Tại cuộc họp đại cổ đông vừa diễn ra, Tập đoàn Hòa Phát đã tiết lộ kế hoạch gia nhập lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2015. Như vậy doanh nghiệp thép kiêm bất động sản này đã chính thức đặt chân vào mảng miếng được cho là ít hiểm nguy nhưng vẫn mang lại lợi nhuận cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Không trực tiếp cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn khác như Vingroup hay Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát sẽ chú trọng tới ngành chăn nuôi, đây là thị trường cho số lượng sản phẩm nhiều, dễ phân phối phù hợp với kinh nghiệm vốn có của Tập đoàn này trong lĩnh vực kinh doanh thép.
Với việc xác định đưa nông nghiệp trở thành mảng kinh doanh chính, Hòa Phát cho biết sẽ tập trung đầu tư dài hạn cả về tài chính và nhân sự cho lĩnh vực này. Cụ thể, trong giai đoạn đầu, Hòa Phát sẽ thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, nếu đạt được kết quả tốt những nhà máy tương tự sẽ được nhân rộng tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo kế hoạch nhà máy trên sẽ có công suất 300.000 tấn/năm, sản phẩm sẽ bắt đầu được bán ra vào tháng 6/2015, đồng thời doanh thu được đặt mục tiêu là 3.000 tỷ đồng trong 3 năm.
Được biết thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn với doanh thu lên đến 6 tỷ USD. Tuy nhiên việc phụ thuộc vào các sản phẩm nước ngoài là khá lớn, chỉ riêng trong năm 2014 số tiền bỏ ra để nhập khẩu mặt hàng này đã đạt tới ngưỡng hơn 3 tỷ USD.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thông, hiện số lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước mới chỉ dừng ở 14,7 triệu tấn (tính tới hết năm 2014), con số này chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Hơn thế nữa theo dự báo tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần ít nhất 26 triệu tấn thức ăn cho thị trường này, bởi vậy cơ hội cho các doanh nghiệp mới tham gia vẫn còn rất lớn.
Khi được hỏi về triển vọng thành công trong nông nghiệp, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát cho biết đây không phải lần đầu Tập đoàn gia nhập vào lĩnh vực kinh doanh mới, 20 năm trước là thép và đã thành công. Chính vì vậy với kinh nghiệm vốn có trong việc phân phối và sản xuất sản phẩm thép, Hòa Phát hoàn toàn tin tưởng sẽ làm được những điều tương tự với nông nghiệp, ông Long khẳng định.
Trước Hòa Phát, Vingroup cũng đã bộc lộ ý định sẽ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất rau, quả sạch và các sản phẩm nông nghiệp khác với số vốn đầu tư ban đầu lên tới 2.000 tỷ đồng. Sớm hơn nữa là Hoàng Anh Gia Lai khi đã đầu tư vào mảng cây trồng từ năm 2008 và mới đây là chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn công nghệ cao.
Đánh giá về việc các doanh nghiệp lớn thay nhau nhảy sang nông nghiệp, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, không chỉ có doanh nghiệp trong nước mà ngay cả các doanh nghiêp nước ngoài cũng đang đẩy mạnh quá trình đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy có thể thấy đây là mảng kinh doanh rất hấp dẫn.
Thêm vào đó, người mua đã dần quan tâm tới chất lượng các sản phẩm nông nghiệp hơn nhiều so với những năm trước đây, điều này sẽ yêu cầu chuỗi sản xuất sản phẩm cũng phải nâng cao hơn từ đó dẫn tới giá bán được đẩy lên khiến cho nông nghiệp sẽ trở thành một lĩnh vực kinh doanh bền vững có khả năng được doanh nghiệp đầu tư kiếm lời, ông Thành giải thích thêm.
Thị trường thức ăn chăn nuôi rất tiềm năng nhưng vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu
|