ đe dọa sự ổn định an ninh và kinh tế của Tây Ban Nha.
"Bằng cách hành động vô trách nhiệm, họ khiến Catalonia và toàn bộ Tây Ban Nha đối mặt nguy cơ bất ổn về kinh tế, xã hội", Vua Felipe VI nói trên trên truyền hình.
Vua Felipe VI, 49 tuổi, còn kêu gọi các cơ quan chính phủ có trách nhiệm "đảm bảo trật tự hiến pháp".
Bình luận của Vua Felipe VI được đưa ra sau khi hàng trăm nghìn người Catalonia tuần hành, phản đối cảnh sát dùng bạo lực với cử tri trong cuộc trưng cầu dân ý về việc Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha hôm 1/10.
Catalonia hôm 1/10 tổ chức trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Tây Ban Nha. Kết quả cho thấy 90% cử tri, tương đương hai triệu người, ủng hộ khu vực tự trị này độc lập. Chỉ 7,87% nói "Không". Cuộc trưng cầu dân ý không có giá trị pháp lý. Nó bị tòa án hiến pháp Tây Ban Nha cùng Madrid phản đối vì đi ngược lại hiến pháp năm 1978.
Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng, khi lực lượng cảnh sát quốc gia và lực lượng bán vũ trang của chính quyền Madrid tiến hành các hành động ngăn chặn cuộc bỏ phiếu, khiến gần 850 người bị thương.
Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Juan Ignacio Zoido ngày 3/10 cáo buộc chính quyền vùng lãnh thổ Catalonia "kích động nổi loạn" sau khi những người biểu tình tấn công cảnh sát được triển khai tới khu vực này nhằm ngăn cản việc tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập của vùng Catalonia.
Tình hình hiện nay được coi là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Tây Ban Nha kể từ khi cuộc đảo chính quân sự năm 1981 bị Vua Juan Carlos I, cha của Vua Felipe, dẹp bỏ.
Catalonia là khu vực công nghiệp giàu có, dân số khoảng 7,5 triệu người, đóng góp khoảng 1/5 sản lượng kinh tế cho Tây Ban Nha. Khu vực này có ngôn ngữ và truyền thống văn hóa riêng. Catalonia từng đòi độc lập từ nhiều thế kỷ trước và xu hướng này tăng mạnh thời gian gần đây, liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế.
Triều Tiên chuẩn bị phóng thử tên lửa tầm xa có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ
Hãng RIA Novosti (Nga) trích lời một nghị sĩ nước này cho biết CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị thử tên lửa tầm xa mà nước này tin rằng có thể vươn tới bờ Tây của nước Mỹ.
Hãng RIA Novosti cho biết ông Anton Morozov, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga, và 2 nghị sĩ khác đã có chuyến thăm Triều Tiên từ ngày 2-6/10.
Theo ông Morozov, Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa mới. Theo tính toán thì tên lửa này có thể chạm tới bờ biển phía Tây của nước Mỹ.
“Triều Tiên đang chuẩn bị cho cuộc thử tên lửa tầm xa mới. Họ thậm chí còn đưa chúng tôi các thuật toán mà họ tin rằng chứng minh được tên lửa này có thể vươn tới bờ Tây của Mỹ”, ông Morozov nói. Ông Morozov nhận định: “Với những gì chúng tôi hiểu thì họ dự định phóng thêm một tên lửa tầm xa trong tương lai gần”. Ông Morozov không nêu rõ danh tính quan chức nào tại Triều Tiên đã trao cho ông thông tin về kế hoạch phóng thử tên lửa.
Trong khi đó, hãng tin Reuters của Anh dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên nhận định rằng có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên chuẩn bị thử tên lửa vào ngày 10/10 để kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên.
Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên. |
Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên gần đây xảy ra sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của nước này và việc Mỹ đe dọa sử dụng vũ lực.
Giới chức Hàn Quốc cũng cảnh báo rằng, Triều Tiên có thể tiến hành một loạt các hành động khiêu khích nhân dịp kỷ niệm thành lập đảng Lao Động Triều Tiên vào ngày 10/10 hoặc vào thời điểm diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 18/10 tới.