Mong chờ được đỗ trường cao đẳng
Những ngày qua, nhiều thí sinh rất sốc khi biết mình điểm cao vẫn trượt các nguyện vọng đầu ĐH năm 2021. Nhưng rồi, các em đã trấn tĩnh để tìm hướng đi khác cho mình mà vẫn có thể đạt được đích đến. Với những em vẫn mong muốn được học trường ĐH yêu thích, đã chuyển hướng chọn trường CĐ với thời gian học ngắn, lại có nhiều cơ hội được rèn luyện kỹ năng tay nghề, ra trường có việc làm ngay, rồi học lên cao. Thí sinh Nguyễn Phương Thanh (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đạt điểm thi khối D1 là 25,75 điểm nhưng đã trượt cả 5 ngành của 4 trường ĐH. Nhớ lại những ngày điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH, để đảm bảo chắc chắn đỗ, Phương Thanh đã chọn ngành ở trường có điểm trúng tuyển năm 2020 thấp hơn điểm em đạt được 5 điểm nhưng vẫn không trúng.
“Sau thời gian tìm hiểu thông tin về trường CĐ nghề Bách khoa Hà Nội từ các anh chị khóa trước ở trường THPT, em đã đăng ký xét tuyển vào ngành Kế toán doanh nghiệp. Em rất hộp, chỉ mong sao đỗ vào trường để được học nghề, sau này có cơ hội học liên thông lên trường ĐH Bách khoa Hà Nội” – Phương Thanh hy vọng.
Kỳ xét tuyển ĐH vừa qua, em Vũ Đức Minh (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đăng ký 5 trường nhưng chỉ đỗ vào trường ĐH Điện lực. Đức Minh tiếc nuối bởi với 24,6 điểm khối D nhưng bị thiếu 0,2 điểm ngành Công nghệ thông tin của trường em mong muốn được học. Nhưng, Đức Minh đã bình tâm suy nghĩ lại và quyết định bỏ qua trường ĐH Điện Lực vì không biết cơ hội việc làm thế nào. Và, em đã đăng ký xét tuyển vào trường CĐN Bách khoa Hà Nội, nghề Lập trình máy tính. Đức Minh cho biết: “Cậu của em đang học năm cuối của trường CĐN Bách khoa Hà Nội nhận xét các thầy giảng dạy tốt, sinh viên được thực hành nhiều. Em mong được học trường này để rèn tay nghề, sau này có điều kiện thì được học liên thông lên trường ĐH Bách khoa Hà Nội”.
Trong lúc dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến cuộc sống của các gia đình khó khăn, nhiều thí sinh đã lựa chọn học trường CĐ để sớm ra trường tìm kiếm việc làm có thu nhập phụ giúp gia đình. Với suy nghĩ như vậy có tay nghề thì không lo thất nghiệp, Vũ Tiểu Phương (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã bỏ qua cơ hội trúng tuyển của trường ĐH Phenikaa. Tiểu Phương vui vẻ cho biết: “Em không tiếc nuối khi từ chối cơ hội học ĐH. Trở thành tân sinh viên lớp 13D ngành Quản trị kinh doanh trường CĐ Thương mại và du lịch Hà Nội, em rất vui khi được làm quen với các bạn trong lớp; giáo viên nhiệt tình. Chúng em được nhà trường cam kết với học lực tốt sẽ được giới thiệu việc làm. Thời gian này, em đã đăng ký học khóa học tiếng Anh trên mạng để phục vụ cho việc học CĐ”.
Điểm trúng tuyển cao đẳng sẽ dâng cao
Thời điểm này, các trường CĐ có danh tiếng ở Hà Nội nhận được nhiều hồ sơ đăng ký xét tuyển của những thí sinh điểm cao không đỗ ĐH. Thậm chí, có ngày hệ thống mạng của các trường quá tải vì hồ sơ đăng ký quá nhiều. Hiệu trưởng trường CĐN Bách khoa Hà Nội Nguyễn Khắc Kiểm thông tin, trong 3 đợt xét tuyển trước, hai nghề được thí sinh đăng ký nhiều và có điểm xét tuyển cao là: Công nghệ Ô tô (7,3 điểm) và Lập trình máy tính (7,33 điểm). Nhà trường đang nhận hồ sơ đăng ký để xét tuyển lấy 600 chỉ tiêu cho đợt cuối cùng cho các nghề còn nhiều chỉ tiêu: Điện tử Công nghiệp, Điện Công nghiệp, Quản trị mạng mây tính, Thương mại điện tử. Dự kiến điểm trúng tuyển đợt 4 sẽ dâng lên vì có nhiều thí sinh điểm cao không đỗ ĐH đăng ký. Ngày 30/9 trường kết thúc nhận hồ sơ và công bố điểm trúng tuyển vào ngày 4/10.
Nhiều thí sinh điểm cao nhưng trượt nguyện vọng đại học đã đăng ký xét tuyển vào các trường cao đẳng nghề. |
Các trường CĐ khác cũng đang tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký với số lượng tăng đột biến trong khi chỉ tiêu cho các nghề không còn nhiều. Đơn cử, trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội tuyển thêm khoảng 400 – 500 sinh viên, nhưng riêng trong ngày 17/9 đã nhận được tới 250 hồ sơ. Các ngành đang được nhà trường xét tuyển là Quản trị (QT) khách sạn, QT dịch vụ du lịch và lữ hành, QT nhà hàng và dịch vụ ăn uống, QT kinh doanh, Kế toán, Thương mại điện tử, Tiếng Anh, Kinh doanh thương mại, Kỹ thuật chế biến món ăn, Tiếng Anh.
Trường tuyển sinh hệ CĐ được 75% chỉ tiêu, tương đương 750 sinh viên và đã tổ chức dạy học online. Phó Hiệu trưởng trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Huy thông tin, trường đang tuyển thêm khoảng 500 chỉ tiêu ở các nhóm ngành nghề: CNTT, Công nghệ cơ khí, Kinh tế, Điện - Điện tử - Điện lạnh, Công nghệ ô tô. Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đã dạy học online cho 400 thí sinh trúng tuyển đợt 1 từ ngày 6/9. Hiện nhà trường vẫn đang tiếp tục tuyển 400 chỉ tiêu cho tất cả các ngành: CNTT, Cơ điện tử, Điện công nghiệp, Tự động hoá công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử; Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí; Công nghệ kỹ thuật cơ khí. Phản hồi về cơ hội làm thêm trong thời gian học, Phó Hiệu trưởng trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội Nguyễn Hằng Nga cho biết, hệ CĐ có 2 kỳ thực tập 3 tháng. Đa số các DN nhà trường liên hệ thực tập đều có trả lương cho sinh viên, từ 3 – 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các DN gửi thông báo tuyển dụng làm việc partime nhà trường đều thông tin cho sinh viên biết để em nào có nhu cầu làm nửa ngày thì tham gia.
Song song với việc tuyển sinh, nhiều trường CĐ, CĐ nghề có danh tiếng đều ký cam kết với sinh viên về việc tạo cơ hội việc làm khi tốt nghiệp nếu đáp ứng được các tiêu chí, với mức lương từ 7 – 8 triệu đồng trở lên, tùy theo năng lực. Các trường cũng hợp tác với các DN để nhận sinh viên thực tập và tuyển dụng khi tốt nghiệp. Vì thế, đây là cơ hội tốt cho các thí sinh mong muốn có tay nghề và sớm tìm được việc làm, thu nhập nuôi sống bản thân.