Hành khách sử dụng thẻ vé điện tử tại nhà chờ Kim Mã. Ảnh: Bế Quyền
Người dân được lợi nhấtHà Nội đang triển khai nhiều dự án đường sắt đô thị và các tuyến xe buýt khác nhau. Trong tương lai, khi VTHKCC phát triển, kết hợp đa dạng giữa nhiều loại hình, cần phải có một công cụ góp phần quản lý, vận hành hữu hiệu mạng lưới, đồng thời giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các phương tiện VTHKCC. Chuyên gia thuộc Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Honda Koya cho rằng Thẻ vé điện tử liên thông chính là công cụ Hà Nội đang cần để hoàn thiện khả năng vận hành của mạng lưới VTHKCC hiện đại.
Hà Nội đã thành lập 4 tổ công tác, bao gồm cả các chuyên gia Nhật Bản, Việt Nam làm việc nhiều tháng qua. Đến nay đã đưa ra được hướng dẫn thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật; chính sách vé; tiêu chuẩn vận hành; điều khoản tham chiếu về cơ cấu tổ chức của Trung tâm quản trị thẻ vé điện tử liên thông. |
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà chia sẻ, hiện nay, TP đã bước đầu triển khai thẻ vé điện tử trên tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa. Dự kiến sắp tới triển khai loại hình thẻ vé này trên toàn mạng lưới xe buýt của TP. Bên cạnh đó, mỗi dự án đường sắt đô thị, khi đi vào vận hành cũng sẽ có thẻ vé riêng. Ví dụ như tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, số 2A Cát Linh - Hà Đông, sử dụng thẻ vé theo tiêu chuẩn Nhật Bản JIS X6319-4; trong khi tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo lại áp dụng tiêu chuẩn ISO 14443 cho thẻ vé… “Mỗi dự án có các công nghệ thẻ vé điện tử khác nhau cũng chính là điều bất tiện đối với người dân, hành khách khi sử dụng phương tiện VTHKCC. Không ai muốn phải mang theo hàng loạt thẻ trong người trên mỗi hành trình” - ông Hà nhìn nhận.
Các chuyên gia cho rằng, thẻ vé điện tử liên thông sẽ đảm bảo lợi ích trước hết cho người dân. Mục tiêu của việc xây dựng hệ thống thẻ vé điện tử liên thông là người dân chỉ cần một tấm thẻ dùng chung cho tất cả các loại hình VTHKCC. Ngoài ra, với thẻ vé điện tử, người dân có thể trả chi phí cho cự ly di chuyển thực tế của mình, không cần mua vé cho cả tuyến xe buýt như hiện nay. “Điều này sẽ góp phần tích cực thu hút người dân đến với VTHKCC” - ông Honda Koya khẳng định.
Công cụ quản lý hữu hiệuKhông chỉ mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, hệ thống thẻ vé liên thông còn là công cụ trợ giúp đắc lực cho nhà quản lý và DN khai thác, kinh doanh dịch vụ VTHKCC. Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải phân tích: “Hiện nay, các tuyến buýt đang sử dụng cả vé tháng lẫn vé lượt bằng giấy. Do đó đòi hỏi phải có nhân sự soát vé, xé vé, phục vụ hành khách trên mỗi chuyến xe, vừa tăng thêm chi phí vận hành, vừa không tiện lợi bằng việc quẹt thẻ lên xe hoặc lên tàu”.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, việc sử dụng vé giấy, giao cho nhân viên phục vụ trên xe bán thủ công cho hành khách còn dẫn đến thất thoát không ít doanh thu, gây thiệt hại cho DN cũng như ngân sách trợ giá VTHKCC của Hà Nội. Một khi áp dụng thẻ vé điện tử liên thông, những bất cập nêu trên sẽ được loại bỏ. Doanh thu của từng chuyến xe, từng tuyến buýt, từng DN sẽ được minh bạch, công khai, giúp cơ quan quản lý Nhà nước định lượng đúng mức độ hỗ trợ chi phí cho VTHKCC. Mặt khác, DN cũng sẽ quản lý được doanh thu của mình, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế do thất thoát.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho hay: “Hiện JICA đã quyết định tài trợ dự án “Hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé điện tử liên thông cho giao thông công cộng Hà Nội, với mục tiêu đưa ra được những tiêu chuẩn kỹ thuật và chính sách cơ bản cho toàn hệ thống thẻ vé điện tử liên thông”.
Chuyên gia Honda Koya nhận định, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy định về quản lý và ứng dụng các công nghệ cho thẻ vé điện tử của mạng lưới VTHKCC trên địa bàn TP tại Quyết định số 3978/QĐ - UBND ngày 13/8/2015. Song, quyết định này mới chỉ đề cập đến một phần trong tổng thể hệ thống thẻ vé điện tử. Cần phải có những nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn để có cơ sở xây dựng và quản lý tối ưu toàn bộ hệ thống thẻ vé điện tử liên thông trên mạng lưới VTHKCC của Hà Nội.