Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm bước lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/3, Sở Nội vụ đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định 07/2016/QĐ-UBND của UBND TP về “quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức tại cơ quan hành chính Nhà nước thuộc TP” đến cán bộ của 30 quận, huyện, thị xã.

Nội dung quan trọng nhất trong Quyết định 07 (thay thế Quyết định 84 trước đây) chính là quy trình thực hiện cơ chế một cửa tại Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC (Một cửa), kèm theo xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức. Theo đó, quy trình phải qua đủ 5 bước: Tiếp nhận hồ sơ, chuyển hồ sơ, giải quyết hồ sơ, lấy kết quả giải quyết, lấy ý kiến về độ hài lòng.
Bộ phận Một cửa UBND huyện Phúc Thọ.
Bộ phận Một cửa UBND huyện Phúc Thọ.
Về tiếp nhận hồ sơ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn nêu rõ: Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đầy đủ, cán bộ Một cửa có trách nhiệm hướng dẫn, lập phiếu hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ; nếu hồ sơ không thuộc phạm vi giải quyết, cán bộ cần hướng dẫn, lập văn bản nêu rõ lý do hồ sơ không được tiếp nhận (nếu cá nhân, tổ chức yêu cầu). Trong bước chuyển hồ sơ, cán bộ phải lập phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ, bàn giao hồ sơ ngay trong ngày tiếp nhận (tiếp nhận vào 30 phút cuối của ngày làm việc thì chậm nhất phải chuyển vào đầu giờ ngày kế tiếp).

Đối với quy trình giải quyết hồ sơ, trong trường hợp chưa đủ điều kiện giải quyết, cán bộ phải bàn giao lại hồ sơ và văn bản nêu lý do, nội dung cần bổ sung; không đủ điều kiện giải quyết thì trả lại hồ sơ và văn bản nêu rõ lý do. Đặc biệt, nếu quá hạn giải quyết, cán bộ phải có văn bản xin lỗi nêu rõ lý do và thời hạn trả kết quả lần sau.   

Ngoài ra, Quyết định 07 cũng nêu rõ thời gian tiếp nhận và trả kết quả là 6 tiếng (8 giờ -11 giờ, 13 giờ - 16 giờ 30), trường hợp cần thiết thì quy định bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn. Thời gian tiếp nhận, trả kết quả đối với hồ sơ trực tuyến tối thiểu bằng thời gian tiếp nhận và trả kết quả. “Bộ phận Một cửa phải được bố trí địa điểm, diện tích, trang thiết bị, không gian theo đúng chuẩn, sạch sẽ, trang trọng. Trong đó, không quy định có vách ngăn “cứng” giữa cán bộ tiếp nhận và công dân, mà tùy điều kiện cụ thể của đơn vị để bố trí đảm bảo lịch sự mà thuận tiện nhất cho giao dịch” - ông Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh và đề nghị: Các cơ quan cần đặc biệt coi trọng việc công khai TTHC tại bộ phận Một cửa, từ nội dung, bộ hồ sơ mẫu đã được điền thông tin đến danh mục TTHC từ mức độ 3 trở lên, cho đến số điện thoại, email của cơ quan và số điện thoại, email của thủ trưởng cơ quan (không khuyến khích công khai thông tin của cấp phó, theo đúng tinh thần cải cách). Hình thức công khai là trên bảng, trên mặt sau của giấy hẹn trả kết quả, trên cổng giao tiếp điện tử TP và facebook “Thủ đô Hà Nội - Việt Nam”.
Hiện cả nước cơ bản đạt 100% đơn vị cấp huyện thực hiện cơ chế một cửa - một cửa liên thông, cấp xã đạt 96%, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đạt khoảng 93%. Riêng Hà Nội gần đây đã tích cực, chủ động thực hiện một cửa - một cửa liên thông nói chung cũng như xây dựng bộ phận Một cửa hiện đại cấp huyện, đáp ứng được niềm tin của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan Nhà nước.
Ông Ngô Quang Phát - Phó Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Nội vụ