Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm liều thuốc cho cổ phần hóa

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phần hóa (CPH), thoái vốn DN Nhà nước còn chậm, chưa đạt mục tiêu là câu chuyện được nói đến nhiều năm nay. Sau quá trình CPH, tái cơ cấu DN Nhà nước, tính hết quý II/2019 mới có 35/127 DN trong danh mục được duyệt đã thực hiện CPH, đạt tỷ lệ 27,5%. Nguyên nhân của sự chậm trễ này vẫn nằm ở chỗ các cơ quan, DN chưa thực sự quyết liệt, tự giác, còn tâm lý níu giữ. Ngoài ra, những vướng mắc về mặt pháp lý khiến quá trình này kéo dài cũng là nguyên nhân cần được nhìn nhận để tháo gỡ.

 Tổng Công ty May 10 là một trong những DN thành công trong cổ phần hóa. Ảnh: Thanh Hải
Theo Bộ Tài chính, quá trình CPH DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH làm kéo dài thời gian thực hiện tiến trình này. Đặc biệt, vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND các tỉnh, TP thực hiện chậm, thời gian kéo dài hơn so với quy định, dẫn đến nhiều DN phải điều chỉnh tiến độ CPH. Bên cạnh đó, tỷ lệ phần vốn Nhà nước trong phương án CPH DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc CPH...
Để đẩy nhanh tiến độ CPH, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tháo gỡ vướng mắc các quy định pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại DNNN. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là liên quan đến vấn đề đất đai. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính rà soát các quy định pháp luật về phương án sử dụng đất khi CPH DN bảo đảm tuân thủ các quy định, không làm phát sinh thủ tục, vướng mắc ngoài các quy định pháp luật của các DN thực hiện CPH trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước...
Như vậy, các vướng mắc pháp lý đã và đang được Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước tháo gỡ quyết liệt. Vấn đề lớn nữa hiện nay là tháo gỡ vướng mắc tâm lý cho chính các bộ, ngành, địa phương và chính bản thân DN CPH. Vì thế, muốn CPH, thoái vốn DNNN đạt mục tiêu, câu chuyện quyết liệt hơn với các bộ, ngành, địa phương, DNNN chây ỳ, cố tình chậm trễ CPH cần được thực hiện nghiêm hơn, rõ người, rõ trách nhiệm hơn. Thông điệp không thể chậm trễ hơn nữa trong hoạt động CPH, thoái vốn đã được Chính phủ nêu ra rất rõ. Tuy nhiên làm đúng nhưng phải nhanh, không phải vì sợ “cá thể hóa” trách nhiệm mà để chậm, không dám làm, gây ách tắc, trì trệ, vòng vo. Kỳ vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, quá trình CPH, thoái vốn DNNN sẽ hiệu quả hơn, để không “đến hẹn lại lên”, câu chuyện “trễ hẹn” lại được nhắc đến.