KTĐT - Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền từ chối CFS của sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu nếu CFS đó được cơ quan cấp CFS của nước xuất khẩu xác nhận là không xác thực.
Thay vì trước đây chỉ có 4 Bộ chuyên ngành quản lý trong việc cấp CFS (Giấy chứng nhận lưu hành tự do), từ 1/5/2010, sẽ có 14 Bộ có thẩm quyền quản lý và cấp loại giấy chứng nhận này cho các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu.
Tại Quyết định quy định CFS đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 1/5/2010, CFS sẽ có giá trị hiệu lực trong vòng 2 năm kể từ ngày cấp và có những thông tin tối thiểu như tên cơ quan cấp CFS, số tham chiếu của CFS, tên sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS ...
CFS phải được cấp trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ thời điểm người đề nghị cấp CFS nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Trong trường hợp CFS bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, thương nhân xuất khẩu có thể nộp đơn gửi cơ quan cấp CFS đề nghị cấp bản sao chứng thực của CFS gốc. Bản sao chứng thực này được cấp trong khoảng thời gian CFS gốc vẫn còn hiệu lực. Thời gian cấp lại CFS cũng không quá 5 ngày làm việc.
Cơ quan cấp sẽ thu hồi CFS khi thương nhân xuất khẩu, người đề nghị xuất khẩu cấp CFS giả mạo chứng từ, CFS được cấp không đúng thẩm quyền hoặc CFS được cấp cho sản phẩm, hàng hóa mà sản phẩm, hàng hóa đó không phù hợp các tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền từ chối CFS của sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu nếu CFS đó được cơ quan cấp CFS của nước xuất khẩu xác nhận là không xác thực.
Thêm 10 Bộ được phép cấp CFS
Nhiều nước coi CFS là một điều kiện để nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, áp dụng cho một số loại hàng hóa nhất định. Ví dụ như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Lào, Hàn Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Ai Cập…, đối với các mặt hàng dược phẩm, hóa chất, chất tẩy rửa, nông sản, thực phẩm, đồ hộp, điện tử, sản phẩm nhựa, gỗ…
Trước đây có 4 Bộ chuyên ngành quản lý trong việc cấp CFS là Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, thực tế cho đến trước khi Quyết định này ban hành thì chưa có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể ở cấp Bộ, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ, luật, pháp lệnh quy định về các vấn đề liên quan đến việc cấp CFS cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, trên thực tế đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp gặp khó khi xin cấp CFS, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Quyết định quy định CFS đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu của Thủ tướng vừa ban hành sẽ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận thị trường nước ngoài có yêu cầu CFS và các doanh nghiệp nhập khẩu đáp ứng đủ hồ sơ đăng ký lưu hành sản phầm trên thị trường. Thậm chí việc cấp CFS cũng có tác dụng hạn chế những sản phẩm không đạt chất lượng vệ sinh an toàn, như hàng thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc...
Ngoài 4 Bộ nói trên, Thủ tướng đã quyết định bổ sung thêm 10 Bộ được phép cấp CFS cho chuyên ngành mình quản lý, nâng tổng số Bộ được cấp CFS lên 14 Bộ. Đó là các Bộ: Giao thông vận tải, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quốc phòng, Công an.
Lưu ý là hồ sơ đề nghị cấp CFS phải được người đề nghị cấp CFS, cơ quan cấp CFS lưu trữ tối thiểu 3 năm kể từ ngày cấp. CFS của sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải được người nhập khẩu lưu trữ tối thiểu 3 năm kể từ ngày nhập khẩu.
CFS là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa (theo yêu cầu của thương nhân) để chứng nhận rằng sản phầm hàng hóa đó được sản xuất và được phép lưu hành tự do trên thị trường của nước xuất khẩu.
Người đề nghị cấp CFS bao gồm thương nhân xuất khẩu, nhà sản xuất, người đại diện có ủy quyền hợp pháp của thương nhân xuất khẩu hoặc nhà sản xuất.